Giá dầu Brent cao nhất gần 2 tháng
Giá dầu Brent tăng hơn 1% lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, được hỗ trợ bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm, OPEC dẫn đầu cắt giảm nguồn cung và nhu cầu hồi phục khi các chính phủ nới lỏng các hạn chế virus corona.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/5, dầu thô Brent tăng 34 US cent tương đương 1% lên 36,09 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 43 US cent tương đương 1,28% lên 33,92 USD/thùng.
Giá dầu Brent chạm mức thấp nhất 21 năm dưới 16 USD/thùng trong tháng 4/2020 do nhu cầu giảm. Tuy nhiên, với việc tiêu thụ nhiên liệu tăng và nhiều dấu hiệu cho thấy rằng dư cung được giải quyết, giá dầu Brent kể từ đó đã tăng lên gấp đôi. Dấu hiệu mới nhất cho thấy dư cung giảm bớt, tồn trữ dầu thô Mỹ giảm 5 triệu thùng trong tuần trước, đồng thời việc tiêu thụ nhiên liệu hồi phục. Do vậy, các nhà phân tích dự kiến giá dầu sẽ tăng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh khác được gọi là OPEC+ đồng ý cắt giảm nguồn cung ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/5/2020. Cho đến nay OPEC+ đã cắt giảm xuất khẩu dầu thêm 6 triệu thùng/ngày – một khởi đầu mạnh mẽ trong việc tuân thủ thỏa thuận.
Giá khí tự nhiên giảm hơn 3%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 3%, do các hạn chế nhằm ngăn chặn virus corona lây lan tiếp tục gây áp lực đối với nhu cầu và xuất khẩu.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 6,1 US cent tương đương 3,4% xuống 1,710 USD/mmBTU.
Ngoài ra, giá khí tự nhiên chịu áp lực giảm do tồn trữ tăng lên 2,503 nghìn tỉ feet khối (tcf), tăng 19,4% so với mức trung bình 5 năm (2,096 tcf) cùng thời điểm này trong năm.
Giá vàng giảm hơn 1%
Giá vàng giảm hơn 1% do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá tăng mạnh mới đây và một số nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ tiền mặt, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng và mối hoài nghi về sự hồi phục nền kinh tế.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 1,5% xuống 1.722,78 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch giảm xuống còn 1.716,44 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 1,7% xuống 1.721,9 USD/ounce.
Giá đồng, thiếc cao nhất 10 tuần
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 10 tuần, khi việc nới lỏng các hạn chế bởi Covid-19 trên toàn thế giới làm gia tăng kỳ vọng nhu cầu và hoạt động kinh tế tăng mạnh.
Giá đồng trên sàn London tăng lên 5.464 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/3/2020, trước khi giảm 1% xuống 5.387 USD/tấn.
Giá thiếc giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 15.430 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt 15.735 USD/tấn - cao nhất kể từ ngày 16/3/2020, do tồn trữ thiếc tại London chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019.
Giá quặng sắt vượt ngưỡng 100 USD/tấn, thép tăng
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng vượt ngưỡng 100 USD/tấn, do lo ngại nguồn cung quặng sắt thắt chặt bởi các hạn chế virus corona, trong khi triển vọng nhu cầu thép toàn cầu ảm đạm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 2,1% lên 722 CNY (101,67 USD)/tấn, tăng phiên thứ 7 liên tiếp. Do vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt tăng hơn 20%. Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Singapore tăng 1,7% lên 95,42 USD/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng lên 98,2 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 6/8/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Công ty khai thác quặng sắt Vale SA Brazil cắt giảm triển vọng sản lượng năm 2020 xuống 310-330 triệu tấn so với mức 340-355 triệu tấn dự báo trước đó.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,8%, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6% và giá thép không gỉ tăng 1,4%.
Giá cao su vẫn cao nhất 2 tháng
Giá cao su tại Tokyo tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất hơn 2 tháng, do các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế hồi phục nhanh chóng từ khủng hoảng virus corona.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM tăng 0,6 JPY tương đương 0,4% lên 155,5 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 18/3/2020. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 10.435 CNY/tấn.
Các thị trường tài chính trên toàn cầu khởi sắc trong tuần này, do một số nước nới lỏng các hạn chế bởi virus corona, trong khi các biện pháp kích thích của chính phủ cũng thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế hồi phục.
Giá đường giảm
Giá đường thô giảm trở lại sau khi đạt mức cao nhất gần 2 tháng, được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng và khả năng gián đoạn nguồn cung từ nước xuất khẩu hàng đầu – Brazil.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE giảm 0,21 US cent tương đương 1,9% xuống 10,98 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 11,32 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 27/3/2020. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London giảm 1,5 USD tương đương 0,4% xuống 365,3 USD/tấn.
Giá cà phê tăng tại Việt Nam, Indonesia và London, giảm tại New York
Giá cà phê tại Việt Nam tăng do nguồn cung thắt chặt khi những người nông dân găm hàng không bán ra, bởi kỳ vọng các nền kinh tế mở cửa trở lại có thể đẩy giá tăng hơn nữa.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen&vỡ) được chào giá cộng 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 170-180 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 31.800 đồng (1,37 USD)/kg, tăng so với 30.000 đ/kg cách đây 1 tuần.
Một quan chức thuộc Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, sản lượng cà phê niên vụ 2020/21 sẽ giảm 15% so với niên vụ trước do hạn hán và Covid-19 bùng phát.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 290-300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 260-280 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 0,9 US cent tương đương 0,9% xuống 1,0475 USD/lb.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 3 USD tương đương 0,3% lên 1.189 USD/tấn.
Giá đậu tương và ngô giảm, lúa mì tăng
Giá đậu tương tại Mỹ giảm 1,4% xuống mức thấp nhất 2 tuần, chịu áp lực giảm bởi lo ngại về nhu cầu từ nước nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới giảm, do căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 11-3/4 US cent xuống 8,35 USD/bushel. Giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1-3/4 US cent xuống 3,17-3/4 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mì mềm, đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 2-1/4 US cent lên 5,16 USD/bushel.
Giá gạo tại Ấn Độ và Việt Nam cao nhất 1 năm, tại Thái Lan tăng
Giá gạo tại nước xuất khẩu hàng đầu - Ấn Độ - đạt mức cao nhất hơn 1 năm, được thúc đẩy bởi nhu cầu từ các nước châu Phi và châu Á tăng mạnh, trong khi 1 cơn bão ảnh hưởng đến năng suất lúa tại Bangladesh.
Tại Ấn Độ, giá gạo 5% tấm tăng lên 385-389 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 4/2019, tăng so với 380-385 USD/tấn tuần trước đó.
Malaysia đã ký hợp đồng nhập khẩu kỷ lục 100.000 tấn gạo từ Ấn Độ giao hàng trong tháng này và tháng tới.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng lên 480-505 USD/tấn so với 480-485 USD/tấn tuần trước đó.
Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất gần 1 năm (450-460 USD/tấn).
Giá dầu cọ tăng trở lại
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng do nước này cam kết tăng cường quan hệ thương mại với nước nhập khẩu dầu cọ hàng đầu - Ấn Độ - trong khi xuất khẩu trong tháng 5/2020 cải thiện cũng thúc đẩy thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 10 ringgit tương đương 0,46% lên 2.169 ringgit (499,77 USD)/tấn.
Các nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu Indonesia và Malaysia đều công bố kế hoạch tiếp tục các chương trình nhiên liệu sinh học, làm giảm bớt lo ngại rằng các kế hoạch sẽ bị hủy bỏ trong bối cảnh giá dầu thô xuống thấp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 22/5