Dầu tăng do tồn trữ của Mỹ giảm và Fed hạ lãi suất
Giá dầu tiếp tục tăng sau khi số liệu từ Mỹ cho thấy tồn trữ của nước này giảm nhiều hơn dự đoán và Cục Dự trữ liên bang (Fed) hạ lãi suất lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 45 UScent lên 65,17 USD/thùng, tính chung tháng 7 tăng 2,1%; dầu Tây Texas (Mỹ) tăng 53 UScent lên 58,58 USD/thùng, tính chung cả tháng tăng 0,2%.
Tồn trữ dầu thô Mỹ giảm 8,5 triệu thùng trong tuần vừa qua, là tuần giảm thứ 7 liên tiếp, vượt xa mức dự báo của các nhà phân tích là giảm 2,6 triệu thùng. ở mức 436,5 triệu thùng, tồn trữ dầu thô Mỹ (không tính dự trữ dầu chiến lược) lần đầu tiên trong năm nay đang ở mức trung bình 5 năm. Tồn trữ giảm ngay cả khi sản lượng dầu ngoài khơi đã được khôi phục trở lại sau bão Barry. Sản lượng dầu Mỹ đã hồi phục lên 12,2 triệu thùng/ngày, từ 11,3 triệu gần đây. Tồn trữ xăng cũng giảm 1,8 triệu thùng, trong khi tồn trữ các sản phẩm chưng cất giảm 894.000 thùng.
Một số thông tin khác cũng tác động tích cực lên thị trường dầu mỏ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay sản lượng dầu thô của nước này tháng 5/2019 đã giảm từ mức cao kỳ lục, giảm 26.000 thùng/ngày xuống 12,11 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của OPEC tháng 7/2019 đã chạm mức thấp nhất 8 năm do Saudi Arabia tự nguyện giảm mạnh sản lượng giữa lúc Mỹ trừng phạt Iran và một số nước khác của nhóm gặp sự cố trong sản xuất. Giếng dầu lớn nhất của Syria – Sharara – phải ngừng hoạt động vào ngày 30/7/2019 sau khi một van trên đường ống dẫn nối liền tới nhà máy dầu Zawiya gặp sự cố.
Về triển vọng giá dầu, một cuộc thăm dò mới đây của Reuters cho thấy giá sẽ nằm trong khoảng như hiện tại từ nay tới cuối năm bởi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và nhu cầu dầu yếu đi do xung đột thương mại kéo dài. Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc một cuộc đàm phán mà không có tiến triển rõ rệt nào, và đã hoàn cuộc họp tiếp theo tới tháng 9/2019. Bên cạnh đó, nguồn cung dầu toàn cầu nhìn chung vẫn lớn mặc dù sản lượng của OPEC giảm và Mỹ trừng phạt Iran và Venezuela.
Vàng, bạc và bạch kim đều tăng trong tháng 7
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua sau khi Fed hạ lãi suất đúng như dự đoán và triển vọng cơ quan tài chính Mỹ sẽ giữ thái độ "ôn hòa" trong các quyết định sắp tới của mình.
Vàng giao ngay cuối phiên giảm 0,8% xuống 1.417 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm 1% xuống 1.415,87 USD; vàng giao tháng 8/2019 cũng giảm 0,8% xuống 1.418,30 USD/ounce. Tuy nhiên, hy vọng Fed tăng lãi suất đã khiến vàng tăng giá trong nhiều phiên vừa qua để kết thúc một tháng tăng 0,6%.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc phiên vừa qua giảm 0,9% xuống 16,43 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,9% lên 873,85/ounce, cả hai kim loại này đều tăng trong tháng 7 và là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Palađi phiên vừa qua tăng 0,7% lên 1.537 USD/ounce.
Sắt thép tăng trong tháng 7
Giá sắt thép trên thị trường Trung Quốc phiên vừa qua chỉ thay đổi chút ít sau khi kết quả một cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy ở nước này tháng 7/2019 giảm tháng thứ 3 liên tiếp và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm nữa.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2019, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 0,1% xuống 3.891 CNY (565,25 USD)/tấn, mặc dù lúc đầu phiên tăng 1%. Thép cuộn cán nóng tăng nhẹ 0,2% lên 3.806 CNY/tấn, sau khi có thời điểm đạt 3.840 CNY.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên vào cuối phiên giảm 0,1% xuống 763 CNY/tấn, mặc dù đầu phiên có lúc đạt 789,5 CNY, cao nhất trong vòng hơn 5 năm. Tính chung cả tháng 7/2019, giá quặng sắt tăng tháng thứ 8 liên tiếp bởi nhà đầu tư lo ngại nguồn cung sẽ yếu trong nhiều tháng tới.
Dầu cọ có tháng tăng đầu tiên trong vòng 6 tháng
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Bursa (Malaysia) kết thúc phiên vừa qua tăng 0,4% lên 2.070 ringgit (501,82 USD)/tấn, là phiên thứ 6 tăng giá trong vòng 7 phiên vừa qua. Tính chung trong tháng 7/2019, giá tăng 6,1% so với tháng 6, là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2019.
Đồ thị phân tích kỹ thuật cho thấy giá có thể sẽ tiếp tục tăng, lên mức khoảng 2.076-2.083 ringgit/tấn.
Cà phê arabica tăng từ mức thấp nhất 6 tuần nhưng tháng 7 vẫn mất 7,9%
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2019 trong phiên vừa qua tăng 0,15 UScent tương đương 0,2% lên 99,65 UScent/lb, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 6 tuần là 98,40 UScent. Nguyên nhân bởi đồng real Brazil mạnh lên và dự báo nước này sẽ có sương giá. Tuy nhiên tính chung cả tháng 7/2019, arabica giảm 7,9%, là tháng giảm thứ 4 trong năm nay. Tuy nhiên, xu hướng giảm có thể sắp kết thúc vì giá thấp kéo dài trong thời gian qua đã bắt đầu khiến sản lượng giảm.
Robusta trong phiên vừa qua cũng giảm 16 USD tương đương 1,2% xuống 1.338 USD/tấn.
Cao su thấp nhất 2 tuần
Giá cao su trên sàn Tokyo tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần giữa bối cảnh nhà đầu tư lo ngại Indonesia và Malaysia có thể tăng xuất khẩu sau một thời gian kiềm chế.
Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,9 JPY tương đương 0,5% xuống 177 JPY (1,63 USD)/kg, trong phiên có lúc chỉ 174,5 JPY, thấp nhất kể từ 16/7/2019.
Giá cao su trên sàn Singapore cũng giảm trong phiên vừa qua. Cụ thể, hợp đồng kỳ hạn tháng 8/2019 giảm 1,1% xuống 133,2 UScent/kg – thấp gần nhất kể từ 15/2/2019.
Đi ngược xu hướng này, giá cao su trên sàn Thượng Hải tăng trong phiên vừa qua, theo đó hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 tăng 85 CNY lên 10.740 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng 1/8