Dầu tăng hơn 2% do số nhiễm virus corona chậm lại
Giá dầu tăng khá mạnh trong phiên vừa qua khi nỗi lo về sự sụt giảm nhu cầu dầu dịu lại bởi số ca nhiễm virus mới ở Trung Quốc ngày hôm qua thấp hơn so với những ngày trước, trong khi đó nguồn cung thắt chặt hơn vì Mỹ giảm thêm nguồn cung dầu thô Venezuela ra khỏi thị trường thế giới. Một số dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu dầu đang tăng lên.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 1,37 USD (hay 2,4%) lên 59,12 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) tăng 1,24 USD (hay 2,4%) lên 53,29 USD/thùng.
Số liệu chính thức cho thấy số ca mới nhiễm virus ở Trung Quốc giảm ngày thứ 2 liên tiếp, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vẫn chưa đủ chứng cứ để biết dịch bệnh lần này đã được kiểm soát hay chưa.
Chứng khoán phố Wall lập kỷ lục cao mới do lạc quan về việc Trung Quốc sẽ kích thích kinh tế hơn nữa để giảm thiểu tác động từ dịch bệnh. Dự báo Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ cho vay tham chiếu vào ngày hôm nay 20/2.
Vàng trên 1.600 USD/ounce
Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch vừa qua, duy trì ở mức trên 1.600 USD/ounce, do lo ngại về dịch bệnh do virus corona chủng mới và ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến với tài sản an toàn là vàng. Trong khi đó, palađi cũng tiếp tục tăng và lập mức cao mới do thiếu cung.
Kết thúc phiên giao dịch,vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.607,61 USD/ounce; trong phiên có lúc giá đạt 1.610,8 USD, cao nhất kể từ 8/1. Vàng kỳ hạn tháng 4/2020 tăng 0,5% lên 1.611,8 USD/ounce.
Lo ngại về dịch bệnh gia tăng khi các nhà máy ở Trung Quốc trở lại hoạt động và những hành khách trên 2 con tàu du lịch rời tàu. Nỗi lo lắng tăng lên khi Apple thông báo doanh số bán của họ có thể sụt giảm do các nhà máy ở Trung Quốc thiếu nhân công. Không ai có thể đoán được khi nào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở lại bình thường, và nhà đầu tư có thể tiếp tục gặp nhiều rủi ro trong thời gian ngắn sắp tới.
Palađi cao kỷ lục lịch sử
Giá palađi trong phiên vừa qua tăng tiếp 1,5% lên 2.675,64 USD/ounce vào cuối phiên, trong phiên có lúc lập kỷ lục cao 2.841,54 USD/ounce. Kim loại này đã tăng giá 54% trong năm 2019 do thiếu hụt nguồn cung và dự báo tình trạng thiếu hụt sẽ tiếp diễn trong năm 2020.
Các chuyên gia nhận định, một khi tác động của virus corona đối với các chuỗi cung ứng và hậu cần không còn nữa thì nhu cầu palađi từ Trung Quốc sẽ hồi phục rất nhanh.
Quặng sắt tăng phiên thứ 7
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tiếp tục tăng 7 phiên liên tiếp do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt phiên vừa qua tăng 1,1% lên 645,5 CNY (92,22 USD)/tấn vào cuối phiên, trong phiên có lúc đạt 646,5 CNY, mức cao nhất 1 tháng. Quặng sắt trên sàn Singapore tăng 0,2% lên 87,18 USD/tấn.
Trung Quốc nâng hạn ngạch sản xuất đất hiếm trong 6 tháng đầu năm 2020
Trung Quốc đã nâng hạn ngạch sản xuất đất hiếm thêm 10% trong nửa đầu năm nay, bất chấp dịch do virus corona làm gián đoạn các hoạt động kinh tế.
Là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, Trung Quốc thường cấp hạn ngạch sản xuất 2 lần mỗi năm và giám sát chặt chẽ chỉ số nguồn cung.
Hạn ngạch sản xuất 6 tháng đầu năm nay sẽ là 66.000 tấn, tương đương 50% hạn ngạch 132.000 tấn của năm 2019, nhưng tăng so với 60.000 tấn của 6 tháng đầu năm ngoái.
Nhu cầu phân phosphate dự báo hồi phục trong năm 2020
Hãng Mosaic dự báo nhu cầu phân hóa học sẽ hồi phục trong năm nay sau khi việc gieo trồng nhiều loại cây trong thời gian qua bị ảnh hưởng bị trì hoãn vì cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng tới giá và khối lượng giao dịch potash và phosphate trong năm 2019.
