Dầu giảm tuần thứ 5 liên tiếp
Giá dầu giảm 5% trong phiên đêm qua và có tuần giảm thứ 5 liên tiếp, do nhu cầu bị phá hủy bởi virus corona làm lu mờ những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới.
Cả 2 loại dầu Brent và WTI đã giảm gần 2/3 giá trị trong năm nay, sự sụt giảm trong kinh tế và nhu cầu nhiên liệu liên quan tới virus corona đã buộc phải trì hoãn các khoản đầu tư lớn của các công ty dầu và năng lượng khác.
Chốt phiên cuối tuần 27/3, dầu thô Brent giảm 1,41 USD hay 5,35% xuống 24,93 USD/thùng, tính chung cả tuần giảm 8%. Dầu thô WTI giảm 1,09 USD hay 4,82 % xuống 21,51 USD/thùng, trong tuần này dầu WTI giảm hơn 3%.
Các nhà kinh doanh dầu giao ngay dự kiến giá tại lưu vực Permian giảm thêm khoảng 10 USD/thùng vào tháng 5, khi các bể chứa tại khu vực này cũng như trên khắp đất nước được lấp đầy.
Một loạt những hỗ trợ kinh tế được đưa ra, nhóm G20 đã cam kết bơm hơn 5 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu để hạn chế tổn thất từ virus corona, các nhà Hạ viện Mỹ quyết tâm thông qua dự luật cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD, muộn nhất vào ngày 28/3.
Khi nhu cầu dầu toàn cầu giảm mạnh, Saudi Arabia đang phải vật lộn tìm khách hàng cho lượng dầu thô dư thừa của mình, làm giảm nỗ lực giành lấy thị phần bằng cách mở rộng sản xuất.
Giám đốc quỹ tài sản có chủ quyền của Nga cho biết một thỏa thuận nguồn cung mới giữa OPEC và các đồng minh là có thể nếu các nước tham gia.
Tập đoàn nghiên cứu dầu khí JBC Energy cho biết họ đã giảm mạnh dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2020, dự kiến giảm trung bình hơn 7,4 triệu thùng/ngày.
Vàng, palađi, bạch kim đều có tuần tăng mạnh
Giá vàng giảm trong phiên qua sau 5 ngày tăng liên tiếp, nhưng vẫn có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 do sự bùng phát của virus corona dẫn tới số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng vọt và tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi bạch kim và palađi có tuần tăng mạnh nhất trong lịch sử, do lệnh phong tỏa Nam Phi, một nhà sản xuất lớn gây lo lắng về nguồn cung.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.625,16 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa phiên giảm 1,5% xuống 1.625,80 USD/oucne.
Giá vàng đã tăng khoảng 8% trong tuần qua bởi số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng vọt trong tuần trước, và các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. USD có tuần giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.
Nhập khẩu vàng ròng của Trung Quốc qua Hong Kong giảm một nửa trong tháng 2 so với tháng liền trước, do sự bùng phát của virus.
Palađi đóng cửa phiên giảm 3,2% xuống 2.255,81 USD/ounce, nhưng tăng hơn 36% trong tuần này, trong khi bạch kim tăng 0,6% lên 740,47 USD/ounce, tăng 21% trong tuần.
Giá LNG Châu Á giảm xuống dưới 3 USD
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á đã giảm xuống dưới 3 USD/mmBtu đảo ngược chiều tăng 3 tuần trước, sau khi các khách hàng Ấn Độ hủy hoặc chuyển hướng hàng hóa do lệnh phong tỏa khiến nhu cầu khí giảm.
Giá LNG trung bình giao tháng 5 sang Đông Bắc Á được ước tính khoảng 2,8 USD/mmBtu, giảm 70 US cent hay 20% so với tuần trước đó. Giá các lô hàng giao trong tháng 4 ước tính khoảng 3 USD/mmBtu, cũng giảm 70 US cent.
Các nhà nhập khẩu LNG Ấn Độ, gồm các khách hàng Petront LNG, Gail và tập đoàn Dầu khí nhà nước Gujarat (GSPC) đã đưa ra các thông báo bất khả kháng cho các nhà cung cấp trong tuần này vì nhu cầu trong nước và hoạt động tại các cảng bị ảnh hưởng bởi sự phong tỏa toàn quốc để hạn chế sự lây lan của virus corona.
Đồng giảm nhẹ về gần mức thấp nhất 4 năm
Giá đồng giảm nhẹ gần mức thấp nhất trong 4 năm do việc gián đoạn nguồn cung bởi đóng cửa các mỏ khai thác và các tuyến vận chuyển bù cho nhu cầu bị thiệt hại bởi virus corona.
Đồng giao sau ba tháng đóng cửa giảm 0,2% xuống 4.795 USD/tấn và gần như ổn định trong tuần này.
