Dầu tăng nhưng tính chung cả tuần thì giảm
Giá dầu tăng trong phiên qua do những dấu hiệu nhu cầu đang mạnh tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thứ hai thế giới.
Kết thúc phiên 19/10, dầu Brent giao sau tăng 49 US cent lên 79,78 USD/thùng, dầu WTI tăng 47 US cent lên 69,12 USD/thùng. Trong tuần này dầu Brent đã giảm 0,9%, trong khi dầu WTI giảm 3,1%, cả hai hợp đồng này đều giảm khoảng 7 USD/thùng so với mức cao nhất 4 năm đã thiết lập hồi đầu tháng 10/2018.
Chênh lệch giữa dầu WTI và Brent nới rộng nhất kể từ ngày 8/6/2018, đạt 11 USD/thùng.
Mức tiêu thụ của nhà máy lọc dầu Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới tăng lên kỷ lục 12,49 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2018. Số liệu này cho thấy hy vọng vào nhu cầu dầu của Trung Quốc, mặc dù tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong quý 3/2018, xuống mức thấp nhất kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Áp lực giá trong tuần này là số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô trong tuần trước tăng 6,5 triệu thùng, tăng tuần thứ 4 liên tiếp và gấp 3 lần dự đoán của giới phân tích.
Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ số sớn của sản lượng tương lai, tăng 4 giàn lên 873 giàn trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 3/2015, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Vàng tăng do USD giảm
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua và có tuần tăng thứ ba liên tiếp, được hỗ trợ bởi đà tăng theo kỹ thuật mạnh mẽ và đồng USD suy yếu.
Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.225,75 USD/ounce. Kim loại này đã tăng 0,7% trong tuần và đạt mức cao nhất 2,5 tháng trong ngày 15/10. Vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên giảm 1,4 USD hay 0,11% xuống 1.228,7 USD/ounce.
Chứng khoán bị bán tháo gần đây đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn trong vàng, đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong hai tháng rưỡi hồi đầu tuần. Tuy nhiên các thị trường chứng khoán đã phục hồi trong phiên cuối tuần đang hạn chế sự tăng giá vàng. Cũng hỗ trợ giá vàng là đồng USD giảm nhẹ, chỉ số đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt giảm 0,2%, thoái lui từ mức cao nhất 1 tuần trong đầu phiên này.
Tâm lý nhà đầu tư cải thiện, lượng vàng nắm giữu của SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới đã tăng 2,5% trong hai tuần qua.
Đồng, nickel tăng
Đồng tăng và nickel phục hồi từ mức thấp nhất trong 1 tháng sau khi các nhà điều hành tại Trung Quốc cam kết hỗ trợ các công ty có vấn đề về thanh khoản bởi tăng trưởng hàng tháng của nước này đang chậm lại.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần hai kim loại này đều giảm, áp lực bởi đồng USD mạnh và tác động tiêu cực của xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chốt phiên cuối tuần giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1% lên 6.220 USD/tấn, nhưng cả tuần giá giảm 1%. Nickel LME đóng cửa tăng 0,8% lên 12.445 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 18/9 trong ngày 18/10.
Giới phân tích cho biết yêu cầu cắt giảm sản lượng trong mùa đông của Đường Sơn thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc dường như ít khắc nghiệt hơn so với năm ngoái, triển vọng sản lượng vẫn cao ngay cả khi thành phố tìm cách chống ô nhiêm bằng cách giảm khói.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 3/2018 chậm lại xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu do chiến dịch kéo dài nhiều năm để giải quyết rủi ro nợ và cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu ảnh hưởng.
Dự trữ nickel trên sàn LME giảm 43% kể từ thời điểm này năm ngoái xuống khoảng 220.00 tấn. Dự trữ đồng trong kho của sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 12% lên 140.789 tấn.
