Dầu rời khỏi mức cao 2 tháng
Giá dầu giảm khỏi mức cao nhất hai tháng do lo ngại về đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm lu mờ những kỳ vọng về việc gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC +.
Chốt phiên đêm qua, giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 58 cent còn 63,39 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 64,27 USD vào đầu phiên. Dầu thô WTI ( Mỹ) kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 81 cent còn 57,77 USD/thùng, giảm khỏi mức cao nhất phiên là 58,74 USD. Tính chung cả tuần, giá cả hai loại dầu ít thay đổi so với tuần trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua cho biết Trung Quốc muốn xây dựng một hiệp ước thương mại ban đầu với Mỹ và đã cố gắng tránh một cuộc chiến thương mại nhưng không ngại trả đũa khi cần thiết. Trung Quốc đã mời Mỹ tham dự một vòng đàm phán trực tiếp mới tại Bắc Kinh với nỗ lực đạt được ít nhất một thỏa thuận hạn chế nào đó, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Năm cho biết.
Vàng tiếp tục giảm
Giá vàng tiếp tục giảm xuống thấp do USD và trái phiếu kho bạc tăng cao sau khi các số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp và hoạt động dịch vụ của Mỹ tăng lên, sẽ hạn chế nhu cầu tiêu thụ vàng. Chốt phiên, giá vàng đã giảm 0,1% còn 1.462,97 USD/ounce và tính chung cả tuần giá vàng giảm 0,3%. Giá vàng kỳ hạn tại Mỹ không đổi ở mức 1.463,60 USD/ounce. Sản lượng chế tạo của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 7 tháng qua và hoạt động dịch vụ cũng tăng hơn dự kiến.
Trong các kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,4% xuống 17,02 USD/ounce, nhưng tính chung cả tuần giá tăng, trong khi giá bạch kim đã giảm 2,5% xuống 891,74 USD. Riêng có giá palađi tăng 0,8% lên 1.774.05 USD/ounce và tính chung cả tuần giá tăng hơn 4%.
Thép cây tăng phiên thứ 5 liên tiếp
Giá thép cây kỳ hạn tại Trung Quốc tiếp tục tăng phiên thứ 5 liên tiếp do kỳ vọng về nhu cầu mạnh mẽ khi tồn kho thép giảm xuống mức thấp nhất 2 năm.
Chốt phiên, giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giao tháng 1/2020 tăng 0,3% đạt 3.655 CNY(519,40 USD)/tấn, sau khi giảm mạnh vào phiên sáng. Tính chung cả tuần, giá tăng 3,1%. Giá thép cuộn cán nóng trên sàn giao dịch Thượng Hải, giao tháng 1/2020, tăng 0,5% lên 3.531 CNY/tấn.
Dự trữ thép tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 7,8 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 21/11, mức thấp nhất trong hai năm qua, theo Mysteel.
Giá quặng sắt tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã tăng vọt tới 2,6% đạt 651 CNY/tấn. Giá thép không gỉ Thượng Hải tăng 1,4% lên 14.530 CNY/tấn.
Đậu tương giảm mạnh xuống mức thấp nhất 2 tháng
Giá đậu tương kỳ hạn gần tại Mỹ đã giảm xuống dưới 9 USD/bushel, lần giảm đầu tiên gần 2 tháng qua do thời tiết cải thiện ở Nam Mỹ cùng với lo ngại rằng một thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ tạm thời có thể bị đẩy lùi sang năm tới.
Giá đậu tương tại Chicago kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 5 cent còn 8,96 USD/bushel sau khi giảm còn 8,95-3/4 USD/bushel, mức giá thấp nhất kể từ 30/9.
Thị trường đậu tương cũng bị áp lực bởi sự không chắc chắn về triển vọng cho một thỏa thuận thương mại Mỹ và Trung Quốc - nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.
Cà phê rời khỏi mức cao nhất 1 năm
Giá cà phê arabica trên sàn New York rơi khỏi mức cao nhất một năm đạt được trong phiên trước đó do tình trạng thiếu vốn nặng nề, các quỹ có dấu hiệu thắt chặt nguồn cung. Chốt phiên, giá cà phê arabica giao tháng 3/2020 đã giảm 1,3 cent, tương đương 1,2%, xuống 1,1485 USD/lb, sau khi đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 là 1,1680 USD/lb vào thứ Năm.
Nguồn cung cà phê arabica đang thắt chặt sau khi tăng cao kỷ lục gần đây. Dự kiến sẽ có thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trong mùa vụ 2019/20 do sản xuất giảm theo chu kỳ hai năm một lần tại Brazil.
