Thị trường hàng hóa thế giới ngày 26/02/2019 có nhiều biến động bất thường. Chốt phiên giao dịch, dầu bật tăng trở lại do OPEC dự định tiếp tục cắt giảm sản lượng. Vàng ổn định trong khi Palađi phá vỡ mức 1.550 USD do nguồn cung khan. Giá hạt tiêu đen thấp nhất 12 năm. Cà phê Arabica thấp nhất 5 tháng...
Dầu bật tăng trở lại do OPEC dự định tiếp tục cắt giảm sản lượng
Giá dầu đã quay đầu tăng sau khi có thông tin cho rằng OPEC sẽ bám sát thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu và thúc đẩy các thành viên cũng như các đồng minh tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng dầu để cân bằng thị trường. Họ sẽ cắt giảm cho đến khi tồn kho giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm.
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua 26/2, dầu thô Brent tăng 45 US cent đạt 65,21 USD/thùng. Dầu chuẩn Tây Texas (Mỹ) tăng 2 US cent lên 55,50 USD/thùng.
Tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm 4,2 triệu thùng trong tuần kết thúc 22/2/2019 còn 444,3 triệu, theo API.
Giá dầu đã tăng khoảng 20% kể từ đầu năm tới nay chủ yếu do thỏa thuận giảm sản xuất của OPEC và các nước đồng minh như Nga. Nguồn cung từ Venezuela đã bị giới hạn kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nước này.
OPEC + đã đồng ý vào tháng 12/2018 cắt giảm nguồn cung 1,2 triệu thùng/ngày kể từ 1/1/2019 trong vòng 6 tháng. Chính phủ được quốc tế công nhận của Libya đã đồng ý với công ty dầu quốc doanh mở lại mỏ dầu lớn nhất của đất nước, El Sharara, cũng ảnh hưởng tới thị trường dầu.
Vàng ổn định, Palađi vượt mức 1.550 USD
Palađi đã phá vỡ mức giá 1.550 USD do lo ngại về nguồn cung thiếu hụt nhiều. Tính từ đầu năm tới nay, giá kim loại này đã tăng hơn 23%. Trong khi vàng vẫn ổn định sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell nhắc lại lập trường kiên định của ngân hàng trung ương trong lần tăng lãi suất tiếp theo.
Palađi giao ngay tăng vọt lên 1.565,09 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch và tăng 0,9% đạt 1.555 USD/ounce vào buổi chiều (giờ Mỹ). Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.327,41 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn của Mỹ giảm khoảng 0,1% xuống mức 1.328,50 USD/ounce.
Cao su giảm do dự trữ cao và nhu cầu yếu
Giá cao su tại Tokyo giảm do dự trữ cao và nhu cầu yếu. Giá cao su giao hàng tháng 8/2019 giảm 2,4 JPY(0,0217 USD) còn mức 199,1 JPY/kg. Giá cao su giao tháng 5/2019 tại Thượng Hải giảm 135 CNY(20,17 USD) chốt phiên đạt 12.400 CNY/tấn. Giá cao su 20 RSR kỳ hạn tháng 8/2019 tại Tokyo đóng cửa giảm 1,4 JPY còn 168,8 JPY/kg. Giá cao su tại Singapore giao hàng tháng 3/2019 chốt phiên ở mức 143 US cent/kg, giảm 1,2%.
Quặng sắt thấp nhất 3 tuần
Giá quặng sắt của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong hơn ba tuần sau khi có tin cho biết xuất khẩu quặng sắt trung bình hàng ngày của Brazil trong tháng này đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp thảm họa tại các mỏ trong tháng trước.
Giá quặng sắt giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên chốt phiên giảm 3,2% xuống 593,5 CNY(88,60 USD)/tấn, đã giảm 4,4% so với đầu phiên giao dịch.
Trong tháng tính đến ngày 22/2, Brazil đã xuất khẩu trung bình 1,4 triệu tấn quặng sắt/ngày, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Secex.
Thép cao nhất hơn 2 tuần
Giá thép cây Trung Quốc tăng lên do tâm lý lạc quan về thỏa thuận thương mại có thể đạt được giữa Bắc Kinh và Washington.
Giá thép cây tại Thượng Hải chốt phiên tăng 0,3% đạt 3.736 CNY/tấn, cao nhất trong hơn hai tuần. Giá thép cuộn cán nóng tăng nhẹ 0,9% lên 3.744 CNY/tấn.
Sản lượng thép thô toàn cầu tăng 1,0% lên 147 triệu tấn trong tháng 1/2019 so với cùng kỳ năm trước, theo Hiệp hội Thép Thế giới. Sản lượng thép thô từ Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ hợp kim hàng đầu thế giới, tăng lên 75,0 triệu tấn, tăng 4,3% so với tháng 1/2018.
Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc cho biết sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch quặng sắt kỳ hạn bắt đầu từ ngày hôm nay, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của nước này.
Cà phê Arabica thấp nhất 5 tháng
Cà phê Arabica giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng do nguồn cung dư thừa và triển vọng vụ thu hoạch dồi dào ở Brazil trong năm nay.
Cà phê arabica giảm 3,05 US cent, tương đương 3,1%, xuống mức 96,80 Us cent/lb, mức thấp 5 tháng. Trong ngày, giá cà phê kỳ hạn đã chạm mức thấp hơn là 96,35 Us cent/lb. Như vậy, giá đã giảm hơn 11% trong tháng này, tháng giảm tồi tệ nhất 4 năm qua.
Dầu cọ xuống mức thấp nhất gần 6 tuần
Dầu cọ Malaysia chốt phiên giảm hơn 1%, chạm mức thấp nhất trong gần sáu tuần, do giá đậu tương yếu hơn và dự báo sản lượng dầu cọ tháng 2 sẽ cao hơn bình thường.
Giá dầu cọ giao hàng tháng 1/2019 trên Sàn giao dịch Bursa Malaysia đã giảm 1,4% xuống 2.183 ringgit (536,50 USD)/tấn, phiên giảm thứ ba liên tiếp.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3 tại Chicago đã giảm 1% do vụ thu hoạch nhanh chóng ở nhà xuất khẩu hàng đầu Brazil đẩy tăng nguồn cung toàn cầu.
Giá sắn Thái Lan tăng cao
Hiệp hội Thương mại sắn Thái Lan thông báo giá sàn xuất khẩu sắn giảm 5 USD/tấn trong 20 ngày đầu tháng 2/2019, xuống còn 205 USD/tấn, FOB Bangkok. Trong khi đó, theo báo giá của Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan, chào giá xuất khẩu tinh bột sắn được điều chỉnh tăng thêm 5 -10 USD/tấn, so với cuối tháng 1, lên 450 - 455 USD/ tấn, FOB Băng Cốc. Giá tinh bột sắn giao dịch trên thị trường nội địa Thái Lan được điều chỉnh giảm 0,3 baht/kg, so với cuối tháng 1 xuống mức 13,5 baht/kg, giá sắn nguyên liệu nội địa giữ ổn định so với cuối tháng 1, ở mức 2,3 - 2,6 baht/kg.
Giá hạt tiêu đen xuống mức thấp nhất 12 năm
Giá hạt tiêu đen đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 12 năm qua do sản lượng tiêu ở Đông Nam Á tăng cao, Nikkei Asian Review đưa tin.
Giai đoạn 2014 -2016, giá tiêu tăng mạnh khiến nhiều người dân trồng cao su và sắn ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia chuyển sang trồng cây gia vị. Hồ tiêu bắt đầu được trồng nhiều vào khoảng năm 2017, khiến nguồn cung vượt cầu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 725.000 tấn hạt tiêu đã được sản xuất trong năm 2017, tăng 10% so với năm trước đó.
Trong năm 2017, sản lượng tiêu của Việt Nam đạt 252.000 tấn, tăng gần 20% so với năm 2016. Năm 2000, Việt Nam chỉ sản xuất được 50.000 tấn tiêu, cùng với Indonesia và Ấn Độ trở thành nhà cung cấp tiêu lớn nhất thế giới với thị phần chiếm tới 35%.
Giá hạt tiêu đen bán cho các nhà sản xuất thực phẩm tại Nhật Bản hiện dao động trong khoảng 550 - 650 yên/kg (4,96 - 5,87 USD/kg), giảm khoảng 40% so với năm trước và giảm 70% so với cách đây 3 - 4 năm khi giá tiêu chạm mốc cao kỉ lục.
Giá tiêu trắng dao động trong khoảng 850 - 950 yên/kg (7,68 - 8,58 USD/kg), thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, giảm khoảng 40% so với năm trước và giảm 70% so với cách đây 3 - 4 năm.
Do giá giảm, nông dân Đông Nam Á đang cân nhắc việc tăng sản lượng, theo dõi chặt chẽ giá cả cây trồng thông qua thiết bị điện tử. Giá tiếp tục có xu hướng giảm và tràn sang cả thị trường bán lẻ, Nikkei Asian Review cho hay.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu toàn cầu vẫn rất cao, một phần do sự ngày càng phổ biến của gia vị này tại các nước với dân số tăng cao và hương vị của chúng đối với các món ăn phương Tây.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/2