Dầu tăng
Giá dầu tăng bởi số liệu kinh tế có triển vọng tại Mỹ và Châu Âu, mặc dù số ca nhiễm virus corona tại Ấn Độ tăng đã gây áp lực cho giá.
Chốt phiên 23/4, dầu thô Brent tăng 77 US cent hay 1,1% lên 66,11 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 71 US cent hay 1,2% lên 62,14 USD/thùng. Tính chung cả tuần cả hai loại dầu này đều giảm khoảng 1% do số ca nhiễm virus corona tăng vọt tại Ấn Độ và Nhật Bản, các nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 và thứ 4 thế giới.
Số liệu PMI của khu vực Châu Âu trong tháng 4 cho thấy sự phục hồi mạnh hơn dự kiến và thêm nhiều quốc gia Châu Âu bắt đầu nới lỏng phong tỏa virus corona. Pháp cho biết trường học sẽ mở cửa lại vào thứ hai tới.
Số liệu của Mỹ bổ sung triển vọng lạc quan, số lượng người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm xuống thấp nhất 13 tháng trong tuần trước.
Nhà máy lọc dầu Valero của Mỹ cho biết nhu cầu xăng và dầu diesel đạt 93% và 100% của mức trước đại dịch.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm giàn khoan dầu đang hoạt động lần đầu tiên kể từ tháng 3, khi số giàn khoan giảm 1 giàn xuống 438 giàn trong tuần này.
Palađi tiếp tục tăng kỷ lục, vàng giảm
Palađi tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục do lo ngại về nguồn cung và đặt cược nhu cầu đang cải thiện, trong khi vàng giảm do số liệu kinh tế của Mỹ mạnh mẽ.
Palađi đạt mức cao kỷ lục tại 2.925,14 USD/ounce và có tuần thứ 2 tăng giá liên tiếp. Đóng cửa giá tăng 0,4% lên 2.849,18 USD/ounce.
Nhiều nhà phân tích dự kiến giá tiếp tục hướng tới 3000 USD do các nhà sản xuất ô tô tăng cường mua kim loại này, làm tồi tệ hơn tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Trong khi đó vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.777,24 USD/ounce, từ bỏ mức tăng ban đầu được thúc đẩy bởi USD yếu. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,2% xuống 1.777,8 USD/ounce.
Nhôm lên mức cao nhất trong 3 năm
Giá nhôm tăng lên mức cao nhất trong 3 năm, bởi lo lắng về nguồn cung từ Trung Quốc, nơi chính quyền đang kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.
Giá nhôm trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,3% lên 2.370 USD/tấn. Giá nhôm đã chạm 2.389 USD tăng hơn 20% kể từ đầu tháng 1.
Điện phần lớn sản xuất từ than tại Trung Quốc có thể chiếm 30 – 40% chi phí luyện nhôm. Thành phố Baotou ở Nội Mông Trung Quốc gần đây đã yêu cầu một số nhà máy điện và sản xuất công nghiệp đóng cửa trong nỗ lực đáp ứng mục tiêu tiêu thụ năng lượng.
Dự trữ nhôm tại sàn LME đạt gần 1,8 triệu tấn đã giảm 8% kể từ giữa tháng 3.
Quặng sắt có tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp
Quặng sắt tăng ở Châu Á trong phiên cuối tuần, có tuần tăng thứ 5 liên tiếp do việc hạn chế sản lượng thép để chống ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc và nhu cầu thép toàn cầu mạnh mẽ .
Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,2% lên 1.104.5 CNY (170,11 USD)/tấn. Hợp đồng này đã tăng 4,3% trong tuần này.
Thành phần sản xuất thép này tại Singapore đã tăng 1,3% lên 181,35 USD/tấn.
Giá thép tại Thượng Hải tiếp tục tăng, với thép thanh tăng 1,7% lên 5.299 CNY/tấn, chỉ thấp hơn mức kỷ lục 5.300 CNY một chút. Thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 5.590 CNY/tấn, sau khi chạm mức đỉnh 5.597 CNY/tấn.
Nhà phân tích J.P. Morgan cho biết việc hạn chế sản xuất thép hơn nữa tại Trung Quốc cũng giúp giá thép tăng vọt ở Châu Á, với thép cuộn cán nóng tăng lên 900 USD/tấn.
Tiếp theo việc hạn chế tại thành phố sản xuất thép hàng đầu Đường Sơn, thành phố Handan tỉnh Hà Bắc sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát sản xuất thép và luyện cốc từ ngày 21/4 tới 30/6.
Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc ở mức 187 USD/tấn trong ngày 22/4, giảm so với mức kỷ lục 188,5 USD đạt được trong ngày 21/4, theo công ty tư vấn số liệu SteelHome.
Cao su Nhật Bản tăng theo giá Thượng Hải
Giá cao su Nhật Bản tăng do giá ở Thượng Hải và giá dầu tăng, mặc dù đà tăng bị hạn chế bởi lo sợ về số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Nhật Bản và Ấn Độ.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,5 JPY hay 0,6% lên 237,1 JPY (2,2 USD)/kg. Nhưng tính chung cả tuần giá giảm 0,3%.
Giá cao su tại Thượng Hải kỳ hạn tháng 9 tăng 125 CNY lên 14.105 CNY (2.172 USD)/tấn.
Gây áp lực lên giá là Thái Lan đã bán 104.000 tấn cao su tự nhiên từ kho dự trữ nhà nước.
Tồn trữ cao su tại các kho của sàn giao dịch Thượng Hải không đổi so với tuần trước.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 2,35 US cent hay 1,7% lên 1,385 USD/lb, sau khi đạt đỉnh cao nhất kể từ đầu tháng 3 tại 1,4015 USD/lb.
Citi điều chỉnh giảm ước tính sản lượng niên vụ 2021/22 xuống 164,8 triệu bao do nguy cơ thời tiết tại Brazil, Colombia và Indonesia. Nhu cầu ước tính 173,1 triệu bao, khiến toàn cầu thiếu hụt 8,4 triệu bao. Ngân hàng này đã nâng dự báo giá trong 6 tới 12 tháng tới thêm 0,05 US cent lên 1,4 USD/lb.
Đồng real của Brazil đạt mức cao nhất trong 2 tháng so với USD ngăn cản nông dân tại nước này bán ra bởi lợi nhuận giảm.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 8 USD hay 0,6% lên 1.416 USD/tấn.
Đường thô cao nhất kể từ cuối tháng 2
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa ổn định tại 16,91 US cent/lb, sau khi đạt đỉnh tại 17,08 US cent/lb.
Các đại lý cho biết đường vẫn được hỗ trợ tốt, với triển vọng mùa vụ yếu kém tại Brazil và Liên minh Châu Âu.
Ngân hàng Citi đã giảm dự báo dư thừa đường trong niên vụ 2021/22 xuống khoảng 2,9 triệu tấn, thấp hơn 22% so với ước tính hồi tháng 3, chủ yếu do hạ sản lượng tại Brazil. Ngân hàng này dự báo giá trong quý 2 đạt trung bình 16,2 US cent/lb.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 1,2 USD hay 0,3% xuống 461,2 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 24/4