Dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu diễn biến trái chiều trong phiên vừa qua do sự sụt giảm kinh tế quý 1 tồi tệ nhất của Trung Quốc và các kho chứa dầu thô của Mỹ đang được lấp đầy nhanh chóng được bù đắp bởi kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dầu thô Mỹ đã xuống dưới mức thấp nhất trong 18 năm, tiếp tục mất giá so với dầu Brent một phần do hợp đồng kỳ hạn tháng 5 sắp hết hạn. Tuy nhiên các hợp đồng kỳ hạn sau cũng giảm do các kho chứa của Mỹ đang nhanh chóng được lấp đầy và các nhà sản xuất dự kiến cắt giảm sản lượng trong những tháng tới.
Chốt phiên 17/4, dầu thô Brent tăng 26 US cent hay 0,9% lên 28,08 USD/thùng, trong khi dầu WTI kỳ hạn tháng 6, trở thành hợp đồng được giao dịch nhiều nhất giảm 50 US cent hay 2% xuống 25,03 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 5 giảm 1,6 USD hay 8,1% xuống 18,27 USD/thùng, do hợp đồng này hết hạn vào ngày 21/4. Hợp đồng WTI kỳ hạn tháng 5 đã giảm gần 20% trong tuần này, trong khi dầu thô Brent giảm gần 11%.
Sản lượng dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng 3 giảm xuống thấp nhất trong 15 tháng do các nhà máy lọc dầu nhà nước duy trì cắt giảm sản lượng, mặc dù có một số dấu hiệu phục hồi khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp ngăn chặn virus corona.
Các nhà đầu tư đã đặt hy vọng vào kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa của Mỹ, nhưng việc thúc đẩy giá dầu Brent chỉ kéo dài một thời gian ngắn.
Giám đốc thị trường dầu mỏ thuộc Rystad Energy cho biết sự phấn khích về ý định kết thúc phong tỏa đất nước của Trump dường như đang mất dần, do các thương nhân nhận ra rằng các hoạt động kinh tế trở lại hoạt động hoàn toàn sẽ không diễn ra trong một đêm.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các nhà khoan dầu Mỹ đã giảm 66 giàn khoan trong tuần nay, cắt giảm hàng tuần nhiều nhất kể từ năm 2015 và đưa tổng số giàn khoan xuống 438 giàn, thấp nhất kể từ tháng 10/2016.
Trong khi đó nhà phân tích Han Tan thuộc FXTM cho biết khả năng giá dầu mạnh lên trong tháng tới khi các động thái dỡ bỏ việc phong tỏa được thực hiện.
Giá LNG Châu Á giảm
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay ở Châu Á giảm trong tuần này do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu, thúc đẩy người mua lùi việc giao hàng.
Giá LNG trung bình giao tháng 6 vào Đông Bắc Á ước tính quanh 2,3 USD/mmBtu, thấp hơn 0,2 USD/mmBtu trong tuần trước. Giá khí đốt hiện nay gần bằng một nửa của một năm trước, theo số liệu của Reuters.
Dự trữ LNG và khí đốt đều ở mức cao trên khắp thế giới. Một số khách hàng đang cố gắng trì hoãn việc giao hàng.
Vàng giảm 2%
Giá vàng giảm 2% do các nhà đầu tư lựa chọn các tài sản rủi ro hơn sau tin tức về kế hoạch khởi động lại nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Donald Trump và số liệu ban đầu liên quan tới tiềm năng điều trị Covid-19.
Vàng giao ngay giảm 1,9% xuống 1.685,84 USD/ounce, thấp hơn hơn 60 USD so với mức đỉnh 7,5 năm đã đạt trong tuần này do lo ngại khủng hoảng tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 1,9% xuống 1,698,8 USD/ounce, thu hẹp chênh lệch so với giá giao ngay tại London, báo hiệu hy vọng cải thiện hậu cần chuỗi cung ứng (mà đã hạn chế các chuyến vàng xuất sang Mỹ để đáp ứng nhu cầu hợp đồng).
Các thị trường chứng khoán toàn cầu có tuần thứ 2 tăng liên tiếp sau khi Trump công bố kế hoạch dần mở cửa lại của nền kinh tế Mỹ.
Cũng hỗ trợ tâm lý, một báo cáo chi tiết số liệu đáng khích lệ từ các thử nghiệm của công ty sản xuất dược phẩm Mỹ Gilead Sciences ở những bệnh nhân Covid-19 nặng.
