Dầu giảm 7%, mạnh nhất hơn bốn năm
Giá dầu đã giảm hơn 7% trong phiên vừa qua, trở thành phiên giảm mạnh nhất trong vòng hơn 4 năm, sau khi Tổng thống Trump cho biết sẽ áp thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc.
Cụ thể, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 4,63 USD tương đương 7,9% xuống 53,95 USD/thùng vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 53,59 USD, thấp nhất kể từ 19/6/2019. Đây là mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 2/2015. Hơn 836.000 hợp đồng đã sang tay, vượt xa mức trung bình - khoảng 623.000 thùng. Dầu Brent cũng giảm 4,55 USD tương đương 6,99% xuống 60,50 USD/thùng vào lúc kết phiên, sau khi có thời điểm chạm 60,02 USD, thấp nhất kể từ 13/6/2019. Đây cũng là mức giảm trong ngày nhiều nhất kể từ tháng 2/2016.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nóng lên gây lo ngại nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ càng thêm yếu đi giữa lúc thị trường dầu đang chịu nhiều áp lực. Đó là việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa quyết định hạ lãi suất nhưng tuyên bố động thái này không phải là sự khởi đầu cho những đợt hạ lãi suất tiếp theo; sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn duy trì mức cao gần kỷ lục, trên 12 triệu thùng/ngày; nhu cầu dầu của Mỹ trong tháng 5/2019 giảm 980.000 thùng xuống 20,26 triệu thùng/ngày…
Vàng tăng 2%, palađi giảm 6%
Trái ngược với dầu, giá vàng tăng mạnh sau tuyên bố của ông Trump vì điều đó đồng nghĩa căng thẳng thương mại giữa 2 nước gia tăng khiến đồng USD 2% giảm khỏi mức cao nhất 2 năm và lợi suất trái phiếu chính phủ cũng giảm. Tuy nhiên, palađi cũng giảm hơn 6% do hoạt động bán tháo mang tính kỹ thuật. Palađi được sử dụng nhiều trong công nghiệp nên kinh tế yếu đi thì nhu cầu cũng giảm theo.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên 1.440,20 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 8/2019 gần cuối phiên có lúc tăng chạm 1.450,90 USD/oune. Đầu phiên này, có lúc giá vàng đã giảm mức thấp nhất kể từ 17/4/2019 là 1.400,31 USD/ounce do USD tăng mạnh. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump đã đảo ngược cả xu hướng đồng USD lẫn giá vàng.
Chuyên gia Jim Wyckoff của Kitco Metals cho biết, việc giá vàng duy trì trên ngưỡng tâm lý 1.400 USD đã khiến các nhà đầu tư bắt đầu tích cực mua vào.
Trong khi đó, giá palađi đầu phiên vừa qua có lúc xuống chỉ 1.410 USD/ounce, thấp nhất trong vòng 7 tuần, và kết thúc phiên ở mức 1.420,53 USD, giảm 6,3% so với kết thúc phiên trước.
LNG tại Châu Á xuống dưới 4 USD do nguồn cung dồi dào
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á lần đầu tiên trong vòng nhiều năm giảm xuống mức dưới 4 USD/mmBtu do có nhiều nguồn cung mới bổ sung giữa bối cảnh thị trường vốn đang dư thừa mà nhu cầu từ Bắc Á lại yếu. Lần gần đây nhất LNG giao dịch dưới 4 USD cách đây khoảng 3 – 4 năm.
Theo dữ liệu của Eikon, cách đây một năm giá LNG tại Châu Á đạt 10 USD/mmBtu, sau khi chạm mức cao nhất 4 năm vào tháng 6/2018. Sau đó giá liên tục giảm bởi mùa Đông năm ngoái không lạnh và nguồn cung năm nay gia tăng.
Tại Châu Âu, giá LNG tuần này ở mức 3,4 USD/mmBtu, thấp hơn cả mức giá tham chiếu (hợp đồng kỳ hạn 1 tháng).
Nhôm, đồng thấp nhất khoảng một tháng
Giá nhôm đã chạm mức thấp nhất trong khoảng một tháng do lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu đi sau khi hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới hạ dự báo về nhu cầu trên toàn cầu và số liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động của các nhà máy nước này giảm tốc. ArcelorMittal vừa hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu xuống 0,5%-1,5%, từ mức 1%-1,5% dự báo trước đây.
Trên sàn London, hợp đồng giao dịch nhôm kỳ hạn 3 tháng giảm 1,1% xuống 1.780 USD/tấn, thấp nhất kể từ 3/7/2019. Đồng cùng kỳ hạn có lúc cũng chạm mức thấp nhất kể từ 10/7/2019, là 5.867 USD/tấn, trước khi kết thúc phiên ở mức giảm 0,5% còn 5.899 USD/tấn.
