Dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu diễn biến trái chiều do lo lắng về sự bùng phát của virus corona mới đồng thời số liệu cho thấy tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng đã gây áp lực cho giá, cân bằng với việc OPEC có thể gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng.
Chốt phiên ngày 29/1, dầu thô Brent tăng 30 US cent hay 0,5% lên 59,81 USD/thùng, dầu thô Tây Texas WTI lại giảm 15 US cent hay 0,3% xuống 53,33 USD/thùng.
Hầu hết các hàng hóa phụ thuộc vào tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu đã bị ảnh hưởng của việc bùng phát virus. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất thế giới đối với nhiều loại hàng hóa từ dầu thô, nhiên liệu tới đồng và quặng sắt.
Các hãng hàng không lớn như American Airlines, British Airways và Lufthansa đã đình chỉ tất cả các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Trung Quốc đại lục, nhu cầu nhiên liệu bay cũng giảm tại Châu Á do các hãng hàng không hủy chuyến.
OPEC và các đồng minh, bao gồm Nga đang cố gắng ổn định giá dầu trong bối cảnh các câu hỏi về triển vọng nhu cầu toàn cầu và nguồn cung tăng, đặc biệt từ Mỹ.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ tồn trữ dầu thô tại Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước, so với dự đoán tăng 482.000 thùng của giới phân tích, do các nhà máy lọc dầu cắt giảm hoạt động và nhu cầu xăng, dầu diesel giảm. Dự trữ xăng tăng tuần thứ 12 liên tiếp lên mức cao nhất trong lịch sử tại 261,2 triệu thùng.
Vàng quay đầu tăng
Vàng tăng bởi lo ngại về sự kéo dài của virus corona ở Trung Quốc ảnh hưởng tới nền kinh tế, trong khi các nhà đầu tư đợi quyết định chính sách từ Cục dự trữ liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.570,36 USD/ounce, sau khi giảm khoảng 1% trong phiên trước. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2/2019 gần như không đổi tại 1.570,4 USD/ounce.
Vàng vẫn giữ vững là nơi trú ẩn an toàn mặc dù có dấu hiệu ổn định trên thị trường chứng khoán toàn cầu, được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh của các công ty tốt hơn mong đợi.
Trong khi cổ phiếu tăng hạn chế đà lên giá của vàng, nhưng vàng vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố khác như tình trạng không chắc chắn liên quan đến việc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump và căng thẳng tại Trung Đông.
Đồng tiếp tục giảm
Giá đồng giảm tiếp sau khi virus corona bùng phát tại Trung Quốc hạn chế hoạt động kinh tế và đe dọa giảm nhu cầu của kim loại. Giá các kim loại công nghiệp khác cũng giảm.
Toyota cho biết họ sẽ đóng cửa các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đến ngày 9/2 và một nhà kinh tế trong chính phủ Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế của đất nước có thể giảm xuống 5% hoặc thậm chí thấp hơn trong quý đầu tiên. Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa giảm 1,1% xuống 5.642 USD/tấn. Giá kim loại này đang tăng do triển vọng tăng trưởng kinh tế cải thiện, nhưng hiện nay gần mức thấp nhất 28 tháng tại 5.518 USD/tấn đã đạt được hồi tháng 8/2019.
USD tăng giá ngày thứ 5 do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi an toàn, gây áp lực cho các kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh này.
Cao su TOCOM tăng gần 4%
Cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng do các nhà đầu tư đánh giá tác động tới nền kinh tế từ sự bùng phát của virus corona mới tại Trung Quốc.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 7/2020 đóng cửa tăng 6,7 JPY hay 3,7% lên 185,7 JPY (1,69 USD)/kg.
Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc có thể trì trệ trong tháng 1/2020 sau 2 tháng tăng nhẹ, sự bùng phát của virus đang bổ sung thêm nguy cơ đối với nền kinh tế đang vật lộn với khó khăn.
Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã kéo dài chuỗi ngày đóng cửa tới ngày 3/2 theo hướng dẫn của chính quyền.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn giao dịch SICOM, Singapore tăng 0,3% lên 136,4 US cent/