Dầu cao nhất 4 năm
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên vừa qua bởi lo ngại thiếu cung do Mỹ trừng phạt Iran. Lúc đóng cửa giao dịch, dầu Brent tăng 67 US cent lên 81,87 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas (WTI) tăng 20 US cent lên 72,28 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2018.
Đầu phiên vừa qua, có lúc dầu Brent lên tới 82,55 USD/thùng, cao nhất kể từ 10/11/2014, nhưng giảm nhẹ sau đó bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc, một lần nữa lại kêu gọi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu ra thị trường và ngăn chặn giá tăng.
Dầu Brent đang tiến tới quý tăng thứ 5 liên tiếp, dài nhất kể từ đầu năm 2007 (khi tăng liền 6 quý lên kỷ lục cao 145,50 USD/thùng).
Lệnh trừng phạt của Mỹ áp vào Iran sẽ có hiệu lực đầy đủ từ 4/11/2018, nhưng trước đó xuất khẩu dầu Iran đã sụt giảm. Xuất khẩu dầu và các sản phẩm chưng cất của nước sản xuất lớn thứ 3 trong OPEC này hiện đã giảm 0,8 triệu thùng/ngày so với tháng 4/2018 (từ 2,8 triệu thùng/ngày xuống 2 triệu thùng/ngày). Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm nay sẽ ở mức 1,4 triệu thùng/ngày, và năm 2019 sẽ là 1,5 triệu thùng/ngày.
Naphtha cao nhất 4 năm
Giá naphtha trên thị trường châu Á vừa lập kỷ lục cao nhất 4 tháng theo xu hướng giá dầu thô thế giới, mặc dù nguồn cung dồi dào. Hợp đồng giao ngay đã vợt mức 700 USD/tấn (CFR Nhật Bản).
Nguồn cung naphtha tại châu Á đang nhiều, trong khi một số tàu chở mặt hàng này vẫn đang tới. Tuy nhiên, nhu cầu cũng mạnh (từ các ngành sản xuất hóa dầu và olefin).
Vàng tăng do USD yếu đi
Giá vàng tăng trước thềm kỳ họp tháng 9/2018 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.200,6 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 12/2018 tăng 70 US cent tương đương 0,1% lên 1.205,10 USD/ounce.
USD giảm so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ bởi dự báo Fed sẽ nâng lãi suất trong kỳ họp này.
Sắt, thép thấp nhất 1 tuần
Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần khi các nhà đầu tư trở lại thị trường sau ngày nghỉ lễ với tâm trạng hoang mang khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biểu hiện qua việc Mỹ vẫn thực hiện kế hoạch áp thuế mới lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 24/9/2018.
Thép cây kỳ hạn giao tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải đầu phiên vừa qua chạm mức thấp nhất kể từ 14/9/2018, và kết thúc phiên vẫn thấp hơn 1,8% so với ngày 21/9/2018 (phiên giao dịch gần đây nhất) xuống 4.060 CNY (592 USD)/tấn.
Thị trường thép càng thêm áp lực khi Hiệp hội Thép Thế giới vừa công bố sản lượng thép thô toàn cầu tháng 8/2018 tăng 2,6% so với tháng 7/2018, lên 152 triệu tấn, trong đó sản lượng của Trung Quốc đạt 80,3 triệu tấn (tăng 2,7% so với tháng 8 năm ngoái).
Quặng sắt giao tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên đầu phiên vừa qua cũng chạm mức thấp nhất kể từ 13/9/2018, và kết thúc ngày ở 497 CNY/tấn, giảm 1% so với phiên giao dịch trước đó.
Kim loại cơ bản giảm
Giá đồng, kẽm và các kim loại cơ bản khác đều giảm vào lúc đóng cửa phiên giao dịch vừa qua bởi lo ngại về triển vọng kinh tế của nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – Trung Quốc. Một lý do khác cũng góp phần làm giảm giá, đó là sự điều chỉnh xu hướng sau ngày nghỉ lễ (phiên giao dịch liền trước – thứ Sáu ngày 21/9/2018 – giá đã tăng khá mạnh).
Với hợp đồng giao sau 3 tháng trên sàn London, giá đồng đã giảm 0,6% xuống 6.318 USD/tấn, kẽm giảm 2,2% xuống 2.507 USD/tấn, nhôm nhích nhẹ 0,5% lên 2.071 USD/tấn, chì giảm 1,7% xuống 2.009 USD/tấn, nickel giảm 0,04% xuống 12.950 USD/tấn và thiếc giảm 0,1% xuống 18.900 USD/tấn.
Một số thông tin liên quan tới yếu tố cơ bản, tồn trữ đồng trên sàn LME tiếp tục giảm xuống 212.925 tấn, thấp nhất kể từ tháng 1/2018; trong khi sản lượng nhôm nguyên khai trên toàn cầu tháng 8/2018 tăng lên 5,485 triệu tấn, từ 5,476 triệu tấn của tháng 7/2018 (theo Viện Nhôm Quốc tế).