Đồng có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019
Giá đồng tăng lên mức cao nhất trong một tháng do kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế của Mỹ và những dấu hiệu phục hồi trong sản lượng công nghiệp của Trung Quốc, ngay cả khi tăng trưởng tại quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này giảm trong quý 1.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa tăng 1,4% lên 5.212 USD/tấn. Kim loại này có tuần tăng khoảng 4%, tăng mạnh nhất một tuần kể từ tháng 2/2019.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 đã giảm ít hơn so với dự kiến, cho thấy việc trợ giúp thuế và tín dụng cho các công ty bị ảnh hưởng bởi virus đã hỗ trợ khôi phục một phần nền kinh tế bị đóng cửa kể từ tháng 2.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đưa ra những hướng dẫn mới cho các bang của Mỹ có thể thực hiện theo 3 giai đoạn để mở lại cửa nền kinh tế Mỹ từ việc phong tỏa chống đại dịch, đã cổ vũ thị trường.
Giá đồng cũng được hỗ trợ bởi công ty Rio Tinto, nhà khai thác đồng lớn thứ 2 thế giới, đang giảm ước tính sản lượng đồng hàng năm xuống 475.000 – 520.000 tấn từ 530.000 – 570.000 tấn trước đó.
Dự trữ đồng hàng tuần trong kho của sàn giao dịch Thượng Hải đạt 303.366 tấn, thấp nhất trong gần 2 tháng. Dự trữ của kho LME tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2019, tăng 4.600 tấn lên 265.425 tấn.
Các nhà phân tích ngày càng lo ngại về nhu cầu kim loại bên ngoài Trung Quốc, nơi chính phủ đã áp dụng lệnh phong tỏa để làm chậm sự lây lan của virus này.
Quặng sắt của Trung Quốc tăng do hy vọng nhu cầu
Giá quặng sắt Đại Liên tăng sau khi công ty khai thác Rio Tinto cho biết nhu cầu nguyên liệu thô để sản xuất thép này của Trung Quốc tiếp tục phục hồi, nhưng số liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư giảm lạc quan.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,3% lên 612 CNY (86,47 USD)/tấn, sau khi tăng khoảng 2,9% lên mức cao nhất 8 tháng trong phiên giao dịch này.
Công ty Rio Tinto, nhà khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới, đã báo cáo sản lượng mạnh hơn dự kiến trong quý 1 nhưng duy trì sản lượng hàng năm đã định.
Công ty Ango của Australia cho biết nhu cầu từ các nhà máy thép của Trung Quốc, đặc biệt đối với nguyên liệu loại cao cấp là mạnh bất chấp các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Quặng sắt Đại Liên có tuần tăng giá thứ hai liên tiếp bất chấp số liệu cho thấy sản lượng kinh tế của Trung Quốc trong quý 1 giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Phát ngôn viên của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã được cải thiện trong tháng 3 sau khi suy yếu trong 2 tháng đầu năm nay.
Giá quặng sắt giao ngay cũng tăng trong tuần này, loại hàm lượng 62% xuất sang Trung Quốc ở mức 86,5 USD/tấn trong ngày 16/4, cao nhất kể từ ngày 27/3 dựa trên số liệu từ công ty tư vấn SteelHome.
Thép thanh ổn định trên sàn giao dịch Thượng Hải, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,6% và thép không gỉ tăng 1,5%.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc giảm 1,7% trong tháng 3/2020 so với cùng tháng năm trước do các nhà máy cắt giảm san xuất bởi dự trữ cao và lợi nhuận thấp trong bối cảnh đại dịch.
Cao su tăng giá
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch dần mở cửa lại nền kinh tế, điều này đã lấn át số liệu kinh tế u ám của Trung Quốc trong quý 1.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 tại Tokyo đóng cửa tăng 2,7 JPY lên 153,9 JPY (1,43 USD)/kg. Tính chung cả tuần cao su tăng 0,6%, đánh dấu tuần thứ 2 tăng liên tiếp.
Cao su kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng 90 CNY lên 10.050 CNY (1.421 USD)/tấn.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,21 US cent hay 2,1% lên 10,37 US cent/lb.
Các công ty đường và ethanol của Brazil đang trong chế độ sống còn, cắt giảm hoạt động thu hoạch và khai thác các hạn mức tín dụng để vượt qua sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu do đại dịch Covid-19.
Các đại lý lưu ý nguồn cung đường trắng trong ngắn hạn vẫn hạn hẹp, đường trắng kỳ hạn tháng 8 cao hơn 109 USD/tấn so với đường thô kỳ hạn tháng 7, đưa ra một động lực mạnh mẽ cho việc tinh chế.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 2,2 USD hay 0,7% lên 340 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 2,15 US cent hay 1,8% xuống 1,1755 USD/lb.
Sự sụt giảm nhu cầu từ các kênh như văn phòng, khách sạn và nhà hàng là rất lớn.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 17 USD hay 1,4% xuống 1.188 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 18/4