Thép thấp nhất 6 tuần
Giá thép trên thị trường Trung Quốc giảm do dự báo tồn trữ tại đây sẽ tăng lên trong khi nhu cầu trong nước vẫn yếu.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 giảm 1,6% xuống 3.846 CNY (557,64 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng cũng giảm 0,9% xuống 3.781 CNY/tấn –là mức thấp nhất kể từ 21/6/2019 đối với cả 2 hợp đồng này.
Tồn trữ thép tại Trung Quốc tới 36/7/2019 đạt 12,6 triệu tấn, cao nhất trong vòng 3 tháng và tăng 27% so với một năm trước đó.
Đậu tương thấp nhất hơn một tháng
Giá đậu tương vừa kết thúc một phiên giảm ở mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng sau quyết định tăng thuế của ông Trump. Trên sàn Chicago, giá đậu tương đã giảm 16-1/4 US cent, tương đương 1,7%, xuống 8,65-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ 11/6/2019.
Cà phê Châu Á tăng, phương Tây giảm
Giá cà phê arabica trên sàn New York chạm mức thấp nhất 6 tuần do đồng real Brazil yếu đi. Hợp đồng arabica kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 2,4 US cent tương đương 2,4% xuống 97,25 US cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức 96,40 US cent,thấp nhất kể từ 19/6/2019. Robusta trên sàn London cũng giảm trong phiên vừa qua, cụ thể giảm 31 USD tương đương 2,3% xuống 1.307 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá cà phê tuần này tăng do nguồn cung không còn nhiều. Người trồng cà phê ở Tây Nguyên bán cà phê nhân xô với giá 34.600 đồng (1,49 USD0/kg, tăng so với 33.000 đồng tuần trước. Trong khi đó, các thương nhân chào bán robusta loại 5% đen, vỡ (loại 2) với giá cộng 130 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 ở phiên liền trước trên sàn London.
Tuy nhiên, các thương gia cho rằng giá cà phê Việt Nam sẽ không tăng thêm nữa vì sắp đến vụ thu hoạch mới (tháng 10/2019).
Tại Lumpung (Indonesia), cà phê robusta được chào giá cộng 150 – 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 của phiên liền trước trên sàn London, tăng so với mức cộng 150 USD/tấn cách đây một tuần.
Bông giảm 2% sau khi ông Trump tuyên bố về thuế
Giá bông trên sàn New York giảm mạnh trong phiên vừa qua ngay sau quyết định tăng thuế của Tổng thống Mỹ. Hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2019 đã giảm 1,13 US cent tương đương 1,77% vào cuối phiên, xuống 62,71 US cent/lb, sau khi có lúc xuống chỉ 62,50 US cent, thấp nhất kể từ 19/7/2019.
Tính từ đầu năm tới nay, giá bông đã mất khoảng 15% do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - một trong những nước sản xuất bông lớn nhất thế giới - với Trung Quốc -thị trường tiêu thụ bông hàng đầu thế giới.
Cao su giảm phiên thứ 5
Giá cao su tại Tokyo vẫn tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2019, do lo ngại nhu cầu tại Trung Quốc sẽ yếu đi trong khi nguồn cung tại Châu Á dồi dào.
Cuối phiên giao dịch, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn TOCOM giảm 1,7 JPY tương đương 1% xuống 175,3 JPY (1,61 USD)/kg; đầu phiên có lúc giá chỉ 174,3 JPY, thấp nhất kể từ 16/7/2019.
Giá cao su tại Singapore và Trung Quốc cũng giảm. Hợp đồng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn Singapore giảm 2,8% xuống 132,4 US cent/kg, thấp nhất kể từ 12/2/2019; trong khi đó hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 105 CNY xuống 10.565 CNY (1.531 USD)/tấn.
Gạo Thái Lan tăng, Ấn Độ vững, Việt Nam giảm
Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm do có tin Philippines sẽ cấm nhập khẩu gạo trong giai đoạn họ thu hoạch lúa (tháng 9/2019) để đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa. Trái lại, gạo Thái Lan tăng vì hạn hán lan rộng trong khi nhu cầu từ khách hàng nước ngoài vẫn duy trì ở mức thấp. Riêng gạo Ấn Độ vững giá trong bối cảnh nhu cầu từ khách hàng Châu Phi không nhiều.
Đối với loại 5% tấm, gạo Việt Nam giảm từ 350 USD/tấn xuống 340 – 350 USD/tấn,trong khi đó gạo Thái Lan tăng từ 390 – 395 USD/tấn lên 395 – 405 USD/tấn, và gạo Ấn Độ vững ở 381 – 284 USD/tấn.
Đáng chú ý, Bangladesh lại bị lũ lụt lớn, với 100.000 ha lúa đang bị ngập. Điều này có thể khiến giá gạo tại nước này đảo chiều, và họ không cần phải cố gắng tìm cách xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo nữa.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng 2/8/2019