Dầu giảm 1% do quan ngại về kinh tế toàn cầu
Giá dầu giảm trong phiên vừa qua sau khi một quan chức Mỹ có bình luận hàm ý lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, làm gia tăng quan ngại rằng kinh tế toàn cầu suy yếu sẽ khiến nhu cầu dầu giảm sút.
Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 46 US cent, tương đương 0,8%, xuống 58,96 USD/thùng; dầu Tây Texax Mỹ (WTI) giảm 47 US cent, tương đương 0,9% xuống 53,31 USD/thùng.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ ký thỏa thuận khi gặp Chủ tịch Trung Quốc tại hội nghị APEC vào tháng 11 tới, song Bộ trưởng Thương mại Mỹ lại nói rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu chưa cần được hoàn tất vào tháng tới.
Về nguồn cung, Nga – nước sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới – ngày 21/10 cho biết sản lượng dầu của họ trong tháng 9/2019 không tương đương mức cam kết (với OPEC về cắt giảm sản lượng) bởi đã tăng sản lượng khí tự nhiên ngưng tụ trước khi mùa Đông đến. "Nga dự định sẽ thực hiện đầy đủ cam kết cắt giảm trong tháng 10 này, song (chúng ta) có lý do để nghi ngờ điều đó", nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết.
Về nhu cầu, sản lượng lọc dầu của Châu Âu trong tháng 9/2019 giảm 4% so với tháng trước đó, và giảm 4,2% so với cùng tháng năm ngoái. Ở mức 10,451 triệu thùng/ngày, sản lượng của khu vực này giảm đối với tất cả các sản phẩm dầu lọc.
Vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch đêm qua do giới đầu tư hứng thú trở lại với những tài sản rủi ro cao, giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi để có thêm manh mối về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay có cắt giảm lãi suất thêm nữa hay không.
Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.485,03 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,4% xuống 1.488,1 USD/ounce.
"Thị trường chứng khoán tăng điểm khá mạnh, đồng USD hồi phục và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cũng đi lên", nhà chiến lược hàng hóa trưởng của TD Securities, ông Bart Melek cho biết.
Sở dĩ những tài sản rủi ro trở nên hút tiền bởi giới đầu tư kỳ vọng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sớm tìm ra giải pháp để kết thúc, và nước Anh cũng có được thỏa thuận để rời EU.
Tuy tăng giá song USD vẫn đang tiến tới tháng giảm nhiều nhất kể từ tháng 1/2018 so với các đồng tiền đối tác chủ chốt. Và vàng thỏi cũng đã tăng giá khoảng 16% kể từ đầu năm đến nay bởi hy vọng Fed sẽ giảm lãi suất hơn nữa. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ sẽ làm gì sắp tới.
Đồng cao nhất 1 tháng, nickel thấp nhất gần 2 tháng, nhôm cũng giảm
Giá đồng đã tăng lên mức cao nhất 1 tháng trong phiên giao dịch vừa qua do cuộc đình công ở mỏ Escondida của BHP tại Chile – nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới – gây lo ngại về nguồn cung và triển vọng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dịu bớt sẽ thúc đẩy nhu cầu kim loại này.
Kết thúc phiên vừa qua trên sàn giao dịch kim loại London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 0,4% lên 5.828 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 5.868,5 USD/tấn.
Trái với đồng, giá nhôm giảm 0,5% xuống 1.729 USD/tấn mặc dù báo cáo của Viện Nghiên cứu Nhôm quốc tế cho thấy sản lượng nhôm nguyên khai trên toàn cầu trong tháng 9/2019 giảm xuống 5,163 triệu tấn, so với 5.329 triệu tấn của tháng 8/2019. Ước tính sản lượng của Chile giảm xuống 2,878 triệu tấn, từ mức 2,974 triệu tấn. Nickel giảm giá xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng, là 16.100 USD/tấn (giảm 0,8%).
Thép giảm vì lo ngại nhu cầu yếu
Giá thép trên thị trường Trung Quốc giảm phiên thứ 2 liên tiếp bởi dự đoán tiêu thụ sẽ chậm lại trong khi sản lượng từ các nhà máy vẫn gia tăng.
Trên sàn Thượng Hải (ShFE), thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 0,09% xuống 3.290 CNY (455,06 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 0,03% xuống 3.285 CNY/tấn.
Cao su giảm tại Tokyo, tăng ở Thượng Hải
Giá cao su trên sàn Tokyo – tham chiếu cho toàn thị trường Châu Á – giảm vào lúc đóng cửa phiên giao dịch vừa qua mặc dù tăng ở đầu phiên. Nguyên nhân bởi lo ngại về sự suy yếu kinh tế toàn cầu sau những số liệu không lạc quan từ phía Trung Quốc.
Cao su kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,2 JPY xuống 165,8 JPY (1,53 USD)/kg, đầu phiên có lúc đạt 167,6 JPY – cao nhất kể từ 25/9/2019. Cao su TSR20 kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn này vững ở 148,9 JPY/kg. Giao dịch cao su ở Nhật phiên này thưa thớt vì sắp đến ngày nghỉ. Các thị trường tài chính Nhật Bản sẽ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 22/10.
Trong khi đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Thượng Hải lại tăng 45 CNY lên 11.725 CNY (1.659 USD)/tấn; cao su TSR20 của Trung Quốc vững ở 9.960 CNY/tấn.
Kinh tế Trung Quốc quý 3/2019 tăng trưởng chậm hơn dự đoán, ở mức thấp nhất trong vòng gần 3 thập kỷ do cuộc chiến thương mại với Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của các nhà máy.
Đường giảm do tiền real yếu đi
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 phiên vừa qua giảm 0,05 US cent, tương đương 0,41%, xuống 12,27 US cent/lb. Phiên trước đó (18/10), hợp đồng này đã chạm mức 12,2 US cent, thấp nhất kể từ 24/9. Tiền Brazil (real) yếu đi kích thích các nhà sản xuất đường ở nước này tăng cường bán ra vì tính theo USD sẽ có lợi hơn.
Mức tăng tiêu thụ đường không cao, trong khi sản lượng của Ấn Độ dự báo sẽ nhiều hơn năm ngoái vẫn đang ảnh hưởng tới tâm lý các nhà kinh doanh đường.
Tuy nhiên, dự báo thị trường thế giới sẽ thiếu hụt đường trong niên vụ 2019/20 giúp giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 1,4 USD tương đương 0,1% len 337,3 USD/tấn.
Thịt lợn, thịt bò tăng
Giá gia súc sống trên sàn Chicago đồng loạt hồi phục trong phiên vừa qua sau khi giảm ở phiên trước.
Giá lợn nạc tại Mỹ tăng trong phiên vừa qua vì kỳ vọng nhu cầu thịt lợn xuất khẩu của Mỹ sẽ gia tăng, nhất là từ Trung Quốc, giải quyết phần nào tình trạng nguồn cung lợn ở Mỹ đang dồi dào. Trên sàn Chicago, giá lợn nạc kỳ hạn tháng 2/2020 tăng 0,7 US cent lên 78,175 US cent/lb. Tuy nhiên, kỳ hạn tháng 12/2019 – hợp đồng giao dịch nhiều nhất – giảm 0,125 US cent xuống 67,825 US cent/lb.
Đối với thịt bò, giá tăng bởi triển vọng nhu cầu sẽ tốt lên trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng và niềm tin tiêu dùng ở mức cao. Thịt bò loại được dùng để đóng hộp có giá 220,13 US cent/cwt, tăng từ mức 2,09 USD của phiên cuối tuần trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 22/10