Giá dầu thô Brent bật tăng 2,3%
Giá dầu thô Mỹ giảm khoảng 3% do tồn trữ trong nước dự kiến sẽ tăng lên gần mức cao kỷ lục, trong bối cảnh kho lưu trữ thiếu hụt ngay cả khi kế hoạch cắt giảm sản lượng trong đại dịch Covid-19.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/4, dầu thô Brent tăng 47 US cent tương đương 2,3% lên 20,46 USD/thùng, sau khi giảm 6,8% trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu thô Tây Texas WTI giảm 44 US cent tương đương 3,4% xuống 12,34 USD/thùng, trong phiên trước đó giá giảm 25%.
Giá dầu thô Mỹ chịu áp lực giảm bởi tồn trữ dầu thô của nước này dự kiến sẽ tăng gần 11 triệu thùng trong tuần trước – tuần tăng thứ 14 liên tiếp – trong khi tồn trữ các sản phẩm tinh chế cũng tăng. Trong tuần trước, tồn trữ dầu thô tăng 15 triệu thùng lên 518,6 triệu thùng, gần mức cao kỷ lục 535 triệu thùng trong năm 2017.
Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ do kỳ vọng nhu cầu dầu trên thế giới sẽ hồi phục trở lại, khi các chính phủ tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế liên quan đến virus corona, song Anh cho rằng quá nguy hiểm để nới lỏng do lo sợ dịch bệnh bùng phát lần thứ 2.
Giá khí tự nhiên giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm do dự báo dài hạn chính phủ sẽ đóng cửa để ngăn chặn virus corona lây lan khiến nhu cầu nhiên liệu trong nước suy giảm và cắt giảm xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn New York giảm 2,5 US cent tương đương 1% xuống 1,794 USD/mmBTU.
Giá khí tự nhiên giảm bất chấp sản lượng giảm chậm lại khi các nhà khoan dầu đá phiến đóng cửa do giá dầu thô giảm.
Giá vàng thấp nhất 1 tuần
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do các nhà đầu tư bán ra chốt lời và một số quốc gia có kế hoạch nới lỏng các hạn chế bởi virus corona.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,7% xuống 1.702,4 USD/ounce, sau khi giảm mạnh 1,4% trong đầu phiên giao dịch và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 0,1% xuống 1.722,2 USD/ounce.
Số liệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 6 năm trong tháng 4/2020 và đại dịch đã hạn chế dòng hàng hóa giữa các quốc gia, với xuất khẩu của Mỹ giảm và nhập khẩu từ các quốc gia khác tiếp tục giảm.
Giá đồng duy trì vững
Giá đồng duy trì vững khi thị trường tập trung vào hoạt động kinh tế bị đình trệ và nhu cầu giảm do khủng hoảng virus corona, song một số công ty khai thác lớn cắt giảm sản lượng đã hỗ trợ giá.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,3% lên 5.214 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 6 tuần (5.269 USD/tấn) trong phiên trước đó. Tính đến nay, giá đồng tăng 20% kể từ mức thấp nhất 4 năm (4.371 USD/tấn) trong ngày 19/3/2020.
Các nhà phân tích thuộc Refinitiv cắt giảm dự báo sản lượng đồng khai thác toàn cầu năm 2020 thêm 2,4% xuống 19,6 triệu tấn. Năm ngoái, sản lượng đồng khai thác đạt 20,36 triệu tấn.
Giá cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm do giá dầu thô giảm và lo ngại về nhu cầu suy yếu bởi đại dịch virus corona.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM giảm 0,9 JPY xuống 150,6 JPY (1,41 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải giảm 105 CNY xuống 9.890 CNY (1.396 USD)/tấn.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn SICOM giảm 2,9% xuống 105,6 US cent/kg.
Giá đường tăng trở lại, cà phê tăng
Giá đường tăng trở lại sau khi chạm mức thấp nhất 12,5 năm, do triển vọng sản lượng đường Brazil đạt mức cao kỷ lục và nhu cầu tại Ấn Độ suy giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 0,13 US cent tương đương 1,4% lên 9,34 US cent/lb, trước đó trong phiên chạm 9,05 US cent/lb, thấp nhất kể từ tháng 9/2007. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 4,2 USD tương đương 1,4% lên 311,7 USD/tấn.
Đồng thời, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE tăng 1,4 US cent tương đương 1,3% lên 1,076 USD/lb, rời khỏi mức thấp nhất 1 tháng (1,059 USD/lb) trong phiên trước đó và đầu phiên giao dịch. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London tăng 30 USD tương đương 2,6% lên 1.180 USD/tấn.
Giá ngô và đậu tương giảm, lúa mì tăng
Giá ngô và đậu tương tại Mỹ giảm do nhu cầu yếu.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 1-1/4 US cent xuống 3,12 USD/bushel, chỉ cao hơn mức thấp nhất 10,5 năm trong tuần trước đó. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 4-1/2 US cent xuống 8,32 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 1-1/4 US cent lên 5,26 USD/bushel.
Giá dầu cọ vẫn thấp nhất 9 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 3 liên tiếp xuống mức thấp nhất 9 tháng, do giá dầu thô và dầu đậu tương suy yếu bởi virus corona bùng phát khiến nhu cầu giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Bursa Malaysia giảm 15 ringgit tương đương 0,74% xuống 2.003 ringgit (458,88 USD)/tấn. Trong phiên trước đó, giá dầu cọ giảm gần 3% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 23/7/2019.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 29/4