Dầu giảm
Giá dầu giảm do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh cho biết họ đang theo dõi các trường hợp Covid-19 tăng cao ở Ấn Độ có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu tại nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới.
Chốt phiên 26/4, dầu thô Brent giảm 46 US cent hay 0,7% xuống 65,65 USD/thùng, sau khi giao dịch ở mức thấp 64,57 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 23 US cent hay 0,4% xuống 61,91 USD/thùng, sau khi trong phiên chạm mức thấp 60,66 USD/thùng.
Ủy ban kỹ thuật chung của OPEC+ (JTC) vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay, nhưng lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại Ấn Độ và các nơi khác. OPEC và các đồng minh dẫn đầu là Nga sẽ bàn luận chính sách sản lượng tại một cuộc họp trong tuần này. Trong cuộc họp vào đầu tháng 4 tổ chức này đã đồng ý giảm việc hạn chế sản lượng 350.000 thùng/ngày trong tháng 5, và thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và thêm tiếp 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.
Cả hai loại dầu này đã giảm khoảng 1% trong tuần trước khi số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ bắt đầu đạt kỷ lục.
Ấn Độ đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ giải quyết các ca nhiễm virus corona mới đang ngập tràn bệnh viện, các quốc gia bao gồm Anh, Đức và Mỹ cam kết gửi viện trợ y tế khẩn cấp.
Công ty tư vấn FGE dự kiến nhu cầu xăng tại Ấn Độ giảm 100.000 thùng/ngày trong tháng 4 và giảm hơn 170.000 thùng/ngày trong tháng 5. Tổng doanh số bán xăng của Ấn Độ đạt gần 747.000 thùng/ngày trong tháng 3.
Tại Nhật Bản, tình trạng khẩn cấp thứ 3 ở Tokyo, Osaka và hai tỉnh khác bắt đầu vào chủ nhật 25/4, ảnh hưởng đến gần một phần tư dân số khi quốc gia này nỗ lực chống lại sự gia tăng các trường hợp Covid-19.
Thị trường cũng bị áp lực giảm bởi lo lắng về nguồn cung qua đi, khi việc bất khả kháng về xuất khẩu từ một kho cảng của Libya kết thúc và việc gia tăng nguồn cung dự kiến từ OPEC+. Sản lượng dầu của Libya đã giảm trong tuần trước từ 1,3 triệu thùng/ngày xuống khoảng 1 triệu thùng/ngày sau khi Tập đoàn Dầu Quốc gia (NOC) tuyên bố bất khả kháng.
Palađi tiếp tục tăng kỷ lục, vàng ổn định
Tình trạng thiếu hụt palađi khiến giá đạt đỉnh, trong khi vàng giữ ổn định do các nhà đầu tư đợi manh mối chính sách từ cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ trong tuần này.
Palađi tăng 1,7% lên 2.903,77 USD/ounce sau khi đạt mức cao lịch sử 2.941 USD/ounce.
Kim loại này sử dụng trong chất xúc tác làm giảm khí thải ô tô đã tăng khoảng 19% từ đầu năm tới nay.
Nhà phân tích của Standard Chartered cho biết Palađi có thể vẫn bị thiếu nguồn cung trong năm 2021 ngay cả khi Nornickel của Nga đã giảm các khoản lỗ sản xuất, dự báo giá trung bình 2.800 USD/ounce trong quý 2.
Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.779,2 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 6 của Mỹ đóng cửa tăng 0,1% lên 1.780,1 USD/ounce.
Các thương nhân cũng sẽ tập trung vào triển vọng dài hạn về lãi suất của Fed và kế hoạch hành động của họ về tỷ giá ngắn hạn.
Cuộc họp của Fed sẽ bắt đầu vào ngày 27/4, với các nhà đầu tư đặc biệt tập trung vào những gì chủ tịch Fed sẽ nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp vào ngày 28/4.
Đồng đạt đỉnh 10 năm do lo ngại về nguồn cung và tồn kho
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 10 năm do lo ngại nguồn cung của Chile, tồn kho đang giảm, USD yếu và nhu cầu mạnh dự kiến từ nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2,1% lên 9.754 USD/tấn. Giá kim loại này trước đó đã đạt 9.765 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 8/2011.
Các công đoàn khai thác mỏ tại Chile đã đe dọa biểu tình nếu chính phủ không từ bỏ nỗ lực ngăn cản người dân Chile rút bớt tiền tiết kiệm lương hưu sớm hơn. Trong khi đó công nhân tại cảng đã kêu gọi tổng đình công.
Tồn kho đồng tại LME ở mức 155.100 tấn, đã giảm khoảng 10% trong vài tuần qua.
