Dầu tăng do dự trữ dầu Mỹ giảm
Giá dầu tăng khoảng 2,5% trong phiên vừa qua sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu gây bất ngờ là tồn trữ dầu thô của nước này giảm 1,7 triệu thùng trong tuần qua do các nhà máy lọc dầu nâng công suất thêm 429.000 thùng/ngày và nhập khẩu giảm, trái với dự đoán của các nhà phân tích là tăng 2,2 triệu thùng.
Kết thúc phiên, dầu Brent ở mức 61,17 USD/thùng (tăng 1,47 USD hay 2,5%); dầu Tây Texas 55,97 USD/thùng (tăng 1,49 USD hay 2,7%).
Các số liệu về tồn trữ xăng và nhập khẩu dầu của Mỹ cũng góp phần đẩy giá lên: Tồn trữ xăng giảm 3,1 triệu thùng (trong khi các nhà phân tích dự đoán là giảm 2,3 triệu thùng); nhập khẩu dầu thô giảm 837.000 thùng/ngày xuống mức thấp kỷ lục, trong khi xuất khẩu tăng 435.000 thùng/ngày và đạt mức cao gần kỷ lục là 3,7 triệu thùng/ngày.
Các thông tin cung – cầu từ Mỹ cùng với tín hiệu phát đi từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh của họ về khả năng sẽ cắt giảm sản lượng hơn nữa đang đẩy giá dầu đi lên, mặc dù thị trường vẫn lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trong bối cảnh hiện tại, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ tăng trong vài tuần tới, và cuối năm sẽ ở mức khoảng 62 USD/thùng, còn năm 2020 sẽ khoảng 60 USD/thùng.
Vàng tăng do Anh trì hoãn Brexit, thị trường dõi theo Fed; bạc và bạch kim cũng đi lên
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua bởi giới đầu tư bị bất ngờ khi Quốc hội Anh quyết định hoãn Brexit. Dự báo các ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng tiền tệ càng góp phần đẩy giá vàng lên.
Cuối phiên, vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.491 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 0,6% lên 1.495,7 USD/ounce.
"Sự thiếu chắc chắn về Brexit và lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với kinh tế thế giới khiến nhà đầu tư tập trung vào vàng", nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Ngày 22/10, các nghị sĩ Anh hoãn bỏ phiếu cho dự thảo thỏa thuận Brexit mới do ông Johnson đạt được với EU hôm 17/10 với lý do cần có thời gian xem xét, tranh luận. Quốc hội Anh đã 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit kể từ năm 2016. Trước đó, quốc hội Anh hôm 19/10 đã buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư yêu cầu trì hoãn Brexit.
Trong khi đó, tỷ lệ người tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ quyết định hạ 25 điểm trong lãi suất tại cuộc họp cuối tháng này đã lên tới 91%.
Trong số các kim loại quý khác, bạc cũng tăng 0,1% lên 17,54 USD/ounce, bạch kim tăng 2,5% lên 913,41 USD/ounce sau khi có lúc đạt kỷ lục cao hơn 3 năm lúc đầu phiên. Riêng palađi giảm 0,8% xuống 1.742,01 USD/ounce.
Đồng và kẽm tăng khá mạnh cùng xu hướng các kim loại khác
Giá đồng tăng trong phiên vừa qua do làn sóng biểu tình ở Chile bắt đầu làm gián đoạn nguồn cung, nhưng đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm thấp khiến nhu cầu chậm lại.
Kết thúc phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,1% lên 5.881 USD/tấn, sau khi có lúc đạt 5.885 USD/tấn, cao nhất kể từ 16/9/2019.
Tập đoàn Nghiên cứu Đồng quốc tế cho biết thị trường sẽ trở lại dư thừa nguồn cung vào năm 2020 (dư khoảng 281.000 tấn), sau khi thiếu hụt 320.000 tấn trong năm nay.
