Giá dầu tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Giá dầu tăng trong phiên do dự đoán nguồn cung sẽ vẫn hạn hẹp trong năm nay.
Chốt phiên 23/7, dầu thô Brent tăng 31 US cent hay 0,4% lên 74,1 USD/thùng. Dầu WTI tăng 16 US cent hay 0,2% lên 72,07 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu thô Brent tăng 0,7% sau khi giảm trong 3 tuần liên tiếp, trong khi dầu WTI tăng 0,4% sau khi giảm 2 tuần liên tiếp.
Ngân hàng Commerzbank cho biết "những lo ngại về nhu cầu đã bị phóng đại, đó là lý do tại sao giá dầu đã phục hồi. Mặc dù nguồn cung dầu tăng lên, thị trường dầu mỏ sẽ vẫn thiếu cung một chút cho đến cuối năm nay".
Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết rằng thị trường nhận thấy mức tăng của OPEC+ không đủ để giữ thị trường cân bằng và tồn kho tại Mỹ cũng như khắp các nước OECD sẽ tiếp tục giảm.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ tăng lên 387 giàn trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 4/2020. Nhưng sự phục hồi số giàn khoan là khiêm tốn do các nhà sản xuất ưu tiên chi tiêu hạn chế.
Giá LNG Châu Á tăng
Giá khí tự nhiên hóa lỏng LNG giao ngay ở Châu Á tăng trong tuần này lên mức cao nhất trong hơn 6 tháng, do thời tiết nóng thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu cho nhà máy điện.
Giá LNG trung bình giao tháng 9 tại Đông Bắc Á ước tính ở mức 14,45 USD/mmBtu tăng 1,15 USD so với tuần trước, và là mức cao nhất kể từ giữa tháng 1.
Nhiệt độ tại Tokyo, Seoul và Bắc Kinh – các nơi tiêu thụ hàng đầu LNG – dự kiến cao hơn trung bình trong hai tuần tới, theo số liệu thời tiết từ Refinitiv Eikon.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ và Châu Âu cũng tăng trong bối cảnh thời tiết nóng.
Giá vàng giảm
Giá vàng giảm do USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.
Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.800,72 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,2% xuống 1.801,8 USD/ounce. Tính chung cả tuần giá vàng giảm 0,7% sau khi một thời gian ngắn lên mức đỉnh của tuần trước do lo sợ số ca nhiễm biến chủng Delta ngày càng tăng. Nhà đầu tư đang chuyển sang các tài sản rủi ro hơn.
Lượng vàng nắm giữ của quỹ SPDR Gold Trust, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, trong ngày 22/7 ở mức thấp nhất trong hơn hai tháng.
Đồng tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Giá đồng tăng phiên thứ 4 liên tiếp do các nhà đầu tư đặt cược chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ kéo dài giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế và nhu cầu kim loại.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME tăng 1% lên 9.534,5 USD/tấn.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong ngày 22/7 đã cam kết giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục thậm chí lâu hơn để thúc đẩy lạm phát.
Đồng LME đã giảm từ mức kỷ lục 10.747,5 USD/tấn hồi tháng 5 nhưng vẫn tăng 22% từ đầu năm tới nay. Nhà phân tích Daniel Briesemann của ngân hàng Commerzbank dự đoán đồng theo hướng giảm trong những tháng tới xuống khoảng 8.500 USD/tấn.
Quặng sắt Đại Liên có tuần tồi tệ nhất trong 17 tháng
Quặng sắt Đại Liên có tuần giảm mạnh nhất trong 17 tháng do Trung Quốc tăng cường thúc đẩy giảm sản lượng thép khiến các nhà máy cắt giảm sản lượng để tránh các lệnh trừng phạt.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 2% xuống 1.124 CNY (173,6 USD)/tấn, tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp. Giá đã giảm khoảng 10% so với tuần trước, giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020, và hiện giảm 17% so với mức đỉnh hồi tháng 5.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 8 tại Singapore giảm 0,2% xuống 197,25 USD/tấn.
Nước sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc tăng cường nỗ lực giảm sản lượng nguyên liệu xây dựng và sản xuất này phù hợp với mục tiêu giảm khí thải carbon.
Chính phủ đã yêu cầu các nhà máy thép đảm bảo sản lượng trong năm nay không nhiều hơn so với năm 2020, sau khi tăng sản lượng nửa đầu năm khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo công ty tư vấn SteelHome, giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe tại Trung Quốc xuống mức thấp nhất 6 tuần tại 209,5 USD/tấn trong ngày 22/7.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 2,2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,7% cả hai đều có tuần thứ 4 tăng giá liên tiếp.
Cà phê diễn biến trái chiều
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 4,65 US cent hay 2,4% xuống 1,89 USD/lb, giá đã đạt mức cao nhất trong hơn 6,5 năm tại 2,095 USD trong phiên giao dịch này. Tính chung cả tuần cà phê arabica tăng 18,5%.
Một thương nhân tại Châu Âu cho biết ước tính thiệt hại trong vụ tới là 3 tới 5 triệu bao – tương đương 10% tổng sản lượng cả vụ - có thể tăng chứ không thấp hơn.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 10 USD hay 0,5% lên 1.899 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất trong gần 4 năm tại 1.993 USD/tấn.
Giá đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,55 US cent hay 3,1% lên 18,17 US cent/lb, cao nhất trong hai tuần.
Trong khi băng giá không gây thiệt hại cho vụ mía hiện tại, một số đại lý cho biết có thể ảnh hưởng tới vụ tới, mặc dù thiệt hại với cây mía phải cần có thời gian đánh giá và sẽ phụ thuộc vào mức độ các trận mưa rào sắp tới. Mía về cơ bản cứng hơn cà phê.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 10,7 USD hay 2,4% lên 457,7 USD/tấn.
Lúa mì, ngô, đậu tương đều giảm
Lúa mì, ngô, đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm do thời tiết cải thiện.
Lúa mì vụ đông mềm đỏ kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 8-1/4 US cent xuống 6,84 USD/bushel. Tính chung cả tuần lúa mì giảm 8-1/2 US cent hay 1,23%.
Đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 10-1/2 US cent xuống 13,51-3/4 USD/busehl. Các nhà xuất khẩu đã bán 100.000 tấn đậu tương sang Mexico trong năm thị trường 2021/22. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc dường như chậm tại trong cuối năm 2021.
Ngô kỳ hạn tháng 12 đóng cưa giảm 18-1/4 US cent xuống 5,43 USD/bushel.