Dầu tăng
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã hạn chế đà tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 81 US cent tương đương 1,4% lên 59,51 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas tăng 1,24 USD tương đương 2,4% lên 54,93 USD/thùng.
Sau phiên giao dịch, giá dầu tiếp tục tăng trên bảng điện tử, theo đó dầu Brent chạm mức cao 59,88 USD/thùng, còn WTI đạt 55,45 USD. Nguyên nhân bởi Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Cụ thể, tồn trữ dầu Mỹ tuần qua đã giảm 11,1 triệu thùng, vượt xa mức dự đoán là giảm 2 triệu thùng.
Bạc đạt 18 USD/ounce, vàng cũng tăng
Phiên giao dịch vừa kết thúc, giá vàng tăng hơn 1% do lo ngại kinh tế rơi vào suy thoái sau những số liệu gây thất vọng về kinh tế Mỹ và bất đồng thương mại Mỹ - Trung ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, giá bạc đạt 18 USD/ounce lần đầu tiên rong vòng gần 2 năm.
Kết thúc phiên, vàng giao ngay tăng 1% lê 1.540.57 USD/ounce, gần sát mức cao nhất kể từ tháng 4/2013 đạt được ở phiên liền trước (1.554,56 USD/ounce). Vàng kỳ hạn tháng 9/2019 tăng mạnh từ 1.527,2 USD/ounce lên 1.541,4 USD/ounce, kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 1% lên 1.551,8 USD/ounce.
Bạc giao ngay tăng giá phiên thứ 3 liên tiếp, thêm 3% đạt 18,15 USD/ounce; đầu phiên vừa qua có lúc đạt 18,20 USD, cao nhất kể từ đầu tháng 9/2017. Các nhà phân tích cho biết giá bạc đang bám đuổi theo sát giá vàng.
Bạch kim và palađi cũng tăng giá trong phiên vừa qua, thêm lần lượt 1,3% đạt 865,04 USD/ounce và 0,6% đạt 1.482,63 USD/ounce.
Đường cong lợi suất của Mỹ tiếp tục giảm sâu và đảo ngược trong ngày hôm qua, đúng lúc niềm tin tiêu dùng của Mỹ chạm mức thấp nhất 8 tháng và giá nhà tăng thấp nhất trong vòng gần 7 năm chứng tỏ nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đang đến rất gần.
Sắt thép giảm hơn 3%
Giá thép tại Trung Quốc đã giảm trên 3% trong phiên vừa qua, mức giảm mạnh nhất trong vòng 9 tháng,do lo ngại nhu cầu thấp triền miên. Thị trường nhà đất Trung Quốc dự báo sẽ tăng chậm lại từ nay tới cuối năm.
Kết thúc phiên, thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải giảm 3,3% xuống 3.561 CNY (502,06 USD)/tấn, giảm nhiều nhất kể từ 26/11/2018. Thép cây giảm 3,7% xuống 3.281 CNY/tấn, cũng là phiên giảm nhiều nhất trong vòng 9 tháng.
Giá thép tham chiếu tại Thượng Hải đã giảm 10 -13% kể từ tháng 7/2019 do nhu cầu yếu (theo mùa) và triển vọng tiêu thụ kém do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Thép giảm giá kéo sắt giảm theo. Quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Đại Liên – hợp đồng được giao dịch nhiều nhất – giảm 3,1% trong phiên vừa qua, xuống 586 CNY/tấn, tính từ đầu quý tới nay giảm 15%, sau 5 quý liên tiếp tăng.
Sản lượng thép thô toàn cầu tháng 7/2019 tăng 1,7% so với cùng tháng năm ngoái, lên 157 triệu tấn, trong đó sản lượng của Trung Quốc – nước sản xuất thép lớn nhất thế giới – đạt 82,5 triệu tấn, tức là cao hơn 5% so với tháng 7/2018.
Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc phiên vừa qua hồi phục nhẹ lên 87,5 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất gần 5 tháng vào tuần trước (86,5 USD/tấn). Trên sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 2,7% xuống 81,44 USD/tấn.
Lượng quặng sắt lưu giữ tại các kho ở cảng biển Trung Quốc tăng 6 tuần liên tiếp, hiện đạt 124,65 triệu tấn, theo số liệu của SteelHome. Đây là mức cao nhất kể từ cuối tháng 5/2019.
Đồng vững nhưng lo ngại nhu cầu yếu giữ giá ở mức thấp nhất gần 2 năm
Giá đồng vững trong phiên vừa qua so với phiên giao dịch trước đó (ngày 23/8/2019) (ngày 26/8/2019 thị trường London đóng cửa nghỉ lễ), nhưng vẫn gần thấp nhất 2 năm do lo ngại hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc suy yếu bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London có giá 5.682 USD/tấn, tăng nhẹ 0,9% so với phiên 23/8/2019 – khi giá chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017 là 5.624,5 USD/tấn.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 7/2019 tăng 4,8%, thấp nhất trong vòng 17 năm. Trung Quốc chiếm khoảng một nửa tổng nhu cầu đồng toàn cầu.
