Giá dầu giảm 6%
Giá dầu giảm 6% xuống mức thấp nhất 4 tuần, do lo ngại việc tăng lãi suất bởi các Ngân hàng trung ương lớn có thể làm chậm nền kinh tế toàn cầu và khiến nhu cầu năng lượng suy giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 17/6, dầu thô Brent giảm 6,69 USD tương đương 5,6% xuống 113,12 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 8,03 USD tương đương 6,8% xuống 109,56 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 20/5/2022 và dầu WTI kể từ ngày 12/5/2022. Đồng thời, dầu Brent có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 5/2022 và dầu WTI kể từ cuối tháng 3/2022. Tính chung, cả tuần dầu Brent giảm lần đầu tiên trong 5 tuần, trong khi dầu WTI giảm lần đầu tiên trong 8 tuần.
Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm bởi đồng USD trong tuần này tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2002 so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, khiến dầu trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá khí tự nhiên thấp nhất 7 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 7% xuống mức thấp nhất 7 tuần, do dự báo nhu cầu trong tuần này và tuần tới giảm và dự kiến việc đóng cửa nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Freeport tại bang Texas kéo dài sẽ khiến tồn trữ khí tự nhiên tại Mỹ tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn New York giảm 52 US cent tương đương 7% xuống 6,944 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ ngày 28/4/2022. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 22% sau khi tăng 4% trong tuần trước đó. Đây là tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 12/2021.
Giá vàng giảm 1%
Giá vàng giảm 1% và có tuần giảm, do đồng USD tăng và việc tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1% xuống 1.837,59 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York giảm 0,5% xuống 1.840,6 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 1,7%.
Giá vàng giảm sau khi tăng mạnh phiên trước đó, do đồng USD tăng 1,1%, chiến lược gia thị trường cao cấp Bob Haberkorn thuộc RJO Futures cho biết.
Tuần này, Cục Dự trữ Liên bang đã công bố mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994, trong khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ tăng lãi suất chính sách lần đầu tiên trong 15 năm và Ngân hàng Anh cũng tiếp theo đó.
Giá đồng giảm, nhôm tăng
Giá đồng giảm, do lo ngại kéo dài về nhu cầu giảm bởi nền kinh tế tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – suy thoái và suy thoái toàn cầu tiềm ẩn.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1% xuống 8.982 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021 và giảm 1,7% trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm 5%.
Ngoài ra, giá đồng chịu áp lực giảm, bởi sản lượng đồng tinh chế của Trung Quốc trong tháng 5/2022 tăng 4,7% so với cùng tháng năm ngoái lên 0,91 triệu tấn.
Trong khi đó, giá nhôm trên sàn London tăng 0,04% lên 2.505,5 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28/7/2021 (2.487 USD/tấn) trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá nhôm giảm 6%.
Giá quặng sắt và thép giảm tiếp
Giá quặng sắt tại Đại Liên giảm phiên thứ 6 liên tiếp và có tuần giảm mạnh nhất trong 4 tháng, do các nhà máy thép Trung Quốc tìm cách giảm sản lượng, trong bối cảnh lợi nhuận giảm và triển vọng nhu cầu ảm đạm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên giảm 5,9% xuống 821,5 CNY (122,64 USD)/tấn, sau khi chạm 815,5 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 26/5/2022.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Singapore giảm 5,4% xuống 121,15 USD/tấn, giảm phiên thứ 7 liên tiếp.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm xuống 132 USD/tấn – thấp nhất 3 tuần, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 4,3%, thép cuộn cán nóng giảm 4,2%, cả hai đều có tuần giảm. Giá thép không gỉ giảm 1,3%.
Giá cao su tại Nhật Bản tiếp đà tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi kỳ vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – hồi phục, khi nước này tuyên bố thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát, song thị trường chứng khoán Tokyo và giá nguyên liệu suy yếu đã hạn chế đà tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Osaka tăng 0,9 JPY tương đương 0,4% lên 255 JPY (1,9 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 3,4%.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 80 CNY xuống 12.770 CNY (1.906,14 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 10/5/2022 (12.625 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn ICE giảm 4,4 US cent tương đương 1,9% xuống 2,274 USD/lb.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London giảm 25 USD tương đương 1,2% xuống 2.079 USD/tấn.
Giá đường tăng
Giá đường thô trên sàn ICE tăng, khi Ấn Độ có khả năng áp đặt mức trần đối với xuất khẩu đường trong niên vụ tới và sau khi công ty dầu Petrobras Brazil nâng giá xăng – một động thái có thể ảnh hưởng đến sản lượng đường.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 0,02 US cent tương đương 0,1% lên 18,6 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tuần (18,96 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 2,6 USD tương đương 0,5% lên 561,4 USD/tấn.
Giá lúa mì, đậu tương và ngô đều giảm
Giá lúa mì tại Chicago giảm, do vụ thu hoạch bội thu và đồng USD tăng đã hạn chế sản lượng xuất khẩu.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì giảm 44 US cent xuống 10,34-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì giảm 3,5%. Giá ngô giảm 3-3/4 US cent xuống 7,84-1/2 USD/bushel, sau khi đạt 8 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 18/5/2022 trong đầu phiên giao dịch. Giá đậu tương giảm 7-1/2 US cent xuống 17,02 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương giảm 2,5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 6/5/2022.
Giá dầu cọ tuần giảm gần 8%
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm tuần thứ 2 liên tiếp và có tuần giảm gần 8%, chịu áp lực bởi xuất khẩu của Indonesia tăng mạnh và kỳ vọng sản lượng được cải thiện.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,31% xuống 5.456 ringgit (1.240 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm mạnh 2,26% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 16/2/2022. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 7,8%, sau khi giảm 8,3% trong tuần trước đó.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 18/6