Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên qua, do dấu hiệu các lệnh trừng phạt với Iran có thể hạn chế nguồn cung toàn cầu và cuộc chiến thương mại có thể không hạn chế nhu cầu của Trung Quốc với dầu thô Mỹ.
Dầu thô Brent chốt phiên ngày 24/8/2018 tăng 1,09 USD hay 1,5% lên 75,82 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 89 US cent hay 1,3% lên 68,72 USD/thùng.
Dầu thô của Mỹ tăng hơn 4% trong tuần qua, sau khi sụt giảm trong 7 tuần liên tiếp; dầu Brent tăng 5,3% sau 3 tuần giảm giá.
Những lo ngại cuộc chiến thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế và gây áp lực cho nhu cầu dầu đã dịu đi, sau khi các nguồn tin cho biết công ty Unipec của Trung Quốc sẽ khôi phục việc nhập khẩu dầu thô Mỹ trong tháng 10/2018 sau hai tháng ngừng.
Lo lắng rằng chính quyền sắp tới của Mexico sẽ không hướng tới một thỏa thuận song phương NAFTA với Mỹ cũng gây sức ép lên thị trường. Bloomberg đưa tin một cuộc tranh cãi về mở cửa ngành dầu mỏ và khí đốt đang đè nặng lên các cuộc đàm phán.
Đồng thời, những lo ngại về nguồn cung dầu thô toàn cầu tăng lên với những dấu hiệu các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran đang hạn chế xuất khẩu. Chính phủ Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran trong tháng này sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015.
Iran là nhà sản xuất lớn thứ 3 trong OPEC với nguồn cung dầu thô và khí ngưng tụ khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2,5% nhu cầu toàn cầu.
Ngân hàng đầu tư Mỹ Jefferies cho biết các báo cáo của bên thứ ba cho thấy các tàu chở dầu của Iran đang giảm khoảng 700.000 thùng/ngày trong nửa đầu tháng 8 so với tháng 7/2018.
Công ty tư vấn năng lượng FGE dự kiến xuất khẩu dầu thô và khí ngưng tụ của Iran giảm dưới 1 triệu thùng/ngày trong giữa năm 2019.
Đồng USD giảm sau phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Jerome Powell cho biết lãi suất tăng ổn định là cách tốt nhất để bảo vệ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm 9 giàn khoan dầu trong tuần này, giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2016.
Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi Biển Bắc, nơi công nhân trên 3 giàn khoan dầu và khí đốt dự định đình công vào tháng tới. Sản lượng dầu sẽ giảm trong cuộc đình công. Ba mỏ dầu này đóng góp 45.000 tới 50.000 thùng/ngày cho dòng dầu thô Forties và Brent của Biển Bắc.
Vàng tăng do USD giảm giá
Giá vàng tăng trong phiên qua do đồng USD chịu áp lực từ những manh mối sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về hướng chính sách tiền tệ của Mỹ mà các nhà quan sát cho là ôn hòa.
Đồng USD suy yếu sau phát biểu của Jerome Powell cho rằng cách nâng lãi suất dần dần vẫn thích hợp để bảo vệ nền kinh tế Mỹ và giữ tăng tưởng việc làm mạnh có thể, trong khi vấn kiểm soát được lạm phát.
Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,8% lên 1.206,14 USD/ounce, tính chung cả tuần giá đã tăng 1,9%. Vàng kỳ hạn tháng 12/2018 của Mỹ tăng 10,3 USD hay 1,6% lên 1.213,3 USD/ounce.
Bất ổn chính trị ngày càng tăng với căng thẳng pháp lý liên quan đến hai cố vấn cũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này khiến USD chịu áp lực mất giá, bất chấp chính sách tiền tệ của Mỹ chặt chẽ hơn. Đồng USD yếu đi khiến vàng rẻ hơn khi mua bằng các đồng tiền khác, điều này có thể kích thích nhu cầu và thúc đẩy giá.
Khảo sát mới công bố của Reuters cho thấy, các nhà phân tích dự báo lãi suất của Mỹ tăng thêm 2 lần trong năm nay và 2 lần trong năm tới. Cuộc họp tới của Fed vào ngày 25-26/9/2018.
Đồng tăng giá
Giá đồng tăng trong phiên qua, khép lại tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần do đồng USD giảm giá, mặc dù lo lắng về nhu cầu của Trung Quốc có thể hạn chế chiều tăng bởi tranh chấp thương mại giữa nước này với Mỹ.
Hợp đồng đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2% lên 6.105 USD/tấn, tính chung cả tuần giá đã tăng gần 3%, tăng mạnh nhất một tuần kể từ đầu tháng 7/2018.
Chỉ số đồng USD giảm 0,6% sau phát biểu của chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ khiến giá hàng hóa định giá bằng USD rẻ hơn cho người giữ các đồng tiền khác.
Trung Quốc chiếm gần nửa nhu cầu thế giới ước tính ở mức 24 triệu tấn. Mỹ chiếm khoảng 8%.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun trả lời phỏng vấn của Reuters rằng nước này sẽ tiếp tục trả đũa khi Mỹ áp đặt thêm thuế quan thương mại, nhưng các cuộc trả đũa vẫn tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp tại Trung Quốc, trong và ngoài nước.
Thép Thượng Hải có tuần tồi tệ nhất 2 tháng
Giá thép cây xây dựng tại Trung Quốc phục hồi sau khi sụt giảm trong đầu phiên do được hỗ trợ bởi dự trữ thép giảm, nhưng tính chung cả tuần giá thép vẫn giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 7/2018.
Số liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy dự trữ thép thành phẩm tại Trung Quốc trong tuần giảm 42.400 tấn xuống 10,03 triệu tấn tính đến ngày 24/8/2018, trong đó dự trữ thép cây giảm 1,1% xuống 4,37 triệu tấn và dự trữ thép cuộn cán nóng giảm 0,9% xuống 2,19 triệu tấn.
Công suất tại các nhà máy thép ở Trung Quốc phục hồi trong tuần này sau khi giảm trong 4 tuần, tăng 0,28 điểm phần trăm lên 66,44% .
Các nhà phân tích cũng cảnh báo về áp lực giảm gia tăng trên thị trường thép khi các nhà đầu tư lo ngại rằng giá đã đạt tới đỉnh cao.
Thép cây tại Thượng Hải đóng cửa phiên qua tăng 0,5% lên 4.334 CNY/tấn. Tuy nhiên hợp đồng thép được giao dịch lớn nhất đã có tuần giảm mạnh nhất 1,2% kể từ đầu tháng 7/2018.
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung cũng gây áp lực lên giá thép. Các quan chức từ Washington và Bắc Kinh đã kết thúc hai ngày đàm phán mà không có đột phá lớn nào do cả hai bên đã áp thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa của nhau.
Cao su tiếp tục mất giá do cung cầu yếu
Giá cao su giao sau tại Tokyo chốt phiên giảm do dự trữ cao và nhu cầu nhạt nhòa trong bối cảnh thị trường Thượng Hải yếu.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2018 tại Tokyo kết thúc phiên giảm 0,6 JPY xuống 175,9 JPY/kg. Trong tuần này giá cao su tại đây đã tăng 7,9 JPY.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2018 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 60 CNY (8,73 USD) chốt phiên tại 12.480 CNY/tấn.
Đường tăng giá
Đường thô kỳ hạn tháng 10/2018 chốt phiên qua tăng 0,11 US cent hay 1,1% lên 10,23 US cent/lb sau khi rời khỏi mức thấp 10 năm hôm 22/8/2018.
Các đại lý cho biết sự suy yếu của đồng real Brazil là yếu tố gây giảm giá gần đây và làm tăng giá trị xuất khẩu định giá bằng USD dưới dạng đồng nội tệ. Tuy nhiên, mức độ tăng giá có thể bị hạn chế do thị trường này đang vật lộn để tiêu thụ nguồn cung dư thừa.
Chuyên gia kinh doanh Nick Penney thuộc Sucden Financial cho biết xu hướng tổng thể tiếp tục giảm trong trung tới dài hạn.
Báo cáo 2 tuần từ Unica, tổ chức ngành mía Brazil cho thấy sản lượng đường trong nửa đầu tháng 8/2018 giảm gần 46% so với niên vụ trước do các nhà máy chuyển sang sản xuất ethanol.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10/2018 tăng 4,6 USD hay 1,5% lên 310,6 USD/tấn, tính chung cả tuần tăng 1,1%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 25/8