Giá kẽm cũng tăng trong phiên vừa qua, thêm 0,1% lên 2.461 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 7/2019 và cao hơn nhiều mức thấp nhất 3 năm là 2.190 USD/tấn chạm tới hôm 3/9. Nguyên nhân do lượng kẽm lưu kho trên sàn LME giảm xuống 35.125 tấn, thấp nhất kể từ 1998, và triển vọng nguồn cung gần hạn sẽ còn khan hiếm. Thị trường kẽm toàn cầu đã thiếu hụt 106.000 tấn trong giai đoạn tháng 1-7/2019, theo Tập đoàn Nghiên cứu Kẽm và Chì quốc tế.
Trong số các kim loại cơ bản khác, nickel tăng 0,6% lên 16.590 USD/tấn, nhôm tăng 0,6% lên 1.730 USD/tấn, chì tăng 0,3% lên 2.224 USD/tấn, riêng thiếc giảm 1,8% xuống 16.550 USD/tấn.
Sắt, thép tăng do hạn chế sản lượng
Giá thép tại Trung Quốc tăng phiên thứ 2 liên tiếp do có thêm nhiều thành phố ở miền Bắc nước này cảnh báo về ô nhiễm và buộc các nhà máy hạn chế sản xuất.
Trên sàn Thượng Hải, thép cây kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 0,2% lên 3.312 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng cùng kỳ hạn tăng 0,4% lên 3.315 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 2 tới tăng 0,8% lên 14.975 CNY/tấn. Quặng sắt trên sàn Đại Liên cũng tăng thêm 1,2% lên 521 CNY/tấn.
Tồn trữ thép ở Trung Quốc giảm xuống 10,45 triệu tấn trong tuần tới 17/10/2019, mức thấp nhất kể từ 25/1/2019.
Cacao tăng, cà phê giảm
Giá cacao tiếp tục tăng do Bảng Anh yếu đi. Cacao trên sàn London kỳ hạn tháng 3 tới tăng 9 GBP lên 1.843 GBP/tấn; cacao trên sàn New York (kỳ hạn tháng 12 tới) cũng tăng 9 USD (0,4%) lên 2.457 USD/tấn.
Cà phê chưa kết thúc chuỗi ngày giảm giá. Arabica kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 1,15 US cent (0,1%) xuống 97,57 US cent/lb, trong khi robusta kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 7 USD (0,5%) xuống 1.241 USD/tấn.
Uganda dự báo xuất khẩu cà phê năm 2019/20 sẽ tăng khoảng 16% so với niên vụ trước do thời tiết thuận lợi và diện tích cây đến độ thu hoạch tăng lên.
Cao su lập đỉnh 5 tuần do lo ngại về dịch bệnh ở Thái Lan
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo tăng lên mức cao nhất 5 tuần trong phiên vừa qua do lo ngại dịch bệnh trên cây cao su ở nước sản xuất số 1 thế giới – Thái Lan – có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.
Cuối phiên giao dịch, hợp đồng kỳ hạn tháng 3 trên sàn TOCOM tăng 4,6 JPY (2,8%) lên 170,4 JPY (1,57 USD)/kg, mức tăng trong một ngày nhiều nhất kể từ đầu tháng 6. Lúc đầu phiên vừa qua có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ 18/9 là 171,4 JPY/kg.
Một khu vực trồng cao su quan trọng của Thái Lan đã bị dịch nấm lá trên cây, có thể khiến sản lượng của khu vực này giảm một nửa.
Hiệp hội Cao su Tự nhiên thế giới (ANRPC) cho biết nguồn cung cao su toàn cầu giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 5,853 triệu tấn, trong khi nhu cầu tăng 0,8% lên 6,933 triệu tấn.
Một vài chỉ số giá cao su khác như sau: Hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 tại Thượng Hải giá vững ở 11.840 CNY (1.674 USD)/tấn; tại SICOM (kỳ hạn tháng 11) giảm 0,1% xuống 131,1 US cent/kg; loại TSR20 của Trung Quốc giảm 35 CNY xuống 10.015 CNY/tấn; loại TRS20 tại TOCOM (kỳ hạn tháng 4/2020) vững ở 148,9 JPY/kg.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 24/10