Dầu cao nhất hơn 1 tuần do Lybia tuyên bố bất khả kháng
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn một tuần sau khi hai cơ sở sản xuất dầu lớn của Lybia bắt đầu ngừng hoạt động vì lý do chiến sự, gây nguy cơ làm co hẹp dòng chảy dầu từ quốc gia thành viên của OPEC này.
Kết thúc phiên vừa qua, dầu Brent tăng 35 US cent, tương đương 0,5%, lên 65,2 USD/thùng, đầu phiên có lúc giá chạm 66 USD/thùng – cao nhất kể từ 9/1/2020. Dầu Tây Texas (Mỹ) cũng tăng 12 US cent vào cuối phiên (0,2%) lên 58,66 USD/thùng, trước đó cùng ngày có thời điểm giá chạm 59,73 USD, cao nhất kể từ 10/1/2020.
Hai mỏ dầu lớn ở miền nam Lybia là Sharara và El Feel bắt đầu đóng cửa từ ngày 19/1/2020 sau khi lực lượng miền Đông của Tướng Khalifa Haftar đóng cửa một đường ống dẫn dầu từ các mỏ này và phong tỏa phần lớn các cảng chở dầu ở miền Đông Lybia Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Lybia (NOC) tuyên bố bất khả kháng trong việc vận chuyển dầu từ hai mỏ nói trên.
Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh vào đầu phiên, giá dầu đã hạ nhiệt vào cuối phiên vì một số nhà phân tích cho rằng sự gián đoạn nguồn cung ở Lybia sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và có thể được bù đắp bởi các nước sản xuất khác trong nhóm OPEC.
Tại Hội nghị Hòa Bình ở Berlin ngày 19/1/2020, lãnh đạo nhóm các cường quốc đã thống nhất một lệnh cấm vận vũ khí và một kế hoạch dự thảo hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hàng năm ở Libya.
Nếu xuất khẩu dầu của Lybia bị tạm dừng trong bất cứ khoảng thời gian nào, các bể chứa sẽ đầy chỉ trong vài ngày, và sản lượng của nước này sẽ chậm lại chỉ còn khoảng 72.000 thùng/ngày, từ mức 1,2 triệu thùng/ngày trong thời gian gần đây.
Vàng tăng do giới đầu tư tìm nơi ‘trú ẩn an toàn’
Giá vàng cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần trong phiên vừa qua do nhu cầu mua mạnh khi Trung Đông gia tăng căng thẳng và Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Thượng viện nước này triệu hồi tới phiên luận tội ông sẽ diễn ra vào ngày 21/1/2020.
Giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.559,99 USD/ounce vào cuối phiên, đầu phiên có lúc giá đạt 1.562,51 USD, cao nhất kể từ 10/1; vàng kỳ hạn tháng 2/2020 ít thay đổi, ở mức 1.560,2 USD/ounce.
"Các nhà đầu tư đang đổ xô đi mua vàng mặc dù chứng khoán cũng đang tăng vọt. Lý do chủ yếu bởi những bất ổn dài hạn liên quan đến chính trị và từ đó sẽ tác động liên đới đến cả hàng hóa và chứng khoán. Dự báo lãi suất sẽ giảm nữa cũng góp phần thúc đẩy giá vàng", chuyên gia Aaronen Weinberg của Commerzbank cho biết.
Palađi lập ‘đỉnh’ mới
Giá palađi tiếp tục tăng thêm khoảng 0,1% vào cuối phiên vừa qua lên 2.482,24 USD/ounce, đầu phiên có lúc giá đạt 2.582,19 USD/ounce. Nguyên nhân do tình trạng khan hiếm nguồn cung kéo dài. Tuy nhiên, theo ngân hàng Commerzbank, ‘bức tranh’ thị trường palađi trong vài tháng tới không mấy rõ ràng, một số nhà đầu tư có thể sẽ từ bỏ mặt hàng này khi giá quá cao.
