Dầu giảm
Giá dầu giảm hơn 3 đô la/thùng vào thứ Năm do dự trữ xăng của Mỹ tăng và sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất gây ra lo ngại về triển vọng nhu cầu, trong khi nguồn cung dầu trở lại từ Libya cùng việc Nga nối lại dòng khí đốt đến châu Âu đã giảm bớt tình trạng nguồn cung hạn chế.
Giá dầu thô Brent kết thúc phiên ở mức 103,86 USD/thùng, giảm 3,06 USD, tương đương 2,9%. Dầu thô Tây Texas của Mỹ (WTI) chốt ở mức 96,35 USD/thùng, giảm 3,53 USD, tương đương 3,5%.
Giá xăng tại nước này trong phiên vừa qua ở mức 3,15 USD, giảm 13 cent, tương đương 3,8% sau khi tồn trữ xăng ở nước này tăng 3,5 triệu thùng trong tuần qua, vượt xa mức dự báo của các nhà phân tích.
Khối lượng giao dịch dầu kỳ hạn cũng ít và giá biến động khi các nhà giao dịch cố gắng xem xét mức độ tác động từ việc nhu cầu năng lượng yếu đi trong khi nguồn cung thắt chặt hơn do thiếu hụt dầu của Nga sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Khí gas giảm 1%
Giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ giảm 1% do giá dầu giảm, thời tiết ở Mỹ trong 2 tuần tới dự báo sẽ giảm nóng, tổng sản lượng khí đốt của Mỹ tăng trong tháng này và đường ống dẫn khí đốt Nord Stream Nga-Đức hoạt động trở lại.
Giá khí đốt của Mỹ diễn ra ngay cả khi một đợt nắng nóng khiến lượng khí dự trữ trong kho tuần trước thấp hơn dự kiến do các máy phát điện phải dùng nhiều khí đốt hơn để phát điện chạy điều hòa.
Hợp đồng khí đốt trên thị trường Mỹ hôm thứ Năm (21/7) giảm 7,5 cent, tương đương 0,9%, xuống 7,932 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Phiên trước đó, thứ Tư ngày 20/7, giá khí đốt Mỹ đã tăng 10% lên mức cao nhất kể từ ngày 13/6.
Ngày 21/7, Nga đã nối lại hoạt động xuất khẩu khí đốt đến châu Âu qua Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sau 10 ngày lúc đóng cửa để bảo trì. Kể từ giữa tháng 6, đường ống Nord Stream chỉ hoạt động ở mức 40% công suất, tương đương khoảng 67 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Nguyên nhân là do các tuabin khí của Công ty Siemens Energy (Đức) không được bàn giao kịp thời sau khi sửa chữa do các lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do thị trường lại dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 0,8% xuống 7.322 USD/tấn, làm xói mòn mức tăng 1,4% của phiên liền trước.
ECB đã tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2011, khiến lãi suất huy động của ngân hàng này tăng thêm 50 điểm cơ bản lên 0%, gấp đôi so với mức dự kiến đưa ra cuộc họp trước đó.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: "Rõ ràng trọng tâm của thị trường hiện nay là sự phá hủy nhu cầu vì rủi ro suy thoái gia tăng". Mặc dù không mong đợi một cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng ông Menke nói thêm rằng tâm lý giảm giá ngày càng tăng có nghĩa là giá có thể còn giảm nữa.
Vàng hồi phục
Giá vàng đảo chiều tăng trở lại trong phiên vừa qua, với mức tăng hơn 1%, do USD yếu đi và những lo ngại dai dẳng về triển vọng kinh tế đã làm tăng sức hút của vàng với vai trò là nơi trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1% lên 1.712,61 USD/ounce, vàng giao tháng 8/2022 tăng 0,6% lên 1.711,00 USD.
Góp phần đẩy giá vàng tăng là việc đồng euro đã tăng so với đồng đô la trước khi ECB nâng lãi suất.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho biết rủi ro địa chính trị đối với Ukraine, giá năng lượng tăng và số lượng nợ khổng lồ đang thúc đẩy sự quan tâm mua vàng.
Đồng đô la Mỹ giảm cũng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Đậu tương thấp nhất 25 tuần
Giá đậu tương Mỹ giảm xuống 14 USD/bushel, mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 1 và thấp hơn gần 25% so với mức đỉnh cao đạt được hồi tháng 6 - là khoảng 18 USD - do nhu cầu yếu và lo ngại về nguồn cung giảm bớt.
Dữ liệu mới nhất của Hải quan Mỹ cho thấy nhập khẩu từ Trung Quốc, nước mua đậu tương hàng đầu thế giới, trong tháng 6 đã giảm 23% so với một năm trước, đặc biệt là từ Brazil, do thời tiết tồi tệ đã đẩy giá hạt có dầu ở quốc gia Nam Mỹ này lên cao. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ tăng trong tháng 6 nhưng giảm trong nửa đầu năm.
Ngô và lúa mì giảm
Giá ngô Mỹ kỳ hạn tương lai giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần do thời tiết mùa màng ở Trung Tây nước Mỹ được cải thiện và thông tin về một thỏa thuận tái khởi động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen.
Trên sàn Chicago, giá ngô Mỹ kỳ hạn tháng 12 giảm 16-1/2 cent xuống 5,73-1/2 USD/bushel.
Giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tháng 9 cũng giảm 13-1/4 cent xuống 8,06-1/4 USD/bushel.
Dầu cọ giảm 5%
Giá dầu cọ Malaysia giảm hơn 5% vào thứ Năm theo xu hướng đi xuống của giá dầu thô và dầu đậu tương.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 10 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa (Malaysia) kết thúc phiên giảm 213 ringgit, tương đương 5,41%, xuống 3.722 ringgit (835,47 USD)/tấn.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1% xuống 2,1590 USD/lb, trở lại xu hướng giảm sau khi leo lên đỉnh cao 2,1860 USD vào thứ Tư - mức cao nhất trong vòng hơn một tuần.
Cà phê robusta giao tháng 9 trên sàn London kết thúc phiên giảm 0,4% xuống 1.990 USD/tấn. Giá cà phê Việt Nam tuần này không đổi so với tuần trước do xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm vì nguồn cung khan hiếm.
Cao su thấp nhất 4 tháng
Giá cao su kỳ hạn trên thị tường Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3 do lo ngại về nhu cầu chậm lại ở nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Hợp đồng cao su giao tháng 12 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên ở mức 1,8 yên, tương đương giảm 0,8% so với mức đóng cửa phiên liền trước, xuống 237,7 yên (1,72 USD)/kg.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 130 nhân dân tệ lúc đóng cửa, xuống mức 11.760 nhân dân tệ (1.739,49 USD)/tấn.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm do các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung trở lại vào triển vọng nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc giao tháng 9, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc đã kết thúc phiên ở mức giảm 0,3% xuống 657 nhân dân tệ (97,15 USD)/tấn, sau khi chạm mức 646,50 nhân dân tệ trước đó.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 8 giảm 0,6% xuống 98,85 USD/tấn.
Thị trường tiếp tục lo ngại về việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19 và tác động của động thái đó đối với nhu cầu sản phẩm thép và nguyên liệu thô mặc dù chính phủ nước này đã nhiều lần cam kết hỗ trợ về mặt chính sách cho nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 22/7: