Dầu giảm trên 2% do virus viêm phổi ở Trung Quốc và dự đoán dư cung
Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên giao dịch vừa qua do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán dư thừa nguồn cung trong khi lo ngại về nhu cầu giữa bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona ở Trung Quốc che mờ nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung ở Libya.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 1,38 USD, tương đương 2,1%, xuống 63,21 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 1,64 USD, tương đương 2,8%, xuống 56,74 USD/thùng. Trên bảng giao dịch điện tử sau lúc đóng cửa, giá vẫn tiếp tục giảm nữa. Lúc 8h sáng nay 23/1 giờ VN, dầu Brent còn 62,7 USD, trong khi WTI còn 56,2 USD.
Giám đốc IEA, Fatih Birol, dự báo thị trường sẽ dư thừa 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Dầu mỏ Mỹ cho biết tồn trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,6 triệu thùng trong tuần vừa qua, nhiều hơn mức tăng 1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán. Tồn trữ xăng tăng cũng tăng 4,5 triệu thùng, cao hơn mức dự báo là 3,1 triệu.
Về nhu cầu, chủng mới của virus corona lây lan nhanh ở Trung Quốc đúng vào mùa vận chuyển hành khách cao điểm có thể sẽ làm giảm sút nhu cầu xăng dầu trong lĩnh vực vận tải.
Goldman Sachs dự đoán sự lây lan nhanh của virus có thể làm cho nhu cầu dầu mỏ giảm 260.000 thùng/ngày.
Trên cơ sở đó, Goldman cho biết: "Lo ngại về nhu cầu với những nguy cơ tiềm tàng che mờ lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Libya, Iran và Iraq, sẽ khiến giá dầu thô giao ngay biến động mạnh trong những tuần tới".
Vàng giảm nhẹ do nhu cầu đối với tài sản rủi ro lại tăng vì lo ngại về virus
Giá vàng giảm nhẹ trong phiên vừa qua do giới đầu tư lại hướng tới các tài sản rủi ro và đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, dự báo các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ duy trì chính sách tiền tệ ‘ôn hòa’ giữa cho giá vàng duy trì trên 1.550 USD/ounce.
Cuối phiên vừa qua, giá vàng giao ngay và kỳ hạn tháng 2/2020 đều giảm 0,1% xuống lần lượt 1.556,67 USD/ounce và 1.556,7 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng khoảng 1,2% từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, phản ứng của Trung Quốc đối với dịch bệnh do chủng mới của virus corona đã đem lại sự lạc quan rằng nước này sẽ sớm ngăn chặn được dịch bệnh. Điều này đã giúp thị trường chứng khoán thế giới hồi phục.
Các nhà đầu tư đang theo dõi động thái của Ngân hàng trung ương Châu Âu – sẽ họp trong ngày hôm nay (23/1/2020) và Ngân hàng trung ương Mỹ - sẽ họp vào ngày 28-29/1/2020.
"Thị trường kim loại quý năm 2020 sẽ vẫn liên quan đến chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu và đồng USD yếu", ngân hàng UBS nhận định, và cho biết thêm rằng tình hình chính trị cũng sẽ tạo động lực cho thị trường vàng, chẳng hạn như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. UBS dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.600 USD trong năm nay.
Đồng thấp nhất 3 tuần do lo ngại về virus
Giá đồng đã giảm xuống sát mức thấp nhất trong vòng 3 tuần do thị trường này lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ bị tổn hại khi dịch bệnh do virus bùng phát ở Vũ Hán, có thể kéo nhu cầu đồng giảm theo.
Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,8% xuống 6.108 USD/tấn vào lúc đóng cửa, trong phiên có lúc xuống mức 6.095,5 USD, thấp nhất kể từ 3/1. Chênh lệch giá giữa hợp đồng giao ngay với kỳ hạn 3 tháng đã lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 10 năm ngoái, là 33,5 USD, cho thấy nguồn cung hiện đang dồi dào. Lượng đồng lưu kho trên sàn LME đã tăng 20% kể từ 24/12/2019 đến nay, hiện là 195.375 tấn.
Thép giảm do lo ngại về virus
Giá thép trên thị trường Trung Quốc giảm do lo ngại virus gây viêm phổi cấp lây lan có thể khiến nhu cầu thép tại nước này đi xuống.
Đầu phiên giao dịch vừa qua, thép cây trên sàn Thượng Hải có thời điểm giảm 1,9% xuống mức thấp nhất gần một tháng, sau đó hồi phục nhẹ nhưng kết thúc phiên vẫn giảm 0,5% và chốt ở mức 3.558 CNY (515,29 USD)/tấn. Tương tự, thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 3.569 CNY/tấn (đầu phiên có lúc giảm 2,2% xuống mức thấp nhất gần 1 tháng).
Cao su giảm phiên thứ 4
Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) giảm xuống mức thấp nhất 1,5 tháng do dịch bệnh từ virus ở Trung Quốc gây lo ngại triển vọng kinh tế cũng như nhu cầu cao su toàn cầu bị ảnh hưởng.
Cao su kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn này đầu phiên vừa qua có lúc xuống chỉ 187,2 JPY/kg, thấp nhất kể từ 2/12/2019. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá hồi phục nhẹ để kết thúc ở mức tăng 1,6 JPY lên 191,4 JPY (1,74 USD)/kg khi nhiều nhà đầu tư tranh thủ mua khi giá giảm với hy vọng sẽ có lời sau kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 – giao dịch nhiều nhất – giảm 315 CNY xuống 12.420 CNY (1.799 USD)/tấn.
Sữa tiếp tục tăng
Giá sữa toàn cầu duy trì xu hướng đi lên trong phiên đấu giá thứ 2 của năm 2020 do giá các sản phẩm sữa đều tăng, trong bối cảnh thời tiết những tháng tới dự báo sẽ khô hạn - có thể đẩy giá tăng hơn nữa.
Cụ thể, chỉ số giá sữa tuần này tăng 1,7%, giá bán trung bình là 3/434 USD/tấn, sau khi tăng 2,4% trong phiên đấu giá liền trước – cách đây 2 tuần.
Giá hầu hết các sản phẩm đều tăng, trong đó sữa bột nguyên kem tăng 2,4%, sữa bột gạn kem tăng 0,7%, trong khi giá bơ tăng mạnh 5,5%.
Về phía nhu cầu, nhu cầu sữa và các sản phẩm sữa của Bắc Á và Trung Đông tăng mạnh.
Đường cao nhất 2 năm
Giá đường thô tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới trong vòng 2 năm do lo ngại nguồn cung khan hiếm. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,19 US cent (1,3%) lên 14,74 US cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt 14,79 US cent – cao nhất 2 năm. Đường trắng cũng tăng 6,2 USD (1,5%) lên 409,2 USD/tấn.
Tình trạng thiếu cung trên thị trường đường có thể sẽ còn trầm trọng hơn nữa trong vụ 2019/20 khi vụ thu hoạch ở cả Ấn Độ và Thái Lan đều bị chậm lại. Sucden Financial dự báo giá đường thô sẽ sớm chạm mốc 15 US cent.
Tuy nhiên, xu hướng giá tăng lúc này vẫn bị kiềm chế bởi khả năng các nhà máy của Brazil sẽ chuyển hướng tăng sản xuất đường.
Lúa mì đạt ‘đỉnh’ 1,5 năm
Giá lúa mì trên sàn Chicago lập kỷ lục cao nhiều tháng do nhu cầu trên toàn cầu tăng mạnh vì lo ngại nguồn cung khan hiếm. Đậu tương cũng theo xu hướng tăng giá, tương tự như ngô kỳ hạn giao gần.
Đầu phiên giao dịch, trên sàn Chicago, lúa mì đã tăng lên 5,92-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ 2/8/2018, tuy nhiên giá hạ nhiệt vào cuối phiên và kết thúc ở mức giảm 0,7% xuống 5,77-3/4 USD/bushel. Lúa mì kỳ hạn tháng 3 trên sàn Euronext (ở Paris) đầu phiên cũng tăng lên 199,75 EUR (221,28 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2018.
Những cuộc đình công của ngành giao thông ở Pháp – một trong những nước cung cấp lúa mì lớn nhất Liên minh Châu Âu, hạn hán ở Australia và giá lúa mì tăng ở Nga là những yếu tố đang đồng loạt thúc đẩy giá mặt hàng này đi lên.
Sản lượng dâu tây Tây Ban Nha thấp, giá cao
Sản xuất dâu tây của thành phố Huelva (miền Tây Nam Tây Ban Nha) năm nay chậm do thời tiết giá lạnh, khối lượng thu hoạch cũng không đáng kể.
Về nhu cầu, cung – cầu dâu tây Châu Âu trong dịp Giáng sinh vừa qua vẫn bình thường như mọi năm, nhưng sau đó nhu cầu giảm xuống vì giá cao. Giá dâu tây tai Huelva trong giai đoạn tháng 12/2019 – 1/2020 lên tới 4 EUR/kg (tại trang trại).
Huelva xuất khẩu dâu tây chủ yếu sang Liên minh Châu Âu, trong đó đối tác chính là Đức – nơi đã nhập khẩu 31,7% trong tổng xuất khẩu dâu tây của Thành phố. Các thị trường khác là Anh, Pháp, Italia…. Từ tháng 12/2018 đến tháng 6/2019, thành phố này đã xuất khẩu 239 triệu kg dâu tây, trị giá 471 triệu EUR, giá xuất khẩu trung bình 1,97 EUR/kg.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 23/1