Giá cà phê robusta giao tháng 1/2020 giảm 9 USD, tương đương 0,6%, xuống 1.393 USD/tấn.
Đường tăng cao
Giá đường thô tại New York giao tháng 3/2020 tăng 0,16 cent, tương đương 1,3%, lên 12,77 cent/lb, sau khi giảm 1,1% trong phiên trước đó. Giá đường dao động trong giới hạn hẹp do sản lượng giảm trong năm 2019/20 được bù đắp bởi việc các nhà sản xuất bán các kho dự trữ dư thừa được gây dựng trong vài năm qua.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2020 tại London tăng 4,80 USD, tương đương 1,4%, lên 339 USD/ tấn.
Giá cao su tăng lên mức cao nhất 4,5 tháng
Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) tăng lên mức cao nhất 4,5 tháng do nhu cầu tiêu thụ lốp xe tải mạnh tại Trung Quốc đã hỗ trợ giá cao su tại Thượng Hải và lo ngại về việc lây lan bệnh nấm cao su ở Thái Lan.
Tại TOCOM, giá cao su giao tháng 4/2020 tăng 0,3 JPY đạt 187 JPY(1,72 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 2/7 là 190,4 JPY trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá đã tăng 2,7% và đánh dấu tuần tăng thứ bảy liên tiếp. Tại Thượng Hải, giá cao su giao tháng 1/2020 tăng 75 CNY đạt 12.625 CNY(1.795 USD)/ tấn.
Tại Singapore, giá cao su giao tháng 12/2019 chốt phiên đạt 141,6 US cent /kg, tăng 0,4%.
Đồng hồi phục mạnh
Giá đồng đã hồi phục mạnh sau các lời phát biểu của các nhà lãnh đạo Mỹ- Trung làm dấy lên hy vọng hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại. Ông Trump nói hôm thứ Sáu rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc "có khả năng rất gần" trong khi ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc muốn xây dựng một hiệp ước thương mại ban đầu với Mỹ và đã cố gắng tránh một cuộc chiến thương mại.
Tại sở giao dịch London, giá đồng chốt phiên tăng 0,5 % lên 5.855 USD/ tấn sau khi đóng cửa giảm 0,8% trong phiên trước đó. Tồn kho đồng tại LME giảm xuống 218.9 25 tấn, mức thấp nhất kể từ 10/6.
Giá nhôm tăng 0,3% đạt 1.739 USD/tấn trong khi giá kẽm tăng 0,5% lên 2.305 USD sau khi chạm mức thấp nhất một tháng là 2.283 USD. Giá chì tăng 0,4% đạt mức 1.966 USD và giá thiếc giảm 0,5% còn 16.350 USD.
Giá gừng ở Trung Quốc thấp mặc dù nguồn cung gừng ít
Dự trữ gừng trong các hộ nông dân ở các khu vực sản xuất khác nhau hiện nay còn hạn chế do vậy nguồn cung thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, đã có một khối lượng nhỏ gừng được giao dịch ở Sơn Đông và giá vẫn ở mức thấp. Dự kiến khối lượng giao dịch sẽ không lớn nếu giá không tăng mạnh trong tuần này. Các công ty chế biến xuất khẩu có nhu cầu lớn nhưng hiện tại rất khó tìm được nguồn cung chất lượng tốt và giá loại gừng này rất cao.
Ngành tỏi Mỹ được cứu sống nhờ thuế quan của tổng thống Trump
Những người trồng tỏi ở Mỹ cho biết cuối cùng họ đã bắt đầu giành chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài 25 năm với tỏi nhập khẩu của Trung Quốc, nhờ thuế của Tổng thống Trump. Ông đã đánh thêm một đợt thuế quan thứ hai đối với tỏi từ Trung Quốc trong năm nay, điều này đã hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ tỏi trồng ở Mỹ.
Những người trồng tỏi ở Mỹ đã phàn nàn từ đầu những năm 1990 rằng tỏi Trung Quốc đang tràn ngập nước Mỹ với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Chính phủ Mỹ đã điều tra và đánh thuế 377% đối với một số công ty tỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty tỏi của Trung Quốc lại tìm mọi cách để lẩn trốn thuế và tỏi giá rẻ của Trung Quốc vẫn tiếp tục tràn vào Mỹ. Kết quả là, trong số 12 trang trại tỏi của Mỹ tồn tại vào những năm 1990, chỉ có ba nhà sản xuất lớn nhất còn sống sót. Tháng 9/2018, Mỹ đánh thuế quan đối với tỏi Trung Quốc ở mức 10%, sau đó tăng lên 25% kể từ tháng 5/2019.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 23/11