Dầu tăng hơn 1%
Giá dầu thô tăng hơn 1% sau khi tồn kho sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm mạnh và các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động ở mức cao nhất trong hơn 1 năm, làm dấy lên hy vọng nhu cầu nhiên liệu đang tăng tại nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này.
Tổ chức OPEC+, gồm OPEC và các đồng minh, trong ngày 27/4 đã quyết định tuân theo kế hoạch nới lỏng từng giai đoạn việc hạn chế sản xuất dầu từ tháng 5 tới tháng 7, một dấu hiệu cho thấy tổ chức này tin tưởng rằng nhu cầu toàn cầu sẽ phục hồi.
Chốt phiên 28/4, dầu thô Brent tăng 85 US cent hay 1,3% lên 67,27 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 92 US cent hay 1,5% lên 63,86 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ tồn kho dầu thô của nước này tăng 90.000 thùng trong tuần trước, ít hơn nhiều so với dự báo tăng 659.000 thùng của các nhà phân tích.
Tồn kho sản phẩm chưng cất, gồm dầu đốt và dầu diesel giảm 3,3 triệu thùng trong tuần này, và công suất lọc dầu tăng lên 85,4%, cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong một báo cáo của các chuyên gia OPEC+ hồi đầu tuần, tổ chức này dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày, sau khi nhu cầu giảm 9,5 triệu thùng/ngày trong năm ngoái trong bối cảnh đại dịch.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết họ dự kiến nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh nhất trong lịch sử ở mức 5,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng tới, do chiến dịch tiêm chủng tăng tốc ở Châu Âu và nhu cầu đi lại tăng lên.
Ngân hàng này cho biết việc hạn chế đi lại quốc tế được nới lỏng trong tháng 5 sẽ tăng nhu cầu nhiên liệu bay 1,5 triệu thùng/ngày.
Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, tổng số người chết vì Covid-19 đã vượt 200.000 và số người nhiễm mỗi ngày vượt 300.000 trong một tuần.
Khí tự nhiên của Mỹ tiếp tục tăng
Khí tự nhiên của Mỹ tăng lên mức cao mới trong 9 tuần do xuất khẩu kỷ lục và sản lượng giảm nhẹ.
Các thương nhân cũng cho biết thời tiết lạnh hơn bình thường trong tháng 4 vào tuần trước có thể thúc đẩy nhu cầu sưởi.
Khí tự nhiên giao tháng 5 đóng cửa tăng 5,2 US cent hay 1,8% lên 2,925 USD/mmBtu, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 22/2.
Vàng diễn biến trái chiều
Giá vàng giao ngay tăng do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ giữ lãi suất không đổi và tái khẳng định chính sách hỗ trợ để tiếp tục sự phục hồi kinh tế.
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.780,56 USD/ounxe, trước đó giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 16/4 tại 1.762 USD. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.773,9 USD/ounce.
Fed giữ lãi suất và chương trình mua trái phiếu ổn định sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, đồng ý về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhưng không cho thấy họ sẵn sàng giảm hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đảo chiều sau khi tăng lên mức cao nhất 2 tuần trước đó, làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Trong khi vàng được xem như một sự phòng hộ chống lại lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng và đẩy vàng giảm 6% từ đầu năm tới nay.
Trong khi đó Goldman Sachs dự kiến giá vàng ở mức 2.000 USD/ounce trong 6 tháng tới và cho biết còn quá sớm để bitcoin có thể cạnh tranh với vàng về nhu cầu trú ẩn an toàn.
Đồng giảm
Giá đồng giảm từ mức cao nhất 10 năm trước thông báo chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ, nhưng các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã dự đoán đợt tăng giá lên mức kỷ lục.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đã giảm 0,3% xuống 9.884,5 USD/tấn sau khi đạt 9.965 USD trong ngày 27/4, cao nhất kể từ năm 2011.
Giá tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 3/2020 do kinh tế thế giới phục hồi làm tăng khả năng thiếu hụt nguồn cung đồng.
Nhà phân tích tại Commerzbank cho biết chỉ là câu hỏi về thời gian trước khi giá đồng vượt mức tâm lý quan trọng 10.000 USD, và mức cao kỷ lục là 10.190 USD sẽ có thể bị phá vỡ ngay sau đó.
