Giá dầu Brent cao nhất 2 năm do triển vọng nhu cầu mạnh mẽ
Giá dầu tăng mạnh hơn 5% trong phiên cuối tuần, trong đó dầu Brent - tham chiếu cho thị trường toàn cầu đạt mức cao kỷ lục chưa từng có trong vòng 2 năm qua, do những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm dấy lên kỳ vọng nhu cầu trên toàn cầu sẽ hồi phục.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng17 US cent, tương đương 0,2%, lên 69,63 USD/thùng, là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Tuy nhiên, giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 53 US cent, tương đương 0,79%, xuống 66,32 USD/thùng.
Các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi lên gần 100 triệu thùng/ngày trong quý 3, là mùa du lịch Hè ở châu Âu và Mỹ, sau các chương trình tiêm chủng COVID-19 được triển khai rộng rãi.
Tuy nhiên, triển vọng Iran sẽ tăng xuất khẩu dầu mỏ đã hạn chế đà tăng của giá dầu.
Vàng vượt 1.900 USD do lạm phát của Mỹ tăng
Giá vàng đảo chiều tăng trong phiên vừa qua, vượt mức 1.900 USD/ounce sau khi dữ liệu từ Mỹ cho thấy giá tiêu dùng tăng trong tháng 4, khiến vàng lại trở nên hấp dẫn với vai trò phòng ngừa lạm phát.
Theo đó, giá vàng giao ngay phiên này tăng 0,3% lên 1.902,27 USD/ounce, mặc dù trong phiên có lúc giảm 0,8%. Tính chung cả tuần, giá đã tăng tuần thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,1%.
Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 0,4% trong cùng phiên, lên 1.905,3 USD/ounce.
Giá tiêu dùng của Mỹ tháng 4 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đây là thước đo lạm phát của Mỹ và có tầm ảnh hưởng lớn đến thế giới.
Đồng tăng do lạm phát Mỹ cao
Giá đồng hồi phục trong phiên cuối tuần khi các nhà đầu tư đặt cược rằng những kế hoạch chi tiêu của Mỹ cho cơ sở hạ tầng sẽ gây thiếu hụt nguyên liệu. Hy vọng này át đi nỗi lo về việc nhu cầu của Trung Quốc đang yếu dần.
Kết thúc phiên này, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,6% lên 10.283,50 USD/tấn, xóa đi toàn bộ mức giảm lúc đầu phiên.
Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng đã tăng 31%, ngày 10/5 vừa qua đã đạt mức cao kỷ lục 10.747,50 USD/tấn.
Quặng sắt, thép tăng
Giá quặng sắt tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên ở mức 1.063 CNY (166,79 USD)/tấn, tăng 4,1% so với đóng cửa phiên trước, trong phiên có thời điểm đạt 1.074,5 CNY (168,51 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore phiên này cũng kết thúc ở mức tăng 1,1% lên 185 USD/tấn, sau khi có thời điểm đạt 186 USD/tấn.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, giá quặng sắt vẫn giảm hơn 5% do những mất mát quá lớn ở những phiên đầu tuần. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp giá nguyên liệu thép này sụt giảm bởi lo ngại việc Trung Quốc kiểm soát giá hàng hóa.
Giá thép cũng tăng trong phiên cuối tuần, theo đó thép thanh vằn kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải tăng 4,1%, thép cuộn cán nóng tăng 4,9%.
Cao su giảm từ mức cao nhất 3 tuần
Giá cao su thiên nhiên giảm trong phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần vẫn tăng.
Cụ thể, trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 11 giảm 1,1 JPY (0,4%) so với phiên liền trước, xuống 254,3 JPY (2,3 USD)/kg vào lúc đóng cửa phiên giao dịch. Trong phiên, có thời điểm giá đạt mức cao kỷ lục 3 tuần, là 261 JPY/kg. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần giá vẫn tăng 1,2%. Giá cao su kỳ hạn giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua kết thúc ở 13.660 CNY (2.143 USD)/tấn, trước đó trong cùng phiên có thời điểm giá đạt 13.975 CNY/tấn.
Thị trường cao su được kích thích bởi những dữ liệu kinh tế mạnh mẽ phát đi từ Mỹ và thông tin cho biết Ngân hàng trung ương Nhật bản sẽ duy trì các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát.
Ngô, lúa mì và đậu tương giảm
Giá ngô giảm trong phiên cuối tuần sau khi hồi phục mạnh ở phiên liền trước - do nhu cầu mạnh từ Trung Quốc. Những người tham gia thị trường đã điều chỉnh vị trí các hợp đồng trước kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài hơn bình thường (thị trường Mỹ sẽ đóng cửa giao dịch vào thứ Hai tới).
Giá lúa mì và đậu tương phiên này cũng giảm giá, riêng lúa mì vụ Xuân trên sàn Minneapolis tăng do phần lớn khu vực Trung Tây nước Mỹ hứng chịu đợt giá lạnh.
Kết thúc phiên giao dịch trên sàn Chicago, giá ngô Mỹ đã giảm 7-3/4 US cent xuống 6,56-3/4 USD/bushel, tính chung cả tuần giảm 2-3/4 cent.
Giá lúa mì phiên này cũng giảm 12-3/4 cent xuống còn 6,63-1/2 USD/bushel, tính chung cả tuần giảm 10-3/4 cent và là tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Giá đậu tương giảm 6-1/2 cent xuống còn 15,30-1/2 USD/bushel, song tính chung cả tuần tăng 4-1/4 US cent.
Cà phê tăng 4,5%
Giá cà phê arabica tiếp tục tăng do thời tiết khô hạn ở Brazil.
Theo đó, Arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 7 US cent, tương đương 4,5%, lên mức 1,6235 USD/lb vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 1,6315 USD, cao nhất trong vòng 4,5 năm, do triển vọng sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ giảm đáng kể bởi thời tiết khô hạn, đúng vào chu kỳ cây cà phê cho sản lượng thấp. Thậm chí khô hạn bây giờ có thể làm giảm sản lượng trong cả vụ mùa tới.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 phiên này cũng tăng 66 UDD, tương đương 4,4%, lên 1.583 USD/tấn.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,24 US cent (1,4%) lên 17,36 US cent/lb vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất 2 tuần, là 17,69 US cent.
Tuy nhiên, triển vọng dư thừa đường trên toàn cầu trong niên vụ 2021/22 cản trở đà tăng.
Giá đường trắng kỳ hạn giao tháng 8 trong phiên này cũng tăng 2,10 USD, tương đương 0,5%, lên 459,60 USD/tấn.
Dầu cọ và dầu đậu tương tăng
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tham chiếu tăng 2,53% trong phiên cuối tuần, hồi phục mạnh sau phiên giảm trước đó, do ảnh hưởng tích cực từ việc giá đậu tương trên sàn Chicago tăng ở phiên liền trước.
Dầu cọ kỳ hạn giao tháng 8 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 4.015 ringgit (971,68 USD)/tấn vào lúc kết thúc phiên. Tính chung cả tuần, giá tăng 0,6%, sau khi giảm 11,43% trong tuần trước – mức giảm mạnh nhất trong một năm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 29/5