Dầu tăng giá
Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng do dự đoán OPEC+ sẽ duy trì việc cắt giảm nguồn cung dầu thô tại cuộc họp vào ngày 2/6, trong mùa đi lại ở Mỹ bắt đầu và USD yếu hơn cũng thúc đẩy mặt hàng này.
Chốt phiên 28/5, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7 tăng 1,12 USD hay 1,4% lên 84,22 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 2,11 USD hay 2,7% lên 79,83 USD/thùng.
Đối với cuộc họp trực tuyến của OPEC+ vào ngày chủ nhật, các thương nhân và nhà phân tích dự kiến tổ chức này sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày.
USD giảm 0,1% xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần.
Những lo ngại về lãi suất của Mỹ tiếp tục tăng trong thời gian dài hơn góp phần khiến giá dầu thô giảm vào tuần trước. Lãi suất tăng làm tăng chi phí đi vay, điều này có thể làm giảm hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Mỹ, thước đo lạm phát chính của Cục Dự trữ Liên bang, công bố vào thứ sáu (ngày 31/5).
Số liệu du lịch hàng không cũng thúc đẩy giá dầu, với số ghế của Mỹ trên các chuyến bay nội địa trong tháng 5 tăng 5% so với tháng trước đó và tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước lên trên 90 triệu ghế, vượt mức năm 2019.
Xung đột tiếp tục ở Trung Đông cũng thúc đẩy giá dầu.
Vàng tăng do USD yếu
Giá vàng tăng được hỗ trợ bởi USD yếu khi nhà đầu tư mong đợi số liệu lạm phát của Mỹ công bố cuối tuần này để có thêm dấu hiệu rõ ràng hơn về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.357,44 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 0,9% lên 2.356,5 USD/ounce.
USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.
Nhà đầu tư đang định giá khoảng 63% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11. Lãi suất giảm làm chi phí giữ vàng.
Nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng trong hai năm khi họ đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ của mình.
Đồng tiếp tục tăng
Giá đồng tăng do khả năng cắt giảm lãi suất, USD yếu hơn và một số dữ liệu mạnh từ Trung Quốc đã khuyến khích việc mua vào, nhưng tồn kho tăng và sản lượng của kim loại này tại Trung Quốc cho thấy nguồn cung dồi dào.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,9% lên 10.516 USD/tấn. Kim loại này đạt mức cao kỷ lục trên 11.100 USD/tấn vào tuần trước do nhà đầu cơ và nhà đầu tư dự đoán trăng trưởng nhu cầu sẽ tăng tốc.
Việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp tăng trưởng kinh tế, trong khi đồng USD yếu hơn khiến các kim loại định giá bằng đồng bạc xanh này rẻ hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác, thúc đẩy nhu cầu.
Các thương nhân cũng cho biết lợi nhuận công nghiệp mạnh mẽ ở Trung Quốc là một lý do đằng sau đồng tăng giá.
Phần lớn hoạt động mua đồng kể từ đầu tháng 3 đều dựa trên ý tưởng mức tiêu thụ vượt xa nguồn cung do các lĩnh vực tăng trưởng bao gồm xe điện, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Dựa trên số liệu hàng ngày, sản lượng đồng trung bình của Trung Quốc ở mức 38.000 tấn trong tháng 4.
Dự trữ đồng của sàn giao dịch Thượng Hải ở mức 290.376 tấn gần cao nhất 4 năm.
Quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất một tuần
Giá quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần sau khi tăng trước đó trong phiên, do nhà đầu tư thận trọng khi nhu cầu thép vẫn yếu tại Trung Quốc, nước tiêu dùng hàng đầu bất chấp các biện pháp kích thích bất động sản mới nhất.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc tăng trong phiên buổi sáng và đóng cửa ngày giao dịch giảm 2,11% xuống 882,5 CNY (121,78 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 20/5.
Các thành phần sản xuất thép khác trên sàn Đại Liên giảm, than luyện cốc và than cốc lần lượt giảm 4,08% và 1,59%.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, thép thanh giảm 0,56%, thép cuộn cán nóng giảm 0,33%, dây thép cuộn giảm 0,52% trong khi thép không gỉ tăng 0,1%.
Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 5
Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 5, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất trong hơn hai tháng, do giá nguyên liệu thô tăng thúc đẩy nhu cầu mua vào từ các quỹ.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 5,2 JPY hay 1,56% lên 338,6 JPY (2,16 USD)/kg, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ giữa tháng 3. Trước đó trong phiên có lúc giá tăng khoảng 3,06% lên 343,6 JPY.
Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 9 tăng 185 CNY lên 15.175 CNY (2.094,06 USD)/tấn.
Giá nguyên liệu thô tại nhà sản xuất hàng đầu Thái Lan tăng mạnh trong phiên sáng 28/5, các nhà máy chào giá cao hơn thị trường 2 – 3 baht.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 1,7% lên 18,73 US cent/lb. Hợp đồng này đã giảm xuống mức thấp nhất 18 tháng tại 17,95 US cent vào ngày 16/5.
Các đại lý cho biết tốc độ ép mía mạnh mẽ tại Trung Nam Brazil đã đẩy thị trường vào thế phòng thủ.
Tổ chức Unica dự kiến công bố dữ liệu sản lượng đường và mía tại Trung Nam Brazil trong nửa đầu tháng 5 vào tuần này.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 7,6 USD hay 1,4% lên 553,50 USD/tấn.
Pháp, nhà sản xuất đường lớn nhất Liên minh Châu Âu đã sản xuất 4,2 triệu tấn đường trắng trong niên vụ 2023/24, tăng 5,8% so với niên vụ trước nhưng vẫn thấp hơn 1% so với mức trung bình 4 liên vụ trước.
Cà phê tăng
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 228 USD hay 5,9% lên 4.120 USD/tấn.
Thị trường này được hỗ trợ bởi các báo cáo sản lượng robusta của Brazil thấp hơn dự kiến, trong khi cũng có những lo ngại về mưa gần đây không đủ để ngăn chặn thiệt hại cho mùa vụ ở Việt Nam sau tình trạng hạn hán trước đó trong niên vụ này.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 5,8% lên 2,3095 USD/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 4 tuần tại 2,3020 USD.
Lúa mì tiếp tục tăng, ngô, đậu tương giảm
Giá lúa mì tại Chicago tăng lên mức cao nhất 10 tháng do dự kiến sản lượng giảm tại Nga. Đậu tương giảm do khả năng cạnh tranh của bột đậu nành Mỹ kém, trong khi hợp đồng ngô giảm do thời tiết trồng trọt ở Mỹ cải thiện.
Lúa mì trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa tăng 3 US cent lên 7,00-1/4 USD/bushel.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 giảm 2-1/4 US cent xuống 4,62-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương giảm 18-1/2 US cent xuống 12,29-1/2 USD/bushel.