Lithium giảm gần một nửa trong năm 2018
Sau khi tăng gần gấp 3 chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, giá lithium đã giảm nhanh kể từ năm 2018 do dư cung. Tính từ đầu năm tới nay, giá mặt hàng này tại Trung Quốc đã giảm gần một nửa, từ mức 24.750 USD/tấn vào tháng 3/2018 xuống 13.00 USD/tấn vào tháng 8/2018.
Các nhà phân tích của hãng CRU dự báo thị trường lithium năm 2018 sẽ dư thừa 22.000 tấn, trong bối cảnh nhu cầu sẽ đạt 277 triệu tấn. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường này bởi nhu cầu từ nay tới 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, từ 5% đến 20%.
Lithium được sử dụng trong sản xuất xe điện, và Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Cao su biến động mạnh
Giá cao su trên sàn Tokyo đạt mức cao nhất 3 tuần vào đầu phiên giao dịch 25/9/2018 (170,8 JPY/kg, hợp đồng giao tháng 3/2019), nhưng đã nhanh chóng quay đầu giảm sau đó, và kết thúc ở mức 169,6 JPY/kg, giảm 0,9% so với phiên giao dịch trước đó. Thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố tác động trái chiều: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và giấ dầu thô trong ngày 25/9/2018 có lúc lập đỉnh 4 năm. Cũng vì lý do đó, giá cao su tại Thượng Hải vẫn tăng nhẹ 30 CNY lên 12.535 CNY (1.826 USD)/tấn (hợp đồng giao tháng 1/2019).
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu trong 7 tháng đầu năm 2018 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8,158 triệu tấn, trong khi đó sản lượng tăng 3,7% lên 7,372 triệu tấn (thiếu hụt 786.000 tấn). Thời tiết xấu đã làm giảm sản lượng ở Malaysia, Việt Nam,Ấn Độ và Sri Lanka trong mấy tháng trước.
Dòng chảy đậu tương thế giới xáo trộn
Thị trường đậu tương gần đây biến động rất mạnh bởi đậu tương chính là loại nông sản xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc. Từ giữa tháng 7/2018, giá đậu tương đã giảm khoảng 30% và tuần trước đã xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, phiên vừa qua, giá đậu tương tại Chicago đã hồi phục lên 8,45-3/4 USD/bushel, tăng 0,6% so với phiên trước đó, khi các thương gia tranh thủ mua vào nhân lúc giá đang rẻ.
Và dòng chảy cung – cầu mặt hàng này cũng đang biến động rất mạnh với nhiều điều chưa từng xảy ra từ trước tới nay.
Trung Quốc bắt đầu tăng cường mua đậu tương Argentina vì bất đồng với Mỹ và nguồn cung của Brazil không đủ, trong khi Brazil - nước xuất khẩu đậu tương số 1 thế giới, dự kiến cũng sẽ phải nhập khẩu 1 triệu tấn đậu tương Mỹ trong những tháng tới do nguồn cung trong nước sụt giảm. Theo Oil World, thị trường Trung Quốc đã không tiếp nhận đậu tương Mỹ từ tháng 7/2018, khi Mỹ bắt đầu tăng thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và chính điều này đang gây xáo trộn thị trường toàn cầu, trong bối cảnh thời tiết xấu làm mất mùa ở nhiều nơi. Ngay cả Đức, nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Liên minh châu Âu, cũng được dự báo sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng ngũ cốc (trong đó có hạt có dầu – mặt hàng cạnh tranh với đậu tương) sau khi bị hạn hán nghiêm trọng.
Argentina dự kiến xuất khẩu 100.000 tấn đậu tương sang Trung Quốc trong tháng 9 này, và kỳ vọng có thể xuất khẩu 1,8 triệu tấn trong giai đoạn tháng 9/2018 đến tháng 2/2019 (so với số 0 ở cùng kỳ năm trước). Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ mua gần như toàn bộ khối lượng đậu tương xuất khẩu của Argentina (1,9 triệu tấn trong giai đoạn tháng 9/2018 – 2/2019, vo với 1,77 triệu tấn cùng kỳ năm trước).
Trong khi đó, sản lượng của Argentina đầu năm 2018 giảm kéo nguồn cung trong nước giảm theo, do đó các nhà ép dầu Argentina lại phải mua từ Mỹ để làm nguyên liệu (từ 1/9/2018 đã mua 850.000 tấn, và dự kiến sẽ còn tiếp tục mua trong những tuần tới). Oil World dự báo Argentina sẽ nhập khẩu 1,6 triệu tấn đậu tương Mỹ giai đoạn tháng 9/2018 – 2/2019, và có thể nhập thêm 0,2- 0,4 triệu tấn trong tháng 3/2019. Như vậy khối lượng xuất khẩu của Argentina sang Trung Quốc gần tương đương lượng nhập khẩu của Argentina từ Mỹ.
Brazil cũng sẽ đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên phải nhập khẩu khối lượng lớn đậu tương từ đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ. Lý do bởi Brazil đã xuất khẩu quá nhiều sang Trung Quốc mấy tháng gần đây sau khi Trung Quốc áp thuế 25% lên đậu tương nhập khẩu từ Mỹ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng 26/9/2018