Dầu cao nhất 5 tháng do các nhà sản xuất giảm sản lượng để tránh bão
Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh lên mức cao kỷ lục 5 tháng do các nhà sản xuất dầu Mỹ đóng cửa gần như toàn bộ các cơ sở sản xuất ngoài khơi Vịnh Mexico trước khi cơn bão Laura đến. Tuy nhiên, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng ở Châu Á và Châu Âu đã hạn chế giá dầu tăng mạnh hơn nữa.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 73 US cent (1,6%) lên 45,86 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 73 US cent (1,7%) lên 43,35 USD/thùng. Cả 2 đều là mức đóng cửa cao nhất (đối với hợp đồng tham chiếu) kể từ ngày 5/3 – thời điểm ngay trước khi Saudi Arabia và Nga không thống nhất được kế hoạch cắt giảm sản lượng, và khoảng 1 tuần trước khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố COVID-19 là đại dịch.
Cơn bão Laura đang mạnh lên với tốc độ gần bằng cơn bão Katrina hồi năm 2005. Dự kiến sức gió sẽ lên tới 185 km/h, dự báo sẽ đến sát bờ biển gần biên giới Texas-Louisiana vào sáng 27/8 giờ địa phương.
Hôm qua 25/8, các nhà sản xuất dầu ngoài khơi đã sơ tán 31 cơ sở và đóng cửa một số cơ sở có công suất sản xuất tương đương 1,56 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, diễn biến giá dầu tăng trong 2 phiên vừa qua hoàn toàn do tác động bởi bão. Các nhà sản xuất dầu Mỹ đã chủ động cắt giảm sản lượng và sơ tán cơ sở khai thác trước khi mấy cơn bão liên tiếp đổ bộ vào. Do đó, tồn trữ dầu thô của Mỹ tuần qua giảm tuần thứ 5 liên tiếp, theo kết quả thăm dò của Reuters.
Loại trừ yếu tố thời tiết, giá dầu đang bất lợi khi số ca nhiễm virus Covid-19 ở Châu Âu và Châu Á đang tăng mạnh gây lo ngại nhu cầu dầu sẽ sụt giảm.
Vàng giảm vì thị trường lạc quan về quan hệ thương mại Mỹ - Trung
Giá vàng tiếp tục chuỗi ngày đi xuống trong phiên vừa qua khi thị trường ngày càng lạc quan về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý thúc đẩy thỏa thuận thương mại. Nhà đầu tư có thêm cơ sở để chuyển hướng từ tài sản an toàn như vàng sang các loại tài sản có rủi ro cao.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.920,91 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 0,8% xuống 1.923,10 USD/ounce.
Tình hình dịch COVID-19 ở Mỹ có dấu hiệu tiến triển tốt lên. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23/8 đã khen ngợi việc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm về việc cấp phép khẩn cấp cho việc lấy huyết tương của những bệnh nhân nhiễm virus đã bình phục để điều trị cho những bệnh nhân đang nhiễm virus.
Tuy nhiên, thông tin niềm tin tiêu dùng của Mỹ tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất hơn 6 năm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, bởi điều này cho thấy kinh tế Mỹ đang hồi phục khó khăn, có thể là cơ sở để ngân hàng trung ương nước này mở rộng các biện pháp kích thích – điều sẽ có lợi cho giá vàng đi lên.
Đồng tăng bởi tồn trữ thấp và USD yếu đi
Giá đồng tăng trong phiên vừa qua do lượng đồng lưu kho trên sàn London thấp kỷ lục và đồng USD yếu đi. Tuy nhiên, xu hướng giá tăng bị kiềm chế bởi sự thiếu chắc chắn về nhu cầu trong tương lai.
Kết thúc phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn Lodnon (hợp đồng tham chiếu) tăng 0,3% lên 6.533 USD/tấn. Kim loại này đã được giao dịch quanh mức 6.500 USD/tấn kể từ giữa tháng 7 đến nay.
Lượng đồng lưu kho trên sàn London giảm xuống mức thấp nhất 14 năm, là 95.252 tấn, so với trên 250.000 tấn hồi tháng 5.
Một số nhà phân tích cho biết, thị trường đồng đang trong trạng thái cân bằng, với nhu cầu khá mạnh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa có con số chính xác về nhu cầu tiêu thụ thực sự của Trung Quốc, và còn bao nhiêu ở trong kho dự trữ.
Thép giảm
Giá thép cây và thép cuộn cán nóng trên thị trường Trung Quốc giảm vào cuối phiên giao dịch vừa qua do nhu cầu hồi phục chậm hơn so với dự đoán của thị trường.
Thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải giảm 0,5% xuống 3.773 CNY (546,03 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 0,2% xuống 3.938 CNY/tấn. Nguồn cung thép nhìn chung đang cao, tồn trữ cũng còn nhiều. Trong khi đó, nguồn vốn cho các dự án hạ tầng cơ sở nhìn chung hạn hẹp trong khi thị trường bất động sản vẫn trong sự kiểm soát chặt chẽ.
Quặng sắt cũng giảm giá trong phiên vừa qua theo xu hướng thép. Quặng kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Đại Liên có thời điểm giảm 3,6% xuống 808 CNY/tấn, kết thúc phiên giảm 2,9% xuống 814 CNY/tấn. Quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc trong phiên 24/8 giảm 1 USD xuống 125,5 USD/tấn.
Ngô, đậu tương, lúa mì đều tăng
Giá ngô và đậu tương Mỹ tăng trong phiên vừa qua do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng và lo ngại sản lượng vụ thu hoạch mùa Thu của Mỹ sẽ không cao.
Giá đậu tương đã đạt mức cao nhất 7 tháng, trong khi ngô cao nhất hơn 6 tuần. Giá lúa mì cũng tăng mạnh, lên cao nhất kể từ 24/7 do nhà đầu tư mua mạnh sau phiên giảm giá trước đó.
Kết thúc phiên, ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 9-1/2 US cent lên 3,54-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ 10/7; đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 14-1/2 US cent lên 9,20-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì đỏ mềm vụ Đông kỳ hạn giao tháng 12 tăng 7-3/4 US cent lên 5,35-1/2 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã hạ tỷ lệ diện tích ngô được đánh giá là đang phát triển tốt xuống 64% trong tuần vừa qua, giảm 5 điểm % so với tuần trước đó, tỷ lệ này ở đậu tương cũng bị giảm từ 72% của tuần trước nữa xuống 69%.
Cà phê đi lên
Giá cà phê arabica tăng 2% trong phiên vừa qua do lượng cà phê lưu kho giảm tiếp, trong khi đồng Brazil mạnh lên và dấu hiệu cho thấy nhu cầu cà phê cao.
Kết thúc phiên giao dịch, cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 2,8 US cent (2,3%) lên 1.2295 USD/lb, cao nhất trong 20 ngày; robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 11 USD (1,2%) lên 1.421 USD/tấn.
Cacao tăng
Lo ngại về thời tiết khô hạn ở Bờ Biển Ngà có thể ảnh hưởng tới sản lượng vụ 2020/21 (bắt đầu từ 1/10 tới) đã đẩy giá cacao tăng trong phiên vừa qua, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12 trên sàn New York tăng 28 USD, tương đương 1,1%, lên 2.487 USD/tấn, không xa so với mức cao nhất 5 tháng là 2.535 USD được thiết lập vào ngày 10/8; trên sàn London tăng 12 GBP (0,7%) lên 1.715 GBP/tấn.
Đường thô tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,05 US cent (0,4%) lên 12,76 US cent/lb, trong khi đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 5,6 USD (1,5%) xuống 362,30 USD/tấn.
Trong thông báo gửi tới khách hàng của mình vào hôm qua, Rabobank cho biết: "Các quỹ hàng hóa đã mua ròng đuồng thô tuần thứ 8 liên tiếp, lý do để tránh lạm phát, và lo ngại chứng khoán tăng điểm không bền vững.
Dầu cọ thấp nhất 4 tuần
Giá dầu cọ kỳ hạn trên thị trường Malaysia kết thúc phiên ở mức thấp nhất gần 4 tuần, sau khi số liệu cho thấy xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 8 giảm khoảng14 - 16%. Đồng ringgit mạnh lên cũng cản trở nhu cầu mua dầu cọ của khách hàng nước ngoài.
Giữa phiên giao dịch vừa qua, dầu cọ kỳ hạn tháng 11 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 1,8% xuống 2.614 ringgit (634,19 USD)/tấn, thấp nhất kể từ 28/7 và là phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Cao su lập ‘đỉnh’ 2 tuần bởi lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục 2 tuần trong phiên vừa qua do kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng lên từ Trung Quốc giữa bối cảnh lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung sau khi có dấu hiệu cho thấy các quan chức thương mại của 2 bên có thái độ rất thiện chí.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 1/2021 cuối phiên tăng 1,5 JPY (0,9%) lên 176,3 JPY (1,66 USD)/kg. Đầu phiên có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ 7/8, là 178,7 JPY/kg. Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, hợp đồng cao su giao cùng kỳ hạn tăng 70 CNY lên 12.545 CNY (1.815 USD)/tấn.
Hãng Reuters ngày 25/8 đưa tin, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc điện đàm và ghi nhận tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên đạt được vào tháng 1. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), trong cuộc điện đàm giữa Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với 2 quan chức Mỹ gồm Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, hai bên cam kết duy trì thành công của thỏa thuận.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 26/8