Dầu tăng 1%
Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên giao dịch trầm lắng do ngày nghỉ lễ tại Anh và Mỹ sau một tuần ảm đạm bởi triển vọng lãi suất của Mỹ đối mặt với lạm phát khó giải quyết.
Dầu thô Brent giao tháng 7 đóng cửa tăng 1 USD hay 1,2% lên 83,12 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 8 tăng 1,04 USD lên 82,88 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 0,93 USD lên 78,65 USD/thùng.
Trong tuần trước dầu thô Brent giảm 2% và dầu WTI giảm gần 3% sau khi biên bản của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy một số quan chức sẽ sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu xét thấy cần thiết để kiểm soát lạm phát cao cứng đầu.
Số liệu gần đây từ các nền kinh tế phương Tây đã làm thay đổi dự đoán giảm lãi suất tùy thuộc vào địa lý.
Các nhà hoạch định chính sách chủ chốt của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ngân hàng này có khả năng cắt giảm lãi suất khi lạm phát chậm lại nhưng phải dành thời gian để nới lỏng chính sách.
Số liệu lạm phát khu vực đồng euro sẽ được công bố vào thứ sáu (31/5) và các nhà kinh tế tin rằng mức dự kiến lên tới 2,5% không ngăn cản ECB nới lỏng chính sách vào tuần tới.
Chỉ số tiêu dùng cá nhân của Mỹ phát hành trong tuần này dự kiến sẽ là tâm điểm cho những tín hiệu tiếp theo về chính sách lãi suất.
Mọi người cũng chú ý tới cuộc họp sắp tới của OPEC+ diễn ra trực tuyến vào ngày 2/6. Nguồn tin của OPEC+ cho biết việc kéo dài cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày có thể xảy ra.
Goldman Sachs đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2030 và dự kiến mức tiêu thụ sẽ đạt đỉnh vào năm 2034 do khả năng sử dụng xe điện chậm lại, khiến các nhà máy lọc dầu hoạt động ở công suất cao hơn mức trung bình cho đến cuối thập kỷ này.
Vàng tăng 1%
Giá vàng tăng 1% trong phiên đầu tuần sau khi xuống mức thấp nhất 2 tuần trong phiên trước đó khi các nhà đầu tư giảm đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Mỹ.
Vàng giao ngay tăng khoảng 1% lên 2.355,6 USD/ounce sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 tại 2.325,19 USD trong ngày 24/5.
Giá vàng đã đạt kỷ lục 2.449,89 USD/ounce trong tuần trước nhưng đã giảm hơn 100 USD kể từ đó.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang chỉ ra rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự đoán trước đây để lạm phát giảm xuống 2%, theo biên bản cuộc hợp mới nhất của Fed.
Vàng thường được coi là biện phát chống lạm phát, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí giữ vàng.
Các nhà giao dịch hiện nay định giá khoảng 62% khả năng Fed giảm lãi suất trong tháng 11, so với khoảng 63% vào ngày 24/5.
Nhôm tăng
Nhôm Thượng Hải tăng do giá nguyên liệu thô của nhôm tăng và nhu cầu tăng nhanh từ lĩnh vực năng lượng mới.
Hợp đồng nhôm kỳ hạn tháng 7 tại Thượng Hải tăng 0,1% lên 20.910 CNY (2.886,41 USD)/tấn, không xa mức cao nhất hai năm tại 21.610 CNY đã chạm tới trong tuần trước.
Giá nhôm tăng do yếu tố cung cầu mạnh và các quỹ đang mua vào trong năm nay.
Thị trường giao dịch kim loại London đóng cửa vào ngày 27/5.
Yếu tố hỗ trợ giá là nhu cầu nhôm mạnh, đặc biệt tăng nhanh từ lĩnh vực năng lượng mặt trời và xe điện.
Dự trữ nhôm của sàn giao dịch Thượng Hải giảm xuống 211.698 tấn trong ngày cuối tuần trước (24/5), giảm 8,7% so với một tháng trước.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm sau khi một số nhà đầu tư và thương nhân thanh lý các vị thế mua để kiếm lời sau khi đặt cược mức tiêu thụ chững lại trong bối cảnh nhu cầu thép theo mùa giảm ở Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu mặt hàng này.
Trong khi đó xuất khẩu thép trên toàn cầu tăng 8,4% theo tuần lên khoảng 33,27 triệu tấn trong giai đoạn ngày 20 – 26/5 tiếp tục gây sức ép lên giá, theo số liệu từ công ty tư vấn Mysteel.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 1,1% xuống 899 CNY (124,1 USD)/tấn.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 6 giảm 1,16% xuống 119,4 USD/tấn.
Nhu cầu các sản phẩm thép đang giảm theo mùa cũng làm giảm tiêu thụ quặng sắt.
Khoản thua lỗ 22,22 tỷ CNY trong 4 tháng đầu năm của ngành thép cũng ảnh hưởng đến tâm lý, ngay cả khi lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc quay trở lại tích cực trong tháng 4, theo số liệu từ Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, thép thanh giảm 0,61%, thép cuộn cán nóng giảm 0,67%, dây thép cuộn giảm 0,85% trong khi thép không gỉ tăng 0,65%.
Cao su Nhật Bản vượt mức cao nhất hai tháng
Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 4 liên tiếp bởi giá giao ngay tăng và chứng khoán trong nước mạnh.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,6 JPY hay 1,09% (2,14 USD)/kg, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 11/3.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 giảm 65 CNY xuống 14.965 CNY (2.065,73 USD)/tấn.
Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô.
Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tăng do dự báo sản lượng giảm
Giá lúa mì xuất khẩu của Nga tiếp tục tăng do các nhà dự báo cắt giảm ước tính sản lượng bởi thời tiết xấu và tốc độ gieo trồng chậm.
Lúa mì Nga 12,5% protein giao vào cuối tháng 6 giá FOB là 247 USD/tấn, tăng so với 239 USD/tấn vào tuần trước.
Các nhà phân tích tiếp tục hạ dự báo về sản lượng và xuất khẩu vụ mùa này do sương giá trong tháng 5 và hạn hán ở khu vực miền Nam và miền Trung, ngoài ra đất ngập nước ở Siberia vẫn chưa được tính đến.
Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Xuất khẩu của nước này đã tăng lên 1,07 triệu tấn ngũ cốc vào tuần trước, từ mức 1,0 triệu tấn của tuần trước đó. Xuất khẩu bao gồm 0,97 triệu tấn lúa mì , tăng so với 0,79 triệu tấn một tuần trước đó.