Giá dầu rời khỏi mức cao nhất 1 tháng
Giá dầu giảm trở lại từ mức cao nhất 1 tháng, do lo ngại Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới – có thể áp đặt các hạn chế khi các trường hợp nhiễm virus corona tăng lên mức cao kỷ lục.
Chốt phiên giao dịch ngày 20/4, dầu thô Brent giảm 48 US cent tương đương 0,7% xuống 66,57 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 68,08 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 18/3/2021 và dầu thô Tây Texas WTI giảm 94 US cent tương đương 1,5% xuống 62,44 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng trong đầu phiên giao dịch, sau khi Libya tuyên bố bất khả kháng đối với hàng xuất khẩu từ cảng Hariga và có thể mở rộng sang các cơ sở khác.
Giá khí tự nhiên giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm từ mức cao nhất 6 tuần trong phiên trước đó, do dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn New York giảm 2,2 US cent tương đương 0,8% xuống 2,727 USD/mmBTU, đóng cửa phiên trước đó giá khí tự nhiên đạt mức cao nhất kể từ ngày 3/3/2021.
Giá khí tự nhiên giảm bất chấp sản lượng trong mấy ngày gần đây giảm và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng đạt gần mức cao kỷ lục.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,5% lên 1.777,43 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 0,4% lên 1.778,4 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, trong khi chỉ số đồng USD tăng 0,2% song vẫn chạm mức thấp nhất 7 tuần trong đầu phiên giao dịch.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao cho biết, giá vàng không thể phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.785 USD/ounce và có thể trở lại mức 1.744-1.758 USD/ounce.
Giá đồng rời khỏi mức cao nhất gần 10 năm
Giá đồng giảm trở lại từ mức cao nhất 10 năm, do các trường hợp nhiễm virus corona trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, song nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung thắt chặt được dự kiến sẽ thúc đẩy giá đồng tăng.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,8% xuống 9.298,5 USD/tấn, sau khi đạt 9.483 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 25/2.
Giá quặng sắt tăng hơn 3%, thép tăng
Giá quặng sắt tại châu Á tăng hơn 3%, được thúc đẩy bởi biên lợi nhuận thép tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – cải thiện và số liệu sản lượng đáng thất vọng từ các công ty khai thác lớn Rio Tinto và Vale.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 3,6% lên 1.100 CNY (169,28 USD)/tấn, tăng phiên thứ 4 liên tiếp.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Singapore tăng 3,8% lên 183 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,2%, thép cuộn cán nóng tăng 0,4% và thép không gỉ tăng 0,3%.
Giá thép tăng mạnh đã khuyến khích các nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục tăng sản lượng, thúc đẩy nhu cầu quặng sắt và đẩy giá quặng sắt giao ngay lên mức cao nhất kể từ năm 2011, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Sản lượng quặng sắt của Rio Tinto trong quý tính đến tháng 3/2021 giảm 2% so với cùng quý năm ngoái, trong khi sản lượng quặng sắt của Vale SA Brazil giảm 19,5% so với quý trước đó. Do đó, Vale sẽ cần tăng cường sản xuất đáng kể trong những quý tới để đáp ứng mục tiêu sản lượng năm 2021 là 315-335 triệu tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng hơn 2%
Giá cao su tại Nhật Bản tăng hơn 2%, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng, khi Trung Quốc – nước sử dụng hầu hết các hàng hóa bao gồm cao su lớn nhất thế giới – tăng mạnh.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka tăng 5 JPY tương đương 2,2% lên 234,9 JPY (2,1 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 2,7% lên 13.915 CNY/tấn.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE tăng 2,55 US cent tương đương 1,9% lên 1,3445 USD/lb, hướng theo mức cao nhất 1 tháng (1,3545 USD/lb) trong tuần trước đó.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 13 USD tương đương 0,9% lên 1.398 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường được hỗ trợ bởi dự kiến nguồn cung trong vài tháng tới thắt chặt, khi sản lượng tại Brazil niên vụ 2021/22 giảm.
Giá đường cao nhất 7 tuần
Giá đường thô tăng lên mức cao nhất 7 tuần, do triển vọng năng suất cây trồng tại EU và Brazil suy giảm và các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,48 US cent tương đương 2,9% lên 16,77 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 16,88 US cent/lb – cao nhất kể từ ngày 26/2/2021.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London tăng 8,1 USD tương đương 1,8% xuống 462,1 USD/tấn.
Giá ngô cao nhất gần 8 năm, đậu tương cao nhất gần 9 năm, lúa mì tăng
Giá ngô tại Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 8 năm và giá đậu tương tăng lên mức cao nhất gần 9 năm, do nguồn cung thắt chặt và các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 14-1/2 US cent lên 6,06-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 6,11-3/4 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2013. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 21-1/4 US cent lên 14,57-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 14,71-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2014. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 7-1/2 US cent lên 6,61-1/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ tăng 2%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 2%, được thúc đẩy bởi giá dầu thô và dầu đậu tương tăng mạnh, cùng với đó là xuất khẩu trong giai đoạn từ 1-20/4/2021 tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 94 ringgit tương đương 2,53% lên 3.804 ringgit (924,87 USD)/tấn, sau khi giảm 0,8% trong đầu phiên giao dịch.
Số liệu cho thấy xuất khẩu sản phẩm dầu cọ của Malaysia giai đoạn từ 1-20/4/2021 tăng 10% -12,7% so với tháng trước đó.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/4