Giá dầu giảm, với dầu WTI xuống dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên trong 1 tháng sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 6,5 triệu thùng, gần gấp 3 những gì giới phân tích dự báo.
Phiên trước đó, giá dầu tăng do lo lắng về các lệnh chừng phạt chống lại Iran và căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arabia sau khi nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại.
Chốt phiên hôm qua 16/10 dầu thô WTI giảm 2,17 USD hay 3% xuống 69,75 USD/thùng. Dầu thô Brent có lúc cũng giảm dưới 80 USD/thùng nhưng khi đóng cửa thì ở mức 80,5 USD/thùng, giảm 1,36 USD hay 1,7%. Hiện dầu Brent giao dịch thấp hơn gần 7 USD so với mức 86,74 USD/thùng cao nhất 4 năm đã ghi nhận trong ngày 3/10/2018.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 6,5 triệu thùng trong tuần trước, tăng 4 tuần liên tiếp, do xuất khẩu giảm xuống 1,8 triệu thùng/ngày. Dự trữ tăng mạnh ngay cả khi sản lượng dầu thô của nước này giảm 300.000 thùng/ngày xuống 10,9 triệu tùng/ngày trong truần trước (do ảnh hưởng của việc đóng của tạm thời các giàn khoan ngoài khơi bởi bão Michael).
Vụ bê bối về sự mất tích của nhà phê bình và nhà báo nổi tiếng Jamal Khashoggi đã củng cố thị trường dầu mỏ đầu tuần này. Các nhà lập pháp Mỹ có thể có biện pháp trừng phạt với Saudi Arabia. Một loạt áp lực của phương Tây yêu cầu Riyadh đưa ra câu trả lời, nhưng những ý kiến của Tổng thống Donald Trump cho thấy Nhà Trắng không có thể có hành động bổ sung chống lại Saudi Arabia, đặc biệt sau khi nước này tuyên bố sẽ điều tra.
Các nhà đầu tư lo lắng Saudi Arabia có thể sử dụng nguồn cung dầu mỏ để trả thù các nước chỉ trích. Một động thái như vậy sẽ gây căng thẳng trên các thị trường, Saudi đã không sử dụng dầu như một vũ khí chính trị kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ đầu những năm 1970, và thị trường đang dự đoán nguồn cung giảm khi các lệnh cấm vận chống lại xuất khẩu dầu mỏ của Iran có hiệu lực vào ngày 4/11/2018.
Iran đã cáo buộc Saudi Arabia và Nga phá vỡ thỏa thuận cắt giảm sản lượng OPEC bằng cách sản xuất thêm dầu mà sẽ gây thiệt hại cho thị phần của họ.
Vàng giảm sau công bố biên bản cuộc họp của Fed
Giá vàng giảm do đồng USD mạnh lên sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 9 của Fed xác nhận dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.222,56 USD/ounce. Vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên giảm 3,6 USD hay 0,29% xuống 1.227,4 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chuyên gia chiến lược thị trường thuộc RJO Futures cho biết "thực tế dấu hiệu biên bản cuộc họp của Fed về các đợt tăng lãi suất là một tuyên bố diều hâu. Lãi suất tăng nghĩa là vàng giảm". Lãi suất của Mỹ tăng có xu hướng thúc đẩy đồng USD, gây áp lực cho giá vàng.
Theo biên bản cuộc họp tháng 9 vừa qua các nhà hoạch định chính sách của Fed đều ủng hộ việc tăng lãi suất trong tháng trước. Fed đã tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay và có khả năng sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 12 tới đây. Chỉ số USD tăng lên mức cao nhất một tuần.
Vàng vẫn giao dịch dưới mức cao nhất hai tháng rưỡi tại 1.233,26 USD/ounce ghi nhận trong ngày 15/10.
Vàng cũng đang thử ngưỡng kháng cự tại mức trung bình động 100 ngày khoảng 1.226 USD/ounce. Việc phá vỡ ngưỡng này một cách thuyết phục được xem như một dấu hiệu của xu hướng tăng giá đối với các nhà đầy tư.
Trong khi đó, một số ngân hàng trung ương đã dự trữ vàng ở mức kỷ lục trong những tháng gần đây với nỗ lực duy trì giá trị đồng tiền của mình chống lại sự tăng giá của đồng USD.
Đồng ổn định, nhôm giảm
Giá đồng ổn định do số liệu cho vay tốt hơn dự kiến của Trung Quốc cho thấy tăng trưởng kinh tế vững bù cho những dấu hiệu sức ép nguồn cung tại Trung Quốc đang giảm.