Thép Trung Quốc giảm do sản lượng kỷ lục, GDP tăng thấp
Giá thép Trung Quốc giảm trong phiên qua sau khi số liệu cho thấy sản lượng hàng ngày tại nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới tăng lên kỷ lục trong tháng 9/2018 và kinh tế của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Sản lượng thép tăng do các nhà máy tận dụng giá cao và trước khi Trung Quốc hạn chế sản lượng trong mùa đông nhằm chống ô nhiễm môi trường.
Thép cây kỳ hạn tháng 1/2018 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 2,4% xuống 4.055 CNY (585 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 1,4% xuống 3.860 CNY/tấn.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 80,85 triệu tấn trong tháng 9/2018, tăng từ 80,33 triệu tấn trong tháng 8/2018 và từ 71,83 triệu tấn trong tháng 9/2017. Điều này nghĩa là sản lượng trung bình hàng ngày trong tháng 9/2018 ở mức 2,7 triệu tấn, cao kỷ lục theo tính toán của Reuters.
Lợi nhuận trung bình tại các nhà mày thép hiện nay trên 1.00 CNY/tấn. Tác động của việc hạn chế sản lượng từ chính phủ trong mùa đông sẽ là yếu tố chính với sản lượng trong quý 4/2018, mặc dù có thể thoải mái hơn năm ngoái. Trung Quốc cho phép các chính quyền địa phương tự thiết lập mức hạn chế trong mùa đông năm nay.
Cũng gây sức ép lên giá là nền kinh tế của Trung Quốc tăng 6,5% trong quý 3/2018 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự kiến, đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ.
Cao su TOCOM tăng, Thượng Hải giảm
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng được hỗ trợ bởi giá dầu mạnh, mặc dù thị trường cao su tại Thượng Hải giảm.
Cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) vẫn bị áp lực từ dự trữ cao và nhu cầu yếu. Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 3/2019 đóng cửa tăng 1 JPY (0,0089 USD) lên 166,8 JPY/kg. Trong tuần này, cao su tại Tokyo giảm 1,9 JPY. Hợp đồng cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 4/2019 tăng 0,5 JPY đóng cửa tại 149,7 JPY/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 1/2019 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kết thúc phiên giảm 75 CNY (10,82 USD) xuống 12.015 CNY/tấn.
Đường tăng giá
Kết thúc phiên cuối tuần giá đường kỳ hạn tháng 3/2018 tăng 0,02 US cent hay 0,14% lên 13,89 US cent/lb, tăng hơn 6% trong tuần qua.
Thị trường được hỗ trợ trong những tuần gần đây bởi việc đóng các hợp đồng bán kết hợp với đồng real mạnh tại Brazil, nước sản xuất đường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên các đại lý cho biết nhà sản xuất lựa chọn bảo hiểm kết hợp với việc mua vào đầu cơ chậm lại do thị trường đã mua quá nhiều về mặt kỹ thuật.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2018 đóng cửa tăng 40 US cent hay 0,1% lên 379 USD/tấn. Tính chung cả tuần giá tăng hơn 4%.
Trung Quốc tiêu hủy 200.000 con lợn do dịch cúm lợn châu Phi
Một quan chức thú ý Trung Quốc cho biết Trung Quốc, nước sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới đã tiêu hủy 200.000 con lợn cho đến nay sau đợt bùng phát dịch cúm lợn châu Phi lây nhiễm cao.
Trong khi số lượng đó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 700 triệu con lợn giết mổ ở Trung Quốc mỗi năm, nhưng việc hạn chế vận chuyển động vật để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh đã tạo ra nguồn cung khan hiếm tại một số nơi ở nước này.
Trung Quốc đã có 41 vụ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng tới 27 thành phố trên toàn quốc. Việc phát hiện và phòng ngừa bệnh là rất khó khăn, bệnh chỉ gây chết lợn không gây hại cho người. Trung Quốc đã phải tiêu hủy các trang trại bị nhiễm bệnh cũng như các trang trại trong vòng bán kính 3 km.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 20/10