Dầu giảm trở lại
Giá dầu giảm song có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giảm bớt, điều này đã thúc đẩy niềm tin kinh doanh và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch phiên cuối tuần ngày 20/12, dầu thô Brent giảm 40 US cent tương đương 0,6% xuống 66,14 USD/thùng, song có tuần tăng khoảng 1,4%. Dầu thô Tây Texas WTI giảm 40 US cent tương đương 1,21% xuống 60,44 USD/thùng, song có tuần tăng khoảng 0,6%.
Tiến bộ trong tranh chấp thương mại giữa 2 nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, dấy lên kỳ vọng nhu cầu năng lượng sẽ tăng cao trong năm tới. Trung Quốc hôm thứ năm (19/12/2019) đã công bố danh sách miễn thuế nhập khẩu đối với 6 sản phẩm dầu và hóa chất từ Mỹ, vài ngày sau khi Washington và Bắc Kinh cho biết một thỏa thuận thương mại tạm thời sẽ được ký vào tháng 1/2020.
Ngoài ra, sự tiến bộ của Hiệp định Mỹ - Mexico – Canada (USMCA) thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng thúc đẩy giá dầu trong tuần này. Hiệp định được Hạ Viện Mỹ thông qua hôm thứ năm (19/12/2019).
Khí tự nhiên tăng hơn 2%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 2% do sản lượng giảm và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế bởi dự báo thời tiết ấm hơn và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó, thêm vào đó là dấu hiệu sản lượng bắt đầu tăng trở lại.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn New York tăng 5,5 US cent tương đương 2,4% lên 2,328 USD/mmBTU. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng hơn 1% sau khi giảm gần 2% trong tuần trước đó. Tuy nhiên, tính đến nay giá khí tự nhiên giảm khoảng 20% kể từ mức cao nhất 8 tháng (2,905 USD/mmBTU) trong đầu tháng 11/2019, do thời tiết ôn hòa hơn bình thường và dự kiến dự trữ sẽ vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm trong vài tuần tới, giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung và tăng giá trong mùa đông.
Palađi giảm hơn 5%, vàng giảm
Giá palađi giảm hơn 100 USD/ounce tương đương hơn 5%, do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá đạt mức cao kỷ lục, trong khi giá vàng giảm do các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường trước kỳ nghỉ lễ.
Giá palađi giảm 5% xuống 1.839,47 USD/ounce, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8/2019. Giá palađi đạt mức cao đỉnh điểm (1.998,43 USD/ounce) trong đầu tuần này và tính từ đầu năm đến nay tăng khoảng 46%.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA thay đổi nhẹ ở mức 1.477,4 USD/ounce, song có tuần tăng. Vàng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn New York giảm 0,2% xuống 1.480,9 USD/ounce. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng hơn 15% do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và cuộc chiến thương mại kéo dài 17 tháng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, trong khi đồng USD có tuần tăng mạnh so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt. Đà tăng giá vàng bị hạn chế sau số liệu cho thấy rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3/2019 tăng, trong bối cảnh các dấu hiệu kinh tế duy trì tốc độ khiêm tốn khi kết thúc năm.
Đồng cao nhất 7 tháng
Giá đồng cao nhất 7 tháng và có tuần tăng thứ 5 liên tiếp sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, làm giảm bớt lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu, song giảm so với mức cao đỉnh điểm trong phiên do đồng USD tăng.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,6% xuống 6.175 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 6.235,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 7/5/2019. Tính chung cả tuần, giá đồng tăng gần 1% và tính từ đầu tháng đến nay tăng hơn 5%.
Nhà phân tích Daniel Briesemann thuộc Commerzbank lạc quan sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" đã hỗ trợ giá kim loại cơ bản. Tuy nhiên, thỏa thuận "giai đoạn 2" khó đạt được hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu hơn nữa trong năm tới, kéo giá đồng xuống khoảng 5.500 USD/tấn vào giữa năm 2020.
Dự trữ đồng tại London giảm xuống 110.350 tấn, thấp nhất kể từ tháng 3/2019. Thị trường đồng tinh chế toàn cầu thiếu hụt 81.000 tấn trong tháng 9/2019 và 393.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết. ICSG dự báo thị trường đồng sẽ chuyển sang dư thừa trong năm tới.
Thép cây tăng, quặng sắt giảm
Giá thép cây tại Trung Quốc tăng, song có tuần giảm sau khi tăng mạnh vào tuần trước đó, trong bối cảnh không chắc chắn về nhu cầu.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 0,3% lên 3.507 CNY/tấn. Tính chung cả tuần, giá thép cây giảm 0,5% sau khi tăng 2,5% trong tuần trước đó. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,2% lên 14.340 CNY/tấn. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,7% xuống 3.526 CNY/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên giảm 1,3% xuống 633 CNY/tấn, trong phiên có lúc giảm 0,9% xuống 635 CNY/tấn.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm, theo xu hướng giá trên sàn Thượng Hải giảm và do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá cao su gần đây tăng mạnh.
Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 0,7 JPY xuống 193,3 JPY (1,77 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá cao su giảm 3,8% - tuần giảm đầu tiên trong 11 tuần.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 55 CNY xuống 12.805 CNY (1.828 USD)/tấn. Giá cao su TSR20 giảm 30 CNY xuống 10.705 CNY/tấn.
Đường giảm, cà phê tăng
Giá đường giảm do đồng real Brazil suy yếu và các nhà sản xuất đẩy mạnh bán ra gây áp lực giá.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,08 US cent tương đương 0,6% xuống 13,47 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất hơn 1 năm (13,67 US cent/lb) trong tuần trước đó. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 1,5 USD tương đương 0,4% xuống 357 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE tăng 1,4 US cent tương đương 1,1% lên 1,286 USD/lb. Tính từ giữa tháng 10/2019 đến nay, giá cà phê tăng khoảng 35% được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, tồn kho cà phê Arabica giảm và dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu niên vụ 2019/20 sẽ thiếu hụt. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London tăng 2 USD tương đương 0,2% lên 1.369 USD/tấn.
Đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương và ngô tại Mỹ đều tăng do các thương nhân điều chỉnh danh mục đầu tư trước kỳ nghỉ Tết năm mới.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 3-3/4 US cent lên 9,28-1/4 USD/bushel, gần mức cao nhất 5 tuần (9,31 USD/bushel) trong ngày thứ ba (17/12/2019) và có tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 1-1/4 US cent lên 3,87-3/4 USD/bushel, gần mức cao nhất 6 tuần (3,9-1/2 USD/bushel) trong ngày thứ ba (17/12/2019). Trong khi đó, giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 3 US cent xuống 5,42-1/4 USD/bushel.
Dầu cọ tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 2 liên tiếp, được thúc đẩy bởi dự kiến sản lượng trong đầu năm 2020 sẽ giảm và theo xu hướng giá dầu thực vật trên sàn Đại Liên và Chicago tăng mạnh.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,4% lên 2.913 ringgit/tấn. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, giá dầu cọ tăng hơn 35% và đạt mức cao nhất 34 tháng trong ngày 11/12/2019, sau 2 năm giảm liên tiếp.
Lượng mưa tại các nước sản xuất hàng đầu Indonesia và Malaysia trong đầu năm 2019 thấp, sẽ khiến sản lượng dầu nhiệt đới trong nửa đầu năm 2020 giảm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/12