Trung Quốc chiếm khoảng một nửa tiêu thụ đồng toàn cầu ước tính ở mức 24 triệu tấn trong năm nay. Nhu cầu của nước này thường tăng trong quý 2 trước các hoạt động xây dựng tăng lên trong những tháng mùa hè.
Thép, quặng sắt đạt cao kỷ lục
Giá thép Trung Quốc đóng cửa phiên đầu tuần ở mức cao kỷ lục bởi nhu cầu mạnh và lo ngại về việc hạn chế sản lượng, trong khi giá quặng sắt cũng cao kỷ lục.
Tỉnh Thiểm Tây gần đây đã thúc giục các cơ quan địa phương theo yêu cầu của cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc và các cơ quan khác, xác minh sản lượng thép thô của các nhà sản xuất thép địa phương trong năm 2020 và giải thích về những nhà sản xuất có sản lượng vượt quá công suất chỉ định hoặc không đạt.
Một thành phố sản xuất thép lớn khác là Handan ở tỉnh Hà Bắc gần đây đã ra thông báo yêu cầu các nhà máy thực hiện các biện pháp kiểm soát sản xuất trong quý 2. Các biện pháp này dấy lên lo ngại về việc hạn chế hơn nữa trong lĩnh vực sắt thép, làm tăng giá do nhu cầu vẫn mạnh trong mùa cao điểm.
Thép thanh tại sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giao tháng 10 có lúc tăng 4,3% lên 5.475 CNY (843,63 USD)/tấn. Đóng cửa giá tăng 2,3% lên 5.371 CNY/tấn.
Thép cuộn cán nóng tăng 3,2% lên 5.737 CNY/tấn, sau khi trong phiên có lúc lên tới 5.795 CNY./tấn.
Giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 4,3% lên 1.145 CNY/tấn. Trong phiên có lúc giá tăng 6,3%.
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe tăng 0,5 USD lên 187,5 USD/tấn trong ngày 23/4, theo công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép không gỉ ở Thượng Hải giao tháng 7 tăng 1,9% lên 14.190 CNY/tấn.
Đường tăng giá
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,26 US cent hay 1,5% lên 17,17 US cent/lb sau khi đạt đỉnh tại 17,24 US cent, cao nhất kể từ ngày 26/2. Hợp đồng này sẽ hết hạn trong ngày 30/4.
Số liệu của tổ chức UNICA về sản lượng mía và đường ở trung nam Brazil trong tuần này sẽ cung cấp những manh mối trong ngắn hạn.
Thời tiết vẫn khô hơn bình thường tại hầu hết các vùng trồng mía Brazil trong tháng 4, khả năng gây thiệt hại cho cây trồng.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 4,3 USD hay 0,9% lên 465,5 USD/tấn.
Cà phê arabica cao nhất từ năm 2017
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 4,9 US cent hay 3,6% lên 1,4175 USD/lb, sau khi đạt đỉnh tại 1,4415 USD, cao nhất đối với loại hợp đồng giao sau hai tháng kể từ tháng 8/2017.
Các đại lý cho biết Brazil có thể thu hoạch một vụ ít hơn trong năm nay trong khi nhu cầu dự kiến hồi sinh ở Mỹ và Châu Âu do việc hạn chế Covid-19 dần được nới lỏng và các quán cà phê mở cửa trở lại kinh doanh bình thường.
Starbucks dự kiến doanh thu kỷ lục trong quý 2 do việc tiêm phòng nhanh chóng ở Mỹ và Trung Quốc khiến khách hàng thoải mái hơn khi trở lại quán cà phê.
Đồng nội tệ của Brazil mạnh hơn – giao dịch ở mức đỉnh 2 tháng so với USD – cũng hỗ trợ thị trường khi cản trở các nhà sản xuất bán ra.
Cà phê robusta giao tháng 7 tăng 24 USD hay 1,7% lên 1.440 USD/tấn.
Ngô, đậu tương, lúa mì cao nhất 8 năm
Giá ngô Chicago tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2013 do lo ngại về các nguồn cung cấp Nam Mỹ. Giá ngô mạnh cũng kéo lúa mì và đậu tương lên cao nhất 8 năm.
Hợp đồng ngô giao tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng lên 6,57-1/2 USD/bushel.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7 tăng 23-1/4 US cent lên 15,39-1/4 USD/bushel sau khi đạt 15,44-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 6/2013. Lúa mì tăng 27-1/4 US cent lên 7,39-1/2 USD/bushel sau khi chạm 7,46 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 2/2013
Thời tiết khô hạn tại Brazil đe dọa sự phát triển của vụ ngô thứ hai vì gieo trồng muộn khiến cây trồng dễ bị thiệt hại do hạn hán.