Quặng sắt tăng trước kỳ nghỉ dài ngày
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng do lo ngại về nguồn cung trong khi triển vọng nhu cầu sẽ được cải thiện, mặc dù lượng giao dịch không nhiều trước kỳ nghỉ Tết dài ngày. Trên sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,5% lên 670 CNY (97,82 USD)/tấn.
Hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, Vale (Brazil) đã tạm dừng hoạt động ở cơ sở Esperança vì lý do an toàn. Hãng Rio Tino (Anh – Australia) thông báo khai thác trong quý 4/2019 cũng giảm do cháy rừng và thời tiết xấu.
Lo ngại về nguồn cung cũng đẩy giá quặng nhập khẩu tăng lên. Loại quặng 62% ngày 17/1 có giá 96,7 USD/tấn, cao nhất kể từ 17/9/2020. Lượng quặng nhập khẩu lưu ở các cảng Trung Quốc trong 3 tuần qua rất thấp, đến ngày 17/1 chỉ có 127,35 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 9/2019.
Thép tăng
Giá thép tại Trung Quốc tăng phiên thứ 4 liên tiếp do triển vọng nhu cầu sẽ được cải thiện bởi các số liệu kinh tế vĩ mô của Trung Quốc tốt hơn dự kiến và Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1.
Trên sàn Thượng Hải, thép cây tăng thêm 0,5% so với mức 3.592 CNY/tấn của phiên liền trước; thép cuộn cán nóng lập kỷ lục cao 3.655 CNY/tấn vào đầu phiên, và kết thúc phiên vẫn cao hơn 0,4% so với mức 3.628 CNY/tấn vào lúc đóng cửa của phiên liền trước.
"Giá quặng sắt đã hồi phục từ cuối năm ngoái và có thể sẽ tăng tiếp sau Tết", Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành của Tokyo Steel Manufacturing Co Ltd, ông Kiyoshi Imamura, cho biết.
Đường cao nhất 2 năm
Giá đường trắng vừa lập kỷ lục cao nhất trong vòng 2 năm do các quỹ hàng hóa mua mạnh do có dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẽ còn khan hiếm hơn nữa. Hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 3/2020 đã tăng 2,7 USD, tương đương 0,7%, cuối phiên vừa qua, lên 401,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 11/2017 (khi đạt 404 USD/tấn). Đường thô trong phiên liền trước (17/1) đã lập kỷ lục cao nhất 2 năm là 14,58 US cent/lb. Phiên 20/1 thị trường giao dịch đường thô (sàn New York) đóng cửa.
Thiếu cung đường trên toàn cầu năm 2019/20 dự báo sẽ tăng lên do sản lượng sụt giảm ở những khu vực cung cấp quan trọng như Ấn Độ và Thái Lan. Sucden Financial dự báo giá đường thô sẽ cồn tiếp tục tăng lên 15 US cent trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, giá cao có thể thúc đẩy Ấn Độ xuất khẩu lượng đường đang tích trữ trong kho ra thế giới, và Brazil cũng có thể nỗ lực tăng sản xuất đường.
Cao su thấp nhất 1 tuần
Giá cao su trên sàn Tokyo vừa giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần do các nhà đầu tư bán kiếm lời sau khi giá lập kỷ lục cao nhất 1,5 tháng hồi tuần trước và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần.
Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn TOCOM giảm 4,8 JPY, tương đương 2,3%, xuống 201,4 JPY (1,83 USD)/kg. Đầu phiên có lúc giá thấp nhất kể từ 10/1. Tại Thượng Hải, giá cũng đi xuống,với hợp đồng giao tháng 5/2020 giảm 280 CNY còn 12.895 CNY (1.879 USD)/tấn.
Giới đầu tư tin tưởng rằng Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới – sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp trong năm nay, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn, nhờ được giảm thuế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng 21/1