Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, giá dầu dưới ngưỡng 30 USD/thùng, kim loại quý, kim loại công nghiệp và các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm
Dầu dưới ngưỡng 30 USD/thùng
Giá dầu giảm xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng do virus corona lây lan mạnh trên toàn cầu trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần qua, làm gia tăng mối lo ngại chính phủ sẽ đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/3, dầu thô Brent giảm 3,8 USD tương đương 11,2% xuống 30,05 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 29,52 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Dầu thô Tây Texas WTI giảm 3,03 USD tương đương 9,6% xuống 28,7 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu giảm khoảng 50%.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực giảm sau khi Saudi Aramco vẫn duy trì kế hoạch thúc đẩy sản lượng lên mức cao kỷ lục để gia tăng thị phần trên thị trường toàn cầu. Các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới bao gồm Saudi Arabia và Nga bắt đầu cuộc chiến giá cả sau khi không đồng ý về kế hoạch kiềm chế nguồn cung, do kinh tế toàn cầu suy giảm khiến nhu cầu dầu giảm.
Công ty cung cấp thông tin toàn cầu IHS Markit cho biết, nguồn cung từ Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác có thể dẫn đến dư cung dầu thô lớn nhất trong lịch sử. Ước tính nguồn cung dầu dư thừa có thể lên tới 800 triệu đến 1,3 tỉ thùng – gấp đôi hoặc gấp ba so với mức dư cung dầu vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu để chống lại sự gia tăng của ngành công nghiệp đá phiến Mỹ.
Khí tự nhiên giảm 3%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 3% theo xu hướng giá dầu giảm 10%, do lo ngại suy thoái kinh tế gây ra bởi virus corona sẽ khiến nhu cầu năng lượng suy giảm. Giá khí tự nhiên giảm bất chấp dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm tại Mỹ trong 2 tuần tới cao hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn New York giảm 5,4 US cent tương đương 2,9% xuống 1,815 USD/mmBTU.
Trước khi virus corona bùng phát, giá khí tự nhiên chạm mức thấp nhất gần 4 năm do sản lượng đạt mức cao kỷ lục và thời tiết ôn hòa. Tính đến nay, giá khí tự nhiên giảm khoảng 38% từ mức cao nhất 8 tháng (2,905 USD/mmBTU) trong đầu tháng 11/2019.
Vàng giảm mạnh, palađi thấp nhất 1,5 năm, bạc thấp nhất 11 năm
Giá vàng giảm hơn 2% do các nhà đầu tư quay lưng lại với vàng sau khi Mỹ cắt giảm lãi suất khẩn cấp lần thứ 2, đã không làm giảm mối lo ngại về đại dịch virus corona trên thị trường toàn cầu.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 2,6% xuống 1.490,01 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn New York giảm 2% xuống 1.486,5 USD/ounce.
Giá palađi giảm 11% xuống 1.609,45 USD/ounce, thấp nhất kể từ tháng 8/2019 (1.481,53 USD/ounce).
Giá bạc giảm 12,5% xuống 12,84 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 11,76 USD/ounce, thấp nhất kể từ năm 2009.
Đồng thấp nhất 40 tháng, nickel thấp nhất 10,5 tháng, chì thấp nhất 3,5 năm, thiếc thấp nhất 4 năm
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 do lo ngại châu Âu và Mỹ đóng cửa, để ngăn chặn virus corona sẽ làm xói mòn nhu cầu kim loại.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 3,1% xuống 5.290,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2016.
Tính đến nay, giá đồng đã giảm 17% kể từ mức cao nhất 8 tháng (6.343 USD/tấn) hồi giữa tháng 1/2020.
Nhu cầu kim loại của Trung Quốc – nơi các trường hợp nhiễm virus corona mới giảm mạnh – chiếm khoảng 50% và chính phủ nước này dự kiến sẽ triển khai chi tiêu kích thích nền kinh tế. Trong khi, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – giảm mạnh nhất trong 30 năm trong 2 tháng đầu năm 2020.
