Brent giảm nhẹ sau khi vượt ngưỡng 75 USD/thùng
Giá dầu Brent chốt phiên giảm nhẹ sau khi chạm mức 75 USD/thùng trong ngày, mức cao nhất trong gần 6 tháng qua do một số nước châu Âu ngừng nhập khẩu dầu của Nga, khiến các nhà đầu tư dự đoán khả năng giá sẽ tăng hơn nữa. Dầu thô Brent ổn định ở mức 74,35 USD, giảm 22 cent, tương đương 0,30%, sau khi trong ngày đã lên mức 75,60 USD, mức cao nhất kể từ 31/10/2018. Dầu thô WTI cũng giảm 1,03%, tương đương 68 cent, còn 65,21 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất trong phiên là 66,28 USD.
Ba Lan và Đức đã đình chỉ nhập khẩu dầu thô của Nga thông qua đường ống Druzhba, với lý do ô nhiễm. Các đường ống có thể vận chuyển 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nhu cầu dầu thô toàn cầu và khoảng 700.000 thùng/ngày đã bị đình chỉ, theo các nguồn tin của Reuters.
Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, cho biết họ có kế hoạch bắt đầu bơm nhiên liệu sạch tới châu Âu thông qua đường ống này vào ngày 29/4/2019.
Vàng cao nhất 1 tuần
Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần do đồng bạc xanh yếu và
chứng khoán toàn cầu suy giảm. Giá vàng giao ngay tăng 0,2% đạt mức 1.276,93 USD/ounce, sau khi đạt 1.282,38 USD, mức cao nhất kể từ ngày 16/4. Giá vàng kỳ hạn tại Mỹ không thay đổi ở mức 1.279,70 USD/ounce. Chỉ số đô la giảm sau khi tăng lên mức cao gần 2 năm trong phiên. Chứng khoán Mỹ trượt dài làm tăng thêm tổn thất trên thị trường chứng khoán toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm bất ngờ trong dữ liệu kinh tế của Đức và Hàn Quốc, làm hồi sinh mối lo ngại về suy thoái toàn cầu. Giá vàng dự kiến sẽ vẫn trì trệ quanh mức này.
Sắt và thép tiếp tục giảm phiên thứ ba liên tiếp
Giá sắt và thép Trung Quốc đều giảm, phiên giảm thứ ba liên tiếp do nhu cầu yếu. Giá thép cây tại Thượng Hải đóng cửa giảm 0,6% xuống 3.712 CNY(551,31 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 3.648 CNY. Giá quặng sắt giao hàng tháng 9/2019 giảm 1% xuống còn 616 CNY/tấn.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết dự trữ các sản phẩm thép vẫn đang giảm nhưng với tốc độ chậm hơn, điều này cho thấy mùa tiêu thụ thép đang đến gần.
Baosteel, nhà sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc cho biết thu nhập ròng giảm 46% trong quý đầu tiên so với một năm trước, lần giảm lợi nhuận đầu tiên kể từ năm 2015, do giá nguyên liệu cao hơn và nhu cầu tiêu thụ thép tấm sử dụng trong ngành ô tô yếu.
Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư cho biết các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh đang diễn ra tốt đẹp, điều này cũng giúp cải thiện tâm lý thị trường. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 30/4 tại Bắc Kinh, sau đó là các cuộc thảo luận tiếp theo tại Washington vào ngày 8/5.
Cà phê Robusta thấp nhất hơn 3 năm
Trên sàn ICE, giá cà phê Robusta đã giảm xuống mức thấp hơn 3 năm theo xu hướng giảm giá cà phê Arabica do vụ thu hoạch lớn tại Brazil trong năm ngoái và triển vọng vụ mùa thuận lợi trong năm nay. Cà phê Robusta kỳ hạn tháng 7/2019 đã giảm 1 USD, tương đương 0,07%, xuống mức 1.390 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 1.369 đô la, mức thấp thứ hai kể từ tháng 3/2016.Các thị trường Arabica đã giảm từ tuần trước và bây giờ đến lượt Robust. Cà phê Arabica giao tháng 7/2019 tăng 1 cent, tương đương 1,1%, đạt mức 93,35 cent/ lb.
Tại Việt Nam, xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ giảm còn 2 triệu bao 60 kg trong tháng 4 so với mức 2,87 triệu bao vào tháng 3, do nông dân không muốn bán với giá thấp. Cà phê nhân xô ở Tây Nguyên được bán với giá 30.400-31.500 đồng (1,31- 1,36 USD)/kg vào ngày 25/4, so với 30.500-31.400 đồng vào tuần trước. Các thương nhân ở Việt Nam đã chào bán cà phê 5% đen và vỡ loại 2 với giá trừ lùi 45 USD/ tấn so với hợp đồng tháng 7/2019 trên sàn London, không đổi so với mức giá tuần trước.
Trong khi đó, tại Indonesia, giá đang tăng lên do nhu cầu tiêu thụ tăng. Mức chênh lệch giá đối với cà phê loại 4, 80 hạt lỗi đã tăng lên 130 USD so với hợp đồng tháng 7/2019 trên sàn London, tăng mạnh so với mức 100 - 110 USD cách đây một tuần.