Đồng được sử dụng trong ngành điện và xây dựng tuần trước đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2011 (giảm 11%) và đã chạm 4.371 USD, thấp nhất kể từ tháng 1/2016. Từ đầu năm tới nay giá giảm khoảng 20%.
Nam Phi đã đóng cửa các cảng từ ngày 26/3, làm gián đoạn xuất khẩu từ quốc gia sản xuất 1/10 lượng đồng toàn cầu, trong khi Glencore trở thành công ty mới nhất đình chỉ hay hoạt động khai thác chậm lại.
Nhu cầu có thể bắt đầu phục hồi tại Trung Quốc – nơi tiêu thụ một nửa lượng đồng của thế giới – vì Trung Quốc nới lỏng các biện pháp ngăn chặn virus và giá sẽ tăng trong 3 tháng tới.
Các nhà phân tích cho biết nhu cầu đồng giảm do sản xuất bị gián đoạn bởi sự bùng phát của virus corona sẽ khiến lượng đồng dư thừa trong năm nay lên tới 1 triệu tấn.
Quặng sắt Trung Quốc giảm tuần đầu tiên trong 4 tuần
Giá quặng sắt của Trung Quốc đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần, do sự ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch virus corona khiến triển vọng nhu cầu quặng sắt và sản phẩm thép giảm.
Tuy nhiên, dự đoán gián đoạn nguồn cung bởi việc phong tỏa trên khắp thế giới để ngăn chặn sự lây lan đã hạn chế đà giảm của quặng sắt.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Đại Liên đóng cửa giảm 0,2% xuống 659 CNY (93,2 USD)/tấn và mất 1,5% giá trị trong tuần này.
Bất chấp lo lắng về nhu cầu, quặng sắt Đại Liên đã tăng 16% từ mức thấp nhất trong gần 3 tháng vào ngày 4/2 và tăng 1,9% từ đầu năm tới nay, do các nước khai thác quặng bắt đầu thực thi các biện pháp ngăn chặn virus corona.
Các nhà xuất khẩu quặng sắt hàng đầu ở Úc và Brazil cũng bị ảnh hưởng bởi các hạn chế về biên giới, có thể cản trở các chuyến hàng đến Trung Quốc, nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới và chiếm hơn một nửa sản lượng thép toàn cầu.
Thép cây dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải ổn định, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,5%, và thép không gỉ tăng 0,8%.
Đường thô giảm giá
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,23 US cent hay 2% xuống 11,1 US cent/lb.
Nhà phân tích Green Pool hiện nay dự kiến toàn cầu dư thừa đường trong niên vụ 2020/21 do đại dịch virus corona làm giảm tăng trưởng nhu cầu và cuộc chiến giá dầu khiến các nhà máy ở Brazil chuyển sang sản xuất thêm đường.
Nhà kinh doanh đường Czarnikow cho biết họ đã giảm ước tính tiêu thụ đường của EU 700.000 tấn hay 4% cho phần còn lại của niên vụ 19/20 do sự bùng phát của virus corona. Thiếu hụt đường của EU giảm xuống 400.000 tấn.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 30 US cent hay 0,1% lên 350,7 USD/tấn.
Các đại lý lo sợ lệnh phong tỏa tại Ấn Độ, nhà sản xuất đường hàng đầu thế giới, có thể làm giảm xuất khẩu đường trắng từ quốc gia này.
Cà phê cũng giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 6% xuống 1,1585 USD/lb.
Cà phê arabica đã tăng mạnh trong vài ngày trước bởi những rào cản hoạt động tại Brazil liên quan tới virus corona, nhưng các đại lý đang cố gắng điều chỉnh.
Việc sử dụng cà phê arabica sẽ bị ảnh hưởng từ việc chuyển sang tiêu thụ cà phê hòa tan nhiều hơn mà chủ yếu từ robusta.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 32 USD xuống 1.209 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam, quốc gia sản xuất robusta hàng đầu thế giới, trong 3 tháng đầu năm nay có thể giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước xuống 794.000 triệu tấn.
Giá trứng ở Mỹ cao kỷ lục do nhu cầu tăng bởi đại dịch
Nhu cầu trứng gia cầm ở Mỹ tăng khiến giá trứng tăng vọt trong những tuần gần đây, khi người tiêu dùng tranh nhau dự trữ các mặt hàng chủ lực. Giá bán buôn trứng Midwest loại lớn ở mức cao nhất trong lịch sử 3,09 USD một tá đắt gấp 3 lần vào đầu tháng 3, trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Điều đó có thể gây ra hậu quả lớn cho người tiêu dùng vì trứng làm một loại protein rẻ tiền và là nguyên liệu chính cho khoảng 93% hộ gia đình ở Mỹ.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 28/3