Theo hãng này, những xu hướng gần đây cho thấy tình hình đang cải thiện khi lượng tồn trữ phân hóa học trên toàn cầu giảm dần và cán cân cung – cầu đang thắt chặt lại.
Nguồn cung phosphate giảm một phần cũng bởi sự lây lan virus corona ở Trung Quốc buộc phần lớn các cơ sở sản xuất ở tỉnh Hồ Bắc phải đón cửa hoạt động trong nhiều ngày.
"Dự báo Trung Quốc sẽ là nhân tố chính tác động lên các yếu tố cơ bản của thị trường phosphate toàn cầu năm 2020", báo cáo của Mosaic viết.
Đường tăng
Giá đường tăng trong phiên vừa qua với khoảng cách giá giữa kỳ hạn gần với kỳ hạn tham chiếu nới rộng cho thấy nguồn cung gần hạn sẽ thiếu hụt nhiều.
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,3 US cent hay 1,9% lên 15,58 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 5,2 USD (hay 1,25%) lên 422 USD/tấn.
Sản lượng đường của Thái Lan sụt giảm do khô hạn gây thiếu cung trước khi đến vụ thu hoạch của Brazil – thường bắt đầu vào khoảng đầu tháng 4.
Nhà quản lý của Paragon Global Markets ở New York, ông Michael McDougall, nhận định: "Việc sản lượng của Thái Lan giảm làm cho tình trạng khan hiếm đường thêm trầm trọng, có thể lên đến khoảng 6,6 đến 11,1 triệu tấn".
Công ty dầu Petrobras của Brazil hôm qua thong báo tăng 3% giá xăng ở các nhà máy tinh luyện do giá dầu thế giới đang hồi phục. Động thái này có thể dẫn tới việc các nhà máy ép mía gia tăng tỷ lệ mía trong sản xuất ethanol.
Cao su giảm lần đầu trong 7 phiên
Giá cao su trên sàn Tokyo giảm trong phiên vừa qua, là phiên giảm đầu tiên trong vòng 7 phiên, theo xu hướng giá ở Thượng Hải.
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn TOCOM giảm 1,2 JPY (0,8%) xuống 153,9 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, quặng kỳ hạn tháng 5 giảm 0,5% xuống 11.585 CNY/tấn.
Sữa giảm phiên thứ 2 liên tiếp
Giá sữa và khối lượng sữa giao dịch trong phiên đấu giá quốc tế gần đây nhất (ngày 18/2) đều giảm phiên thứ 2 liên tiếp (mỗi phiên cách nhau 2 tuần), trong đó tất cả các sản phẩm sữa đều giảm.
Chỉ số giá sữa thế giới đã giảm 2,9% trong phiên này, xuống trung bình 3.176 USD/tấn, sau khi đã giảm 4,7% ở phiên trước. Giá sữa bột nguyên kem giảm 2,6% xuống mức thấp nhất 12 tháng, sữa bột gạn kem giảm 2,6%, váng sữa giảm 5,5% và bơ giảm 3,9%. Riêng giá bơ tương đối ổn định ở mức 4000 USD/tấn kể từ giữa năm 2019 đến nay.
Tổng khối lượng giao dịch cũng giảm 2,8% so với phiên trước.
Các nhà phân tích cho rằng giá sữa có thể sẽ giảm hơn nữa do ảnh hưởng bởi việc xuất khẩu bị giảm sút vì virus corona ở Trung Quốc.
Trung Quốc có thể thiếu cung gia cầm và trứng gia cầm trong quý 2 và 3 năm nay do ảnh hưởng bởi virus
Một quan chức Bộ nông nghiệp Trung Quốc, ông Yang Zhenhai, cảnh báo nguồn cung các sản phẩm gia cầm và trứng gia cầm tại nước này có thể bị thiếu hụt trong quý 2 và 3/2020 do Covid-19.
Trung Quốc là nhà sản xuất gia cầm lớn thứ hai thế giới và đã tăng sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt nghiêm trọng mặt hàng thịt lợn khi dịch tả lợn Châu Phi tàn phá đàn lợn của họ.
Giá gia cầm đã giảm mạnh trong những tuần gần đây và chính sách hạn chế di chuyển gia súc cũng như kỳ nghỉ sau Tết kéo dài quá lâu ở nhiều khu vực khiến các nhà hàng và căng tin phải đóng cửa dài ngày đã làm tê liệt chuỗi cung ứng sản phẩm gia cầm, khiến người chăn nuôi gà bị mắc kẹt trong tình trạng lượng tồn kho quá lớn (cả gia cầm và trứng gia cầm)
các kỳ nghỉ kéo dài ở nhiều khu vực đã làm tê liệt chuỗi cung ứng, khiến nông dân bị mắc kẹt với hàng tồn kho lớn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 20/2