Thiếc thấp nhất 27 tháng, kẽm thấp nhất 22 tháng
Giá thiếc trên sàn London phiên vừa qua có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016, là 15.565 USD/tấn, do nhu cầu yếu đi từ các công ty điện tử (dùng thiếc trong các mối hàn) và trong các ngành ắc quy cũng như hóa chất.
Thiếc kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London đã giảm 0,9% xuống 15.750 USD/tấn vào lúc đóng cửa.
Kẽm – dùng trong ngành mạ kim loại phiên vừa qua có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016, là 2.221 USD/tấn, mặc dù sau đó hồi phục nhẹ để kết thúc ở mức tăng 0,9% lên 2.274 USD/tấn.
Nickel tăng tiếp
Giá nickel – nguyên liệu trong sản xuất thép – đã tăng 0,3% trong phiên vừa qua, lên 15.700 USD/tấn. Nickel đã vượt xa các kim loại khác trong năm nay khi tăng tới 50% bởi nhu cầu vững và lo ngại nguồn cung bị gián đoạn.
Chênh lệch giá giữa hợp đồng giao ngay với hợp đồng giao sau 3 tháng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, là 70 USD/tấn, từ mức âm 10 USD/tấn cách đây hai năm.
Đường thấp nhất 11 tháng
Gía đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 đã giảm 0,19 US cent tương đương 1,7% xuống 11,24 US cent/lb vào cuối phiên vừa qua, sau khi có lúc chỉ 11,16 US cent, thấp nhất kể từ 1/10/2018. Đây là phiên thứ 6 giá giảm trong vòng 7 phiên vừa qua. Nguyên nhân do đồng real Brazil trượt giá so với USD, hiện ở mức thấp nhất gần 1 năm. Dự đoán sản lượng đường Ấn Độ sẽ không thấp như đánh giá ban đầu nhờ mưa đến cải thiện tình trạng thiếu nước cũng góp phần gây áp lực giảm giá đường.
Đối với mặt hàng đường trắng, giá kỳ hạn tháng 10/2019 cũng giảm 4,3 USD tương đương 1,4% xuống 306,10 USD/tấn, sau khi có lúc chỉ 305,2 USD/tấn.
Đậu tương, ngô giảm do lo ngại căng thẳng thương mại; lúa mì tăng
Giá đậu tương trên sàn Chicago giảm 1% xuống 8,59-1/4 USD/bushel, ngô giảm 0,6% xuống 3,66-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì tăng 0,5% lên 4,76-3/4 USD/bushel. Vụ mùa ngũ cốc của Mỹ đang tiến triển rất tốt, hứa hẹn sản lượng sẽ tăng.
Tỏi Ấn Độ giá tăng 55%, tỏi Trung Quốc giảm thị phần
Giá tỏi bán lẻ tại Ấn Độ đã tăng 55% kể từ tháng 6/2019 tới nay, do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung giảm dần mà mùa Đông lại sắp đến.
Số liệu từ Ban Làm vườn Quốc gia Ấn Độ (National Horticulture Board (NHB) cho thấy, giá tỏi tại Delhi đã tăng 55% đạt 170 rupee/kg trong ngày 26/8/2019, từ mức 110 rupee hồi đầu tháng 6/2019. Trong khi đó tại Mumbai, giá bán lẻ lên tới 200 rupee/kg. Một năm trước đây, giá bán lẻ tỏi chỉ khoảng 40 – 60 rupee/kg, trong khi giá bán buôn 20-30 rupee/kg.
Nhu cầu tỏi tại Ấn Độ đột ngột tăng mạnh trong mấy tuần qua, kể cả ở những thị trường như Maharashtra và Gujarat. Ngoài ra, các thương gia Ấn Độ cho biết, nhu cầu từ các thị trường nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, cũng tăng mạnh, vừa để làm thực phẩm, vừa dùng làm thuốc.
Trong khi đó, thị phần xuất khẩu tỏi của Trung Quốc năm nay giảm 30% do giá quá cao. Hiện tỏi đỏ tại nước này có giá khoảng 5,4 CNY/kg, trong khi tỏi trắng là 6,2 CNY/kg. Một số thương gia cho biết giá cao là do hoạt động đầu cơ, bởi sản lượng tỏi năm nay cao hơn khoảng 20 – 30% so với năm ngoái, thậm chí nhiều thương nhân vẫn còn tỏi vụ 2018 chưa bán hết.
Dự báo giá tỏi tại Trung Quốc sẽ còn duy trì cao cho đến tháng 9/2019, và lượng giao dịch không nhiều. Đến tháng 2/2019, các kho dự trữ sẽ có thêm tỏi của vụ mới (tỏi thường được bắt đầu trữ trong kho lạnh từ tháng 8 hàng năm).
Giá tỏi của Trung Quốc tăng làm giảm khả năng cạnh tranh của tỏi Trung Quốc so với các nước khác như Tây Ban Nha, Pháp, Argentina… trên thị trường quốc tế. Được biết, khách hàng quốc tế thường thích tỏi Tây Ban Nha hơn tỏi Trung Quốc. Do giá cao, thị phần tỏi của Trung Quốc ở nước ngoài đã giảm 30%.
Giá một số mặt hàng sáng ngày 28/8