Dầu giảm tuần thứ 4 liên tiếp
Giá dầu thô Mỹ giảm 10,7% và có tuần giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, do đại dịch virus corona khiến nhu cầu dầu toàn cầu suy giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 20/3, dầu thô Brent giảm 1,49 USD tương đương 5,2% xuống 26,98 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 2,69 USD tương đương 10,7% xuống 22,53 USD/thùng và kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 3,28 USD tương đương 12,7% xuống 22,63 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 29% - tuần giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và dầu Brent giảm 20%. Cả hai loại dầu giảm 4 tuần liên tiếp.
Trong 2 tuần qua, giá dầu thô Mỹ đã giảm 1/2 giá trị và dầu Brent giảm 40% do đại dịch đã cắt giảm nhu cầu, cùng với việc cắt giảm sản lượng phối hợp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh bao gồm Nga bất thành.
Khí tự nhiên giảm 3%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 3% theo xu hướng giá dầu thô Mỹ giảm và chạm mức thấp nhất 24 năm trong đầu tuần này, do virus corona lây lan mạnh cắt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn New York giảm 5 US cent tương đương 3% xuống 1,604 USD/mmBTU, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/1995 trong ngày 18/3/2020. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm hơn 14%, tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2019.
Vàng tăng trở lại
Giá vàng tăng mạnh 3,1% sau một làn sóng kích thích tài chính và tiền tệ bởi các ngân hàng trung ương toàn cầu chống lại tác động kinh tế của virus corona lây lan, đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.480,53 USD/ounce, song có tuần giảm hơn 3% và vàng kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn New York tăng 0,4% lên 1.484,6 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính đến nay giá vàng đã giảm hơn 200 USD kể từ mức cao hơn 1.700 USD/ounce trong tuần trước đó.
Đồng tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2011, thiếc thấp nhất 10,5 năm
Giá đồng tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011 do lo ngại tác động của virus corona đối với nền kinh tế toàn cầu và giảm triển vọng nhu cầu kim loại.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,5% xuống 4.810 USD/tấn sau khi tăng trong phiên trước đó do các ngân hàng trung ương thúc đẩy các biện pháp kích thích kinh tế. Tính chung cả tuần, giá đồng giảm 11% và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016 trong ngày 19/3/2020 (4.371 USD/tấn).
Trong khi đó, giá thiếc tăng 0,4% lên 13.950 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 12.715 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 7/2009.
Quặng sắt tăng, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng do lạc quan Bắc Kinh sẽ tăng cường chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn Đại Liên tăng 0,5% lên 661,5 CNY (93,63 USD)/tấn, sau khi tăng 4,7% trong đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tăng 0,5%. Trong khi đó, trên sàn Singapore giá quặng sắt giảm 4,3%.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,6%, thép cuộn cán nóng giảm 0,1% song thép không gỉ tăng 1%. Tồn trữ các sản phẩm thép chủ yếu bao gồm thép cây và thép cuộn cán nóng bởi các thương nhân tại 35 thành phố của Trung Quốc giảm 628.700 tấn tương đương 2,4% xuống 25,4 triệu tấn giai đoạn từ 13-19/3/2020.
Đường và cà phê đều tăng
Giá cà phê tăng phiên thứ 3 liên tiếp do nhu cầu tăng mạnh, trong bối cảnh lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng tiềm năng bởi virus corona bùng phát.
Giá cà phê Arabica kỳ han tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 7 US cent tương đương hơn 6% lên 1,197 USD/lb - cao nhất kể từ ngày 3/3/2020, sau khi tăng 4% trong ngày 19/3/2020. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 28 USD tương đương 2,3% lên 1.244 USD/tấn.
Đồng thời, giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 0,32 US cent lên 10,91 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018 trong ngày 19/3/2020. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 6,5 USD lên 344,4 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2019 trong ngày 19/3/2020.
Đậu tương và lúa mì tiếp đà tăng, ngô giảm
Giá đậu tương và lúa mì tại Chicago tăng do nhu cầu Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ tăng.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 4-1/4 US cent lên 5,39-1/4 USD/bushel. Giá lúa mì tăng phiên thứ 4 liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ ngày 24/2/2020. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 6,7% - tuần tăng mạnh nhất 9 tháng do nhu cầu mì ống và bánh mì dự kiến sẽ tăng bởi đại dịch virus corona. Đồng thời giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 tăng 19-1/4 US cent lên 8,62-1/2 USD/bushel, trong khi giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1-3/4 US cent xuống 3,43-3/4 USD/bushel.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã ký hợp đồng mua ngô và lúa mì Mỹ trong đợt mua hàng lớn đầu tiên kể từ khi Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Dầu cọ tăng trở lại
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng theo xu hướng các loại dầu thực vật và dầu thô tăng, song có tuần giảm thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh xuất khẩu giảm mạnh do virus corona lây lan mạnh.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 28 ringgit tương đương 1,26% lên 2.244 ringgit (510 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ giảm 1,7% do các nước trên thế giới áp đặt các biện pháp đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn virus corona lây lan mạnh.
Malaysia – nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới – sẽ cho phép các đồn điền dầu cọ hoạt động sản xuất và các tàu thuyền ra vào nước này trong 2 tuần hạn chế di chuyển, nhằm ngăn chặn virus, đảm bảo nguồn cung dầu cọ ổn định trên thị trường toàn cầu.
Gạo Việt Nam cao nhất gần 16 tháng, Thái Lan cao nhất 6,5 năm, Ấn Độ không thay đổi
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên mức cao nhất 6,5 năm và giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất gần 16 tháng, do virus corona lây lan mạnh làm gia tăng mối lo ngại về nguồn cung suy giảm.
Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam tăng lên 410 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 11/2018, so với 400-405 USD/tấn tuần trước đó. Đồng thời, giá gạo Thái Lan tăng lên 480-505 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2013 và tăng so với 470-495 USD/tấn tuần trước đó, tăng tuần thứ 6 liên tiếp. Trong khi đó, gạo Ấn Độ duy trì ổn định ở mức 363-367 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó song gần mức thấp nhất trong hơn 2 tháng, do nhu cầu xuất khẩu cải thiện nhẹ, trong bối cảnh đồng rupee chạm mức thấp kỷ lục.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/3