Goldman Sachs dự báo đồng sẽ đạt trung bình 9.675 USD/tấn trong năm 2021 và 11.875 USD/tấn trong năm 2022 và 12.000 USD/tấn trong năm 2023.
Mối đe dọa đình công tại các mỏ đồng ở Chile đã giảm bớt sau khi nước này cho phép giảm tiền lương hưu một lần nữa làm hài lòng người lao động.
Nguồn cung dồi dào trong năm tới và trong năm 2023 khiến thị trường cân bằng, nhưng các công ty khai thác mỏ cần bắt đầu đầu tư vào công suất mới hiện nay để đáp ứng sự phục hồi trong tăng trưởng nhu cầu.
Quặng sắt Trung Quốc thoái lui từ mức đỉnh
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm sau khi đạt đỉnh cao trong lịch sử ở phiên trước đó do dự đoán kiểm soát giá và việc hạn chế sản lượng thép.
Hiệp hội sắt thép Trung Quốc cho biết giá quặng sắt tăng nhanh chóng là không hợp lý, ngành công nghiệp này nên tăng cường khai thác nguồn lực cả trong và ngoài nước và cũng cải thiện các quy định cho thị trường kỳ hạn.
Trong khi đó, bộ Tài nguyên của nước này đã cam kết sẽ cử hội đồng cụ thể đến lĩnh vực sắt và tăng cường giám sát, hỗ trợ, không đề cập tới nhà máy hay địa điểm họ sẽ đến.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1% xuống 1.139 CNY (175,59) USD/tấn.
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc tăng 4 USD lên 194,5 USD/tấn trong ngày 27/4, theo công ty tư vấn SteelHome.
Các thành phần sản xuất thép khác đều sụt giảm.
Thép thanh tại Thượng Hải giao tháng 10 giảm 0,7% xuống 5.358 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng giảm 1% xuống 5.691 CNY/tấn. Thép không gỉ giao tháng 6 tăng 2,2% lên 14.660 CNY/tấn.
Đường giảm gần 4%
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,64 US cent hay 3,6% xuống 17,3 US cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường này xuất hiện việc mua quá nhiều sau khi giá tăng gần đây, bổ sung rằng sự suy yếu trong đầu phiên giao dịch này đã kích hoạt một số lệnh bán trên bảng điện tử khi các nhà đầu tư chốt lời. Một số nhà đầu tư rời khỏi hợp đồng này trước khi nó đáo hạn vào ngày 30/4.
Commerzbank cho biết các nguồn cung đã cải thiện trong mùa này từ các nhà sản xuất quan trọng Liên minh Châu Âu, Ấn Độ và Thái Lan sẽ khiến thị trường ở vị trí cân bằng, mặc dù tình trạng hạn hán kéo dài ở Brazil đang làm gia tăng lo lắng.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 17,7 USD hay 3,7% xuống 462,7 USD/tấn.
Cà phê thay đổi ít
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 thay đổi ít tại 1,4585 USD/lb.
Bất chấp dự đoán sản lượng giảm tại nhà sản xuất hàng đầu Brazil, tồn kho cà phê arabica trên sàn ICE tiếp tục tăng trong 3 ngày qua, hướng tới 2 triệu bao.
Starbucks không đạt doanh số ước tính trong quý, khiến cổ phiếu giảm 2%, mặc dù chuỗi quán cà phê đã nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm khi kỳ vọng nhiều khác hàng sẽ trở lại.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 7 USD hay 0,5% lên 1.468 USD/tấn.
Đậu tương, lúa mì giảm
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm, bất chấp sự gia tăng ban đầu với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 và hợp đồng kỳ hạn tháng 7 bởi việc chốt lời.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 5-3/4 US cent xuống 15,13-3/4 USD/bushel.
Lúa mì CBOT vụ đông mềm đỏ kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 10 US cent xuống 7,22-3/4 USD/bushel. Loại vụ đông cứng đỏ cùng kỳ hạn giảm 14-3/4 US cent xuống 6,96-1/2 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 29/04