Dầu giảm trở lại
Giá dầu giảm khoảng 2% do lo ngại nền kinh tế toàn cầu suy giảm có thể khiến nhu cầu giảm, trong khi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng và Nga cắt giảm sản lượng thấp hơn so với dự kiến.
Chốt phiên giao dịch vừa qua, giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,24 USD tương đương 2% xuống 61,5 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giảm 1,23 USD tương đương 1,9% xuống 52,57 USD/thùng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu ảm đạm và các dấu hiệu suy giảm từ Trung Quốc gây áp lực đối với giá dầu thô, trong khi nguồn cung năm 2019 gia tăng cũng khiến giá giảm.
Xuất khẩu dầu thô Saudi Arabia trong tháng 11/2018 tăng lên 8,2 triệu thùng/ngày (bpd) so với 7,7 triệu bpd trong tháng 10/2018, khi sản lượng tăng lên 11,1 triệu bpd.
Số liệu chính phủ Mỹ cho biết, sản lượng dầu thô của quốc gia này đạt mức cao kỷ lục 11,9 triệu bpd và sản lượng dầu đá phiến trong tháng 2/2019 dự kiến sẽ tăng 63.000 bpd lên 8,179 triệu bpd. Mỹ đã vượt Nga và Saudi Arabia trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng năm 2018 tăng gần 2,4 triệu bpd, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết.
Vàng tăng giá
Giá vàng kết thúc phiên giao dịch tăng trở lại khỏi mức thấp nhất nhiều tuần trong phiên trước đó, do lo ngại suy thoái kinh tế trầm trọng hơn khi IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, thúc đẩy hoạt động mua vàng thỏi. Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế do đồng USD tăng lên mức cao nhất nhiều tuần.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.284,54 USD/ounce, hồi phục khỏi mức thấp nhất kể từ ngày 28/12/2018 (1.276,31 USD/ounce) và vàng kỳ hạn trên sàn Comex tăng 0,1% lên 1.283,4 USD/ounce.
Nhà phân tích Georgette Boele thuộc ABN AMRO cho biết: "Vàng và nhu cầu trú ẩn an toàn có mối quan hệ mật thiết", thêm vào đó là thị trường chứng khoán châu Âu suy yếu, mối nghi ngờ xung quanh vấn đề thương mại Mỹ - Trung Quốc, những bất ổn trong kế hoạch Anh rời khỏi EU và chính phủ Mỹ đóng cửa dài nhất trong lịch sử đã hỗ trợ giá vàng.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,5% năm 2019 và 3,6% năm 2020, giảm lần lượt 0,2% và 0,1% so với dự báo hồi tháng 10/2018.
Nhôm cao nhất gần 1 tháng, đồng giảm
Giá nhôm đạt mức cao nhất gần 1 tháng, khi các nhà đầu tư chuyển sự tập trung từ nền kinh tế Trung Quốc suy yếu sang nguồn cung thắt chặt. Thị trường giao dịch trầm lắng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi Trung Quốc – nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới – sẽ đóng cửa 1 tuần.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,7% lên 1.883 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 12/2018.
Giá đồng kết thúc phiên giảm 0,8% xuống 5.935 USD/tấn, do chứng khoán toàn cầu giảm sau khi IMF cảnh báo triển vọng tăng trưởng suy yếu và công ty khai thác mỏ toàn cầu BHP Group nâng dự báo sản lượng đồng năm 2019 lên 1,6 triệu tấn đến 1,7 triệu tấn.
Thép giảm trở lại
Giá thép cây tại Trung Quốc giảm, rời khỏi chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, do các dấu hiệu cho thấy rằng tăng trưởng trên thị trường bất động sản tại nước này giảm, đã hạn chế nhu cầu thép trong xây dựng.
Giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 0,4% xuống 3.633 CNY (533,97 USD)/tấn, và giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm 1,3% xuống 526 CNY/tấn, trong khi đó giá thép cuộn cán nóng tăng 0,8% lên 3.546 CNY/tấn.
Cơ quan Thống kê Quốc gia cho biết, tăng trưởng thị trường bất động sản của Trung Quốc trong quý 4/2018 giảm xuống 2% so với 4,1% quý trước đó, khi chính phủ đưa ra các biện pháp thắt chặt nhằm hạn chế đầu cơ và tăng giá làm giảm nhu cầu.
Cao su quay đầu đi xuống
Giá cao su tại Tokyo giảm gần 4% từ mức cao nhất gần 8 tháng, trong bối cảnh bi quan tăng trưởng toàn cầu và dấu hiệu suy thoái kinh tế tại Trung Quốc.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2019 giảm 7,7 JPY tương đương 3,9% xuống 183,6 JPY (1,68 USD)/kg và giá cao su kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn TOCOM giảm 2,8% xuống 153,6 JPY/kg. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 240 CNY xuống 11.580 CNY (1.710 USD)/tấn.
Satoru Yoshida, nhà phân tích hàng hóa thuộc Rakuten Securities cho biết: "Triển vọng kinh tế Trung Quốc suy yếu và IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư".
Dầu cọ cao nhất 3 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao nhất hơn 3 tháng, được hỗ trợ bởi dự báo giá tăng tại hội nghị ngành công nghiệp vào cuối tuần qua và giá dầu đậu tương Mỹ tăng mạnh.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn Bursa tăng 1,5% lên 2.259 ringgit (546,97 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 17/10/2018. Các nhà phân tích dự báo, giá dầu cọ sẽ tăng trong những tháng tới, do sản lượng và dự trữ giảm cùng với xu hướng thời vụ. Nhà phân tích James Fry dự báo giá dầu cọ sẽ tăng 50-100 USD/tấn vào tháng 6/2019, trong khi Dorab Mistry dự báo giá dầu cọ sẽ tăng lên 2.400 ringgit/tấn vào cuối tháng 3/2019. Nhà phân tích Thomas Mielke dự báo giá dầu cọ Indonesia sẽ tăng lên mức cao 600 USD/tấn, trong bối cảnh nhu cầu từ ngành thực phẩm và năng lượng gia tăng, tăng trưởng sản xuất chậm lại và dự trữ toàn cầu suy giảm.
Ca cao thấp nhất 1 tháng
Giá ca cao giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, do mưa tại Ivory Coast đã cải thiện năng suất cây trồng.
Giá ca cao kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn New York giảm 59 USD tương đương 2,5% xuống 2.281 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.266 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 21/12/2018. Đồng thời, giá ca cao giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 33 GBP tương đương 2% xuống 1.650 GBP/tấn, trong phiên có lúc chạm 1.640 GBP/tấn, thấp nhất 6 tuần.
Đường và cà phê giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,1 US cent tương đương 1% xuống 12,93 US cent/lb, chịu áp lực giảm bởi giá dầu thô suy giảm và lo ngại nền kinh tế vĩ mô. Và giá đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 6,1 USD tương đương 1,7% xuống 348,6 USD/tấn.
Giá cà phê giảm theo xu hướng giá các hàng hóa khác. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 1,6 US cent tương đương 1,5% xuống 1,0335 USD/lb, và giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 22 USD tương đương 1% xuống 1.516 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 23/01