Trong khi đó nhôm giảm sau khi lượng kim loại này lưu kho LME tăng mạnh trong 2 ngày.
Kết thúc phiên giá đồng trên sàn giao dịch LME giảm 0,1% xuống 6.219 USD/tấn.
Tuy nhiên giá đồng bị kìm hãm trong phạm vi từ 6.100 USD tới 6.350 USD/tấn kể từ cuối tháng 9/2018. Lo sợ về xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ làm suy yếu nhu cầu khiến giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 14 tháng tại 5.773 USD/tấn hồi tháng 8/2018.
Giá đồng giao ngay trên sàn LME hiện giao dịch thấp hơn 3 USD/tấn so với hợp đồng giao sau 3 tháng, dấu hiệu nhu cầu đồng yếu trong ngắn hạn.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc tăng trong tháng 9/2018 có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Nhôm LME chốt phiên giảm 0,6% xuống 2.022 USD/tấn sau khi lượng lưu kho LME tăng từ 926.100 tấn lên 1.082.600 tấn trong hai ngày.
Các ngân hàng Trung Quốc đã mở rộng các khoản cho vay ròng nhân dân tệ mới trong tháng 9/2019 là 1,38 nghìn tỷ CNY (199,25 tỷ USD), nhiều hơn so với giới phân tích dự kiến và tăng so với tháng trước.
Trung Quốc đã tăng cường kích thích kinh tế trong những tháng gần đây để chống lại bất kỳ tác động tiêu cực nào từ cuộc xung đột thương mại với Mỹ. Trong động thái mới nhất, ngân hàng trung ương nước này dự kiến sẽ giảm dự trữ bắt buộc trong năm tới và cơ quan kế hoạch nhà nước đã phê duyệt một dự án đường sắt cao tốc trị giá 36,8 tỷ CNY (5,3 tỷ USD).
Cao su tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng trong phiên qua, theo xu hướng giá dầu mạnh bất chấp áp lực từ yếu tố cơ bản yếu.
Cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp ngay cả khi dự trữ cao su ở mức cao và nhu cầu yếu.
Kết thúc phiên hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 0,8 JPY (0,0071 USD) lên 169,9 JPY/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 105 CNY (15,17 USD) đóng cửa tại 12.270 CNY/tấn.
Đường trắng cao nhất trong 9 tháng
Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2018 tăng 12 USD hay 3,3% lên 378,50 USD/tấn.
Các đại lý cho biết tin tức sâu bệnh hoành hành có thể làm giảm sản lượng tại Ấn Độ đã góp phần vào triển vọng tăng giá do cung - cầu. Dự báo sản lượng giảm tại Brazil và châu Âu cũng hạn chế nguồn cung. Ngoài ra đồng real của Brazil mạnh hơn tiếp tục thúc đây giá đường và cà phê.
Đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,48 US cent hay 3,6% lên 13,73 US cent/lb, mức cao nhất 7 tháng.
Giá sữa toàn cầu giảm phiên đấu giá thứ 5 liên tiếp
Giá sữa toàn cầu giảm lần thứ 5 liên tiếp tại phiên đấu giá ngày 17/10 do nguồn cung mạnh từ New Zealand (nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới) và các khu vực khác trên thế giới.
Chỉ số giá sữa GDT giảm 0,3%, với giá bán trung bình 2.885 USD/tấn trong phiên đấu giá này. Giá sữa nguyên kem WMP, loại được giao dịch nhiều nhất giảm 0,9%.
Sản lượng phục hồi mạnh tại New Zealand cũng như tại châu Âu, Mỹ và Mỹ Latinh, chủ yếu do thời tiết thuận lợi, đang khiến giá giảm bất chấp nhu cầu mạnh, đặc biệt từ châu Á.
Tuần trước, tập đoàn Fonterra của New Zealand đã giảm giá sữa thanh toán cho nông dân do nguồn cung toàn cầu mạnh hơn.
Tổng cộng 41.945 tấn đã được bán tại phiên đấu giá, giảm 0,1% so với phiên trước đó. Các cuộc đấu giá được tổ chức 2 lần một tháng, phiên đấu giá tới vào ngày 6/11/2018.
Kết quả đấu giá có thể ảnh hưởng tới đồng đô la New Zealand do lĩnh vực sữa tạo ra hơn 7% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này.
Hợp tác xã sữa New Zealand, thuộc sở hữu của 10.500 nông dân, kiểm soát gần 1/3 giao dịch sữa thế giới.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 18/10