Gạo xuất khẩu Việt Nam, Thái Lan tăng trong khi gạo Ấn Độ giảm
Tại Việt Nam, giá xuất khẩu gạo tại Việt Nam lần đầu tiên tăng trong 6 tuần do hoạt động mua trong nước tăng và lo ngại về tình trạng khan hiếm nước tưới lúa, trong khi đồng nội tệ yếu. Giá gạo 5% tấm tăng lên mức 360- 370 USD/tấn so với mức tuần trước là 360 USD/tấn. Nhu cầu đang tăng cao hơn và các nhà xuất khẩu đang gấp rút mua gạo từ nông dân để thực hiện các đơn đặt hàng đã ký từ đầu năm nay. Giá cũng tăng vì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước đúng vào thời điểm nông dân bắt đầu gieo hạt cho vụ thu đông.
Tại Ấn Độ, giá gạo loại 5% tấm đã giảm còn 375- 378 USD/tấn trong tuần này so với mức 370- 380 USD/tấn của tuần trước. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong thời gian từ tháng 4 năm trước đến tháng 2 năm nay đã giảm 9,4% so với cùng kỳ trước đó xuống còn 10,57 triệu tấn, do khách hàng số 1 Bangladesh đã cắt giảm lượng mua do vụ mùa bội thu. Bangladesh, nước sản xuất gạo lớn thứ tư thế giới, đã cấm xuất khẩu một số loại gạo thông thường từ tháng 5/2008 sau khi giá trong nước tăng đột biến. Nước này đã cấm hoàn toàn xuất khẩu gạo một năm sau đó.
Tại Thái Lan, giá gạo tấm 5% đạt 385- 388 USD/tấn, FOB Bangkok, giảm so với 393- 411 USD/tấn vào tuần trước, chủ yếu là do đồng baht suy yếu so với USD. Mặc dù giá giảm, nhưng gạo Thái vẫn kém cạnh tranh so với các nhà xuất khẩu khác như Ấn Độ và Việt Nam.Với khả năng hạn hán trong năm nay, nguồn cung vẫn là mối lo ngại đối với các thương nhân gạo Thái Lan.
Giá hạt tiêu thế giới tăng mạnh gần 2%
Giá hạt tiêu thế giới giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) tăng mạnh 400 Rupi/tạ, tăng gần 2%, lên mức 35.250 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu giao tháng 4/2019 cũng tăng hơn 204 Rupi/tạ, tương đương gần 1% lên ngưỡng 35.111 Rupi/tạ. Giá hạt tiêu trên (sàn SMX - Singapore) tháng 9/2019 vẫn không đổi, ở mức 6.500 USD/tấn.
Giá hạt tiêu (sàn Kochi - Ấn Độ)
Giá hạt tiêu (sàn SMX - Singapore)
Trung Quốc giữ giá nhập khẩu trái cây thấp bằng cách đầu tư trực tiếp vào đồn điền ở nước ngoài
Khối lượng nhập khẩu trái cây Trung Quốc đã tăng đều đặn trong vài năm qua do nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu trái cây ở nước ngoài. Ông Xie thuộc công ty Gold Anda Co., Ltd cho hay trước đây công ty của ông chủ yếu xuất khẩu cam, nho và lê Trung Quốc, nhờ ưu thế chi phí sản xuất và lao động thấp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chi phí sản xuất và lao động ở Trung Quốc đã tăng lên. Vài năm trước, giá cam Trung Quốc xuất khẩu sang Singapore chỉ khoảng 9 USD/hộp, trong khi giá cam Mỹ khoảng 28 USD/ hộp. Nhưng hiện tại, giá sản phẩm này tăng lên 20 USD/hộp, trong khi giá cam Mỹ vẫn là 28 USD/hộp. Giá trái cây Trung Quốc tăng nhanh đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của trái cây Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Anh đào là loại trái cây nhập khẩu phổ biến nhất ở Trung Quốc nhờ hương vị thơm ngon và dễ ăn. Gold Anda Co., Ltd đầu tư mua ba đồn điền trồng anh đào ở Chile với tổng diện tích 400 ha. Các khu vực sản xuất nằm rải rác nhằm đảm bảo nguồn cung trong suốt cả năm.
Ngoài Anh đào, Gold Anda còn sản xuất và đóng gói mận châu Âu, quả kiwi và quả óc chó ở Chile. Nhà máy đóng gói đầu tiên đóng cửa vào năm 2018 sau sự cố quản lý, nhưng Gold Anda đã tăng gấp đôi sự có mặt của họ tại Chile và nhà máy đóng gói thứ hai sẽ mở cửa vào tháng 10/2019. Nhà máy đóng gói mới đầu tư vào dây chuyền đóng gói trái cây, táo, đào, và quả óc chó. Gold Anda đã có nhiều đồn điền và nhà máy đóng gói ở các tỉnh khác nhau ở Trung Quốc. Công ty sản xuất cam, quả việt quất, quả kiwi và các sản phẩm có múi khác. Trung tâm sản xuất trái cây của họ là ở Vân Nam.
Gold Anda hiện nhập khẩu cam, anh đào, nho, mận, sầu riêng và măng cụt từ Canada, Hoa Kỳ, Chile, Úc, Ai Cập, Nam Phi và Thái Lan. Ở Trung Quốc, họ chủ yếu tập trung vào các cửa hàng chuyên bán trái cây, siêu thị và chợ bán buôn để bán lẻ sản phẩm của họ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/4