Đồng thời, giá nickel giảm 3,1% xuống 11.935 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 11.670 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 6/2019.
Giá chì giảm 1% xuống 1.725 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 1.682,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 6/2016 và giá thiếc giảm 4,1% xuống 15.300 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 2/2016.
Thép cao nhất gần 2 tháng, quặng sắt tăng
Giá thép tại Thượng Hải đạt mức cao nhất gần 2 tháng do nhu cầu hồi phục và các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đưa ra các biện pháp kích thích, nhằm giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch virus corona.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,2% lên 3.553 CNY (507,56 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 3.584 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 21/1/2020. Đồng thời, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 3.506 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.551 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 23/1/2020. Giá thép không gỉ tăng 0,9%.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,5% và trên sàn Singapore tăng 0,1%.
Giá thép tăng bất chấp tồn trữ thép tại Trung Quốc trong tuần trước đạt mức cao kỷ lục 38,91 triệu tấn, song có mức tăng hàng tuần chậm nhất kể từ ngày 20/12/2019. Đồng thời sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp nhất kể từ tháng 1/1990, bị ảnh hưởng bởi virus corona bùng phát.
Cao su giảm trở lại
Giá cao su tại Tokyo giảm trở lại sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch, khi những ngân hàng trung ương lớn nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch virus corona, đã không làm giảm bớt mối lo ngại của các nhà đầu tư.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,4 JPY xuống 161,8 JPY (1,5 USD)/kg, sau khi tăng lên mức cao 165,7 JPY/kg trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 15 CNY xuống 10.310 CNY (1.473 USD)/tấn.
Đường thấp nhất 6 tháng, cà phê giảm
Giá đường giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng do giá dầu thô giảm mạnh.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE giảm hơn 5% tương đương 0,61 US cent xuống 11,09 US cent/lb, trước đó trong phiên chạm mức thấp nhất 6 tháng (11 US cent/lb). Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 12,5 USD tương đương 3,4% xuống 342,5 USD/tấn.
Giá dầu thô giảm mạnh và giá xăng tại Brazil giảm khiến các nhà máy đường tại quốc gia Nam Mỹ này có thể chuyển sang sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất đường thay vì ethanol. Trong khi đó, Czarnikow cắt giảm ước tính tiêu thụ đường toàn cầu trong năm nay thêm gần 2 triệu tấn, do đại dịch virus corona sẽ khiến nhu cầu sử dụng đường suy giảm.
Đồng thời, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE giảm 2,85 US cent tương đương 2,7% xuống 1,039 USD/lb. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 20 USD tương đương 1,5% xuống 1.225 USD/tấn.
Đậu tương, ngô và lúa mì đều thấp nhất nhiều tháng
Giá ngô, đậu tương và lúa mì tại Mỹ đều giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng do lo ngại đại dịch virus corona, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu kéo nhu cầu giảm.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 27 US cent tương đương 2,8% xuống 8,21-3/4 USD/bushel - thấp nhất kể từ tháng 5/2019 và có ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2018. Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 9 US cent xuống 3,56-3/4 USD/bushel - thấp nhất kể từ tháng 9/2019 và giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 12-1/4 US cent xuống 4,93-3/4 USD/bushel - thấp nhất kể từ tháng 10/2019.
Dầu cọ giảm hơn 2%
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm hơn 2% do virus corona lây lan mạnh trên toàn cầu, làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 49 ringgit tương đương 2,16% xuống 2.221 ringgit (516,15 USD)/tấn.
Trong tuần qua, giá dầu cọ giảm 7% do virus lây lan mạnh thúc đẩy hoạt động bán tháo.
Nhà nghiên cứu Anilkumar Bagani thuộc công ty môi giới dầu thực vật Sunvin Group có trụ sở tại Mumbai cho biết: "Dầu cọ giảm do sự gián đoạn nhu cầu tại EU và Trung Quốc khi các trường hợp nhiễm virus corona tại khu vực này gia tăng".
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 17/3