Dầu thô WTI chốt giá dưới 95 USD/thùng
Giá dầu thô WTI giảm xuống dưới 95 đô la/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4 sau khi Liên minh châu Âu cho biết họ sẽ cho phép các công ty quốc doanh của Nga vận chuyển dầu đến các nước thứ ba theo sự điều chỉnh các biện pháp trừng phạt đã được các quốc gia thành viên nhất trí trong tuần này.
Dầu thô Tây Texas của Mỹ (WTI) giảm 1,65 USD, tương đương 1,7%, xuống 94,70 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 66 cent, tương đương 0,6%, xuống 103,20 USD.
Giá dầu WTI giảm tuần thứ ba liên tiếp với 2 phiên về cuối tuần giá đều giảm sau khi dữ liệu cho thấy nhu cầu xăng của Mỹ đã giảm gần 8% so với một năm trước ngay giữa lúc cao điểm của mùa lái xe – mùa hè – do giá xăng cao kỷ lục.
Ngược lại, các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á đã nâng giá dầu Brent tăng tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần.
Vàng tăng
Giá vàng tăng tuần đầu tiên trong vòng 6 tuần do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm và đồng USD yếu đi, củng cố sức hấp dãn của vàng thỏi trong bối cảnh rủi ro kinh tế vẫn tiếp diễn.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 22/7 tăng 0,2% lên 1.721,29 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng khoảng 1%, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất trong hơn một năm chạm tới vào thứ Năm (21/7), là 1.680,25 USD.
Giá vàng kỳ hạn tháng 8 trên sàn New York phiên này cũng tăng 0,8% lên 1.727,4 USD.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures ở Chicago, cho biết đồng đô la giảm và lợi suất trái phiếu giảm đang giúp kéo giá vàng tăng trở lại.
Khí đốt giảm
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm trong tuần này do thị trường bớt lo ngại về việc nguồn cung thắt chặt sau khi dòng khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 chảy trở lại sau 10 ngày bảo trì.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG trung bình giao tháng 9 tại Đông Bắc Á tuần này là 38 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), giảm 2,5 USD hoặc 6,2% so với tuần trước.
Tại Châu Âu, S&P Global Commodity Insights báo giá LNG ở Tây Bắc Châu Âu là 38,233 USD/mmBtu, thấp hơn 8,95 USD/mmBtu so với giá LNG kỳ hạn giao tháng 9 tại trung tâm khí đốt Hà Lan.
Giá đồng tăng
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,5% lên 7.430,50 USD/tấn.
Tính chung cả tuần, giá đồng tăng gần 3,5%, là tuần tăng đầu tiên trong bảy tuần khi các nhà đầu tư quay trở lại các tài sản rủi ro sau một đợt bán tháo mạnh mẽ.
Chứng khoán toàn cầu tăng ngày thứ sáu và đồng đô la suy yếu từ mức cao nhất trong 20 năm giúp kim loại định giá bằng đô la trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Quặng sắt phục hồi
Giá quặng sắt hồi phục từ mức thấp nhất 7 tháng do tồn trữ thép ở Trung Quốc giảm đem lại kỳ vọng về nhu cầu bổ sung lượng thép trong kho dự trữ.
Hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, giao tháng 9, trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên 22/6 tăng 3,6% lên 681 nhân dân tệ (100,68 USD)/tấn.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 3,5% lên 101,35 USD/tấn.
Tồn kho thép cây, thép cuộn, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội và thép tấm trung bình của 184 nhà máy thép Trung Quốc đã giảm 6,8% trong tuần xuống mức thấp nhất gần 6 tháng, là 5,7 triệu tấn trong giai đoạn 14-20/7.
Giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,4%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,7%, riêng thép không gỉ giảm 1,6%.
Lúa mì giảm 6%
Giá lúa mì của Mỹ giảm gần 6% vào thứ Sáu, xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai sau khi Nga và Ukraine ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để mở lại các cảng của Ukraine ở Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9 giảm 47-1/4 cent xuống 7,59 USD/bushel, sau khi có lúc giảm xuống 7,54 USD, mức thấp nhất của hợp đồng kể từ ngày 4/2.
Giá ngô giao tháng 12 kết thúc phiên giảm 9-1/4 cent xuống 5,64-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11 tăng 14-1/4 cent kết thúc ở mức 13,15-3/4 USD.
Thỏa thuận Nga-Ukraine làm dấy lên hy vọng rằng cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế trầm trọng do vụ xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ dịu lại.
Đường, cà phê và cacao đều giảm
Giá đường, cà phê và cacao đều giảm trong phiên cuối tuần do lo ngại về nguy cơ kinh tế suy thoái và thị trường chứng khoán mất điểm. Đồng real Brazil yếu đi cũng là một yếu tố gây giảm giá cà phê và đường.
Kết thúc phiên 22/7, giá cacao kỳ hạn tháng 9 giảm 7 USD, tương đương 0,3%, xuống 2.297 USD/tấn; ca cao kỳ hạn tháng 9 tại tại London giảm 15 bảng, tương đương 0,9%, xuống 1.699 GBP/tấn.
Giá cà phê arabica giao tháng 9 giảm 9,15 cent, tương đương 4,2%, xuống 2,067 USD/lb, song tính chung cả tuần tăng 1,4%.
Cà phê robusta giao tháng 9 giảm 25 USD, tương đương 1,3% xuống 1.962 USD/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 phiên này cũng giảm 0,46 cent, tương đương 2,5%, xuống 17,89 cent/lb, tính chung cả tuần mất 7%.
Giá đường trắng giao tháng 10 giảm 9,20 USD, tương đương 1,7% xuống 523,40 USD/tấn.
Cao su thấp nhất 6 tháng
Giá cao su tại Nhật Bản tiếp tục chuỗi phiên thứ 3 giảm giá, xuống mức thấp nhất 6 tháng do lo ngại về nhu cầu suy yếu ở nước tiêu dùng hàng hóa hàng đầu thế giới- Trung Quốc.
Cao su kỳ hạn tháng 12 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 1,2 yên, tương đương 0,5%, xuống 236,5 yên (1,72 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá giảm khoảng 2%.
Lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu đang phủ bóng lên triển vọng phục hồi của châu Á với tốc độ tăng trưởng hoạt động của các nhà máy ở Nhật Bản và Australia đang chậm lại, gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc cần thiết phải hỗ trợ nền kinh tế của họ, trong bối cảnh đang phải thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 95 nhân dân tệ xuống 11.665 nhân dân tệ (1.724,37 USD)/tấn.
Gạo vững đến tăng
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng trong tuần này do việc gieo cấy vụ mới chậm hơn so với năm trước ở các vùng trồng trọt trọng điểm, trong khi lũ quét tàn phá nguồn cung cấp ngũ cốc ở Bangladesh.
Giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ được chào bán ở mức 362 - 368 USD/tấn, tăng từ mức 361 USD lên 366 USD trong tuần trước.
Gạo Việt Nam và Thái Lan tuần này vững, với loại 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 415- 420 USD/tấn, không thay đổi so với một tuần trước, trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan duy trì mức 420 USD/tấn tuần thứ 3 liên tiếp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 23/7: