Giá dầu tăng
Giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng, do tồn trữ tại Mỹ giảm và việc Nga cắt giảm dòng khí đốt sang châu Âu bù đắp lo ngại nhu cầu yếu và Mỹ tăng lãi suất.
Chốt phiên giao dịch ngày 27/7, dầu thô Brent tăng 2,22 USD tương đương 2,1% lên 106,62 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 2,28 USD tương đương 2,4% lên 97,26 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 4,5 triệu thùng, do xuất khẩu tăng lên mức cao kỷ lục. Đồng thời, nhu cầu xăng của Mỹ tăng 8,5% so với tuần trước, sau khi giảm mạnh trong 2 tuần trước đó.
Ngoài ra, giá dầu tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định như dự kiến tăng lãi suất qua đêm thêm 3/4 điểm phần trăm, trong một nỗ lực nhằm hạ nhiệt lạm phát tăng mạnh nhất kể từ những năm 1980.
Giá khí tự nhiên giảm 3%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 3%, sau khi đạt mức cao nhất 14 năm trong phiên trước đó, do sản lượng khí đốt đạt mức cao kỷ lục và dự báo nhu cầu trong tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York giảm 30,6 US cent tương đương 3,4% xuống 8,687 USD/mmBTU, trong phiên trước đó giá khí tự nhiên đạt 9,752 USD/mmBTU - cao nhất kể từ ngày 7/6/2022.
Giá vàng tăng hơn 1%
Giá vàng tăng hơn 1%, do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản như dự kiến.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1% lên 1.735,49 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.719,1 USD/ounce.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng do kỳ vọng nhu cầu từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – được cải thiện.
Giá đồng trên sàn London tăng 1,1% lên 7.620 USD/tấn, sau khi giảm xuống 6.055 USD/tấn hôm 15/7/2022. Như vậy, giá đồng hồi phục từ mức thấp nhất 20 tháng song vẫn giảm 30% so với mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022, do lãi suất tại nhiều nước tăng mạnh gây suy thoái kinh tế.
Giá quặng sắt và thép đều tăng
Giá quặng sắt tại Đại Liên đạt mức cao mới 2 tuần, sau số liệu cho thấy rằng lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc trong tháng trước tăng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên tăng 2,4% lên 744,5 CNY (110,11 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất (756 CNY/tấn) kể từ ngày 11/7/2022 trong đầu phiên giao dịch.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Singapore tăng 0,3% lên 112,45USD/tấn, sau khi tăng tổng cộng 14% trong 3 phiên trước đó.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,7%, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% song thép không gỉ giảm 1%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, do các thương nhân vẫn thận trọng về suy thoái kinh tế toàn cầu và quyết định tăng lãi suất dự kiến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Osaka giảm 1,4 JPY tương đương 0,6% xuống 238,2 JPY (1,74 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 5 CNY lên 12.125 CNY (1.793 USD)/tấn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu là 3,2% trong năm 2022, giảm so với dự báo 3,6% trong tháng 4/2022, với rủi ro giảm từ lạm phát cao và xung đột Nga - Ukraine có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái.
Giá cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn ICE tăng 5,9 US cent tương đương 2,8% lên 2,191 USD/lb.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London tăng 35 USD tương đương 1,8% lên 2.009 USD/tấn.
Giá đường thô thấp nhất 1 năm
Giá đường thô trên sàn ICE giảm xuống mức thấp nhất 1 năm, chịu áp lực phần lớn bởi sản lượng đường khu vực trung nam Brazil trong nửa đầu tháng 7/2022 cao hơn so với dự kiến.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE giảm 0,07 US cent tương đương 0,4% xuống 17,4 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 1 năm (17,32 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch.
Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London tăng 0,2 USD lên 510,2 USD/tấn.
Giá đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương trên sàn Chicago đạt mức cao nhất 2 tuần, do thời tiết khô nóng kéo dài đến đầu tháng 8/2022 tại các khu vực trung tây Mỹ, đe dọa cây trồng đậu tương đang trong giai đoạn phát triển.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 26-1/4 US cent lên 14,1 USD/bushel, sau khi đạt 14,16-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 12/7/2022 trong đầu phiên giao dịch. Giá ngô tăng 2-1/4 US cent lên 6,03 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giảm 13-1/2 US cent xuống 7,9-1/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ tiếp đà tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng theo xu hướng giá dầu đậu tương tại Mỹ hồi phục và được hậu thuẫn bởi đồng ringgit suy yếu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 0,98% lên 3.824 ringgit (858,17 USD)/tấn. Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu cọ giảm 3,14% song được nâng đỡ bởi giá dầu đậu tương trên sàn Chicago tăng 2,26% và đồng ringgit suy yếu.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 28/7