Dầu tiếp tục tăng
Giá dầu tăng, do khủng hoảng chính trị tại Venezuela đe dọa thắt chặt nguồn cung dầu thô, làm lu mờ lo ngại dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng và kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Chốt phiên giao dịch vừa qua, giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 55 US cent tương đương 0,9% lên 61,64 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu Brent giảm khoảng 1,7%, tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần. Giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 56 US cent tương đương 1,05% lên 53,69 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu thô Mỹ giảm khoảng 0,2%, tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp diễn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm đã gây áp lực đối với giá dầu. Tuy nhiên, việc Mỹ phát tín hiệu có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu Venezuela, đẩy nguồn cung thiếu hụt và hỗ trợ giá dầu.
RBC Europe dự đoán các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể khiến sản lượng thiếu hụt từ Venezuela tăng gần gấp đôi so với dự kiến. Sản lượng dầu của Venezuela trong năm nay sẽ giảm 300.000-500.000 thùng/ngày, các biện pháp trừng phạt có thể khiến lượng thiếu hụt lên đến vài trăm nghìn thùng.
Barclays cho biết: "Sản lượng cao kỷ lục của Mỹ có thể bù đắp bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung Venezuela trong ngắn hạn và cắt giảm dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2019 xuống 70 USD/thùng so với 72 USD/thùng dự báo trước đó".
Vàng cao nhất hơn 7 tháng, bạch kim tăng
Giá vàng kết thúc phiên tăng hơn 1% lên cao nhất hơn 7 tháng, vượt ngưỡng 1.300 USD/ounce, do đồng USD giảm trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang vào tuần tới và dự kiến sẽ giữ lãi suất không thay đổi.
Vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.297,26 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch đạt 1.300,3 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 15/6/2018 và hướng tuần tăng mạnh nhất trong 4 tuần. Và giá vàng kỳ hạn tại Mỹ tăng 1,4% lên 1.298,1 USD/ounce.
Nhà phân tích Fawad Razaqzada thuộc Forex.com cho biết: "Các yếu tố chủ yếu hỗ trợ giá vàng là đồng USD giảm mạnh, trong bối cảnh kỳ vọng Fed sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất vào tuần tới".
Đồng USD giảm từ mức cao nhất 3 tuần trong phiên trước đó, do các nhà đầu tư tập trung vào cuộc họp của Fed trong tuần tới. Điều này đã khiến vàng mua bằng USD rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Đồng thời, bạch kim tăng 1,5% lên 813 USD/ounce, hướng tuần tăng đầu tiên trong 3 tuần.
Kẽm cao nhất 3 tháng, chì cao nhất hơn 3 tháng
Giá kẽm đạt mức cao nhất 3 tháng, do lo ngại sản lượng kẽm tinh chế tại Trung Quốc giảm có thể khiến thị trường toàn cầu thiếu hụt. Chì cũng đạt mức cao nhất hơn 3 tháng sau khi dự trữ giảm, trong khi thị trường kim loại công nghiệp được thúc đẩy bởi đồng USD suy giảm.
Giá kẽm kỳ hạn trên sàn London tăng 1,3% lên 2.673 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.679,5 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 24/10/2018, do dự trữ kẽm tại LME giảm 1/2 trong tháng này xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2007.
Giá chì giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,7% lên 2.109 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 15/10/2018, do dự trữ chì tại LME giảm 20% trong 2 tuần qua, xuống 82.975 tấn, thấp nhất kể từ tháng 6/2009.
Đồng thời, giá đồng giao sau 3 tháng tăng 2,3% lên 6.056 USD/tấn, cao nhất 1 tuần. Giá nhôm tăng 1,5% lên 1.919,5 USD/tấn, cao nhất 1 tháng. Nickel tăng 1,7% lên 11.965 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 2/11/2018.
Thép cao nhất hơn 12 tuần
Giá thép cây tại Trung Quốc tăng 2% lên cao nhất hơn 12 tuần, và hướng tới tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 12/2018, do nhu cầu dự trữ bổ sung trước tuần nghỉ lễ.
Giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 1,4% lên 3.710 CNY/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 3.740 CNY (553,38 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 1/11/2018. Tính chung cả tuần, giá thép cây tăng 3,2%, tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 7/12/2018. Đồng thời, giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tăng 0,9% lên 3.608 CNY/tấn và giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 0,3% lên 534 CNY/tấn.
Dự trữ sản phẩm thép của các thương nhân Trung Quốc tính đến ngày 25/1/2019 tăng 672.400 tấn lên 9,91 triệu tấn, trong đó dự trữ thép cây tăng 11,9% và dự trữ thép cuộn tăng 13,8%, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Cao su tăng
Giá cao su tại Tokyo tăng do giá dầu tăng, song hướng tới tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần, trong bối cảnh lo ngại tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn TOCOM tăng 1,5 JPY tương đương 0,8% lên 182,8 JPY (1,67 USD)/kg. Song tính chung cả tuần, giá cao su giảm 1,8%.
Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn TOCOM tăng 1,2% lên 154,3 JPY/kg, trong khi đó giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 10 CNY xuống 11.610 CNY (1.718 USD)/tấn.
Dầu cọ rời khỏi mức cao đỉnh điểm 5 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm khỏi mức cao nhất 5 tháng đạt được trong phiên trước đó, do đồng ringgit tăng mạnh gây áp lực thị trường.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn Bursa giảm 0,1% xuống 2.295 ringgit (555,15 USD)/tấn, song tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 3,1%. Trong khi đó, giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Chicago tăng 0,2%, giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Đại Liên tăng 0,2% và giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên tăng 0,1%.
Đồng ringgit tăng mạnh, khiến giá dầu cọ trở nên đắt hơn đối với khách mua hàng nước ngoài. Đồng ringgit tăng 0,2% so với đồng USD lên 4,134.
Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới – cho biết, sẽ giảm thuế nhập khẩu dầu cọ thô xuống 40% từ mức 44% trước đó, trong khi thuế nhập khẩu dầu tinh chế giảm xuống 50% từ mức 54% trước đó. Malaysia cũng giảm thuế xuất khẩu dầu cọ tinh chế xuống 45% so với 54% trước đó.
Đậu tương cao nhất 2 tuần
Giá đậu tương tại Mỹ tăng lên cao nhất 2 tuần, do lo ngại thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng Brazil và hoạt động mua vào trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung trong tuần tới.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Chicago tăng 7 US cent lên 9,23 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 9,23-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 10/1/2019.
Parana – khu vực sản xuất đậu tương lớn thứ 2 của Brazil – cắt giảm dự báo sản lượng vụ thu hoạch niên vụ 2018/19 xuống 16,8 triệu tấn so với 19,1 triệu tấn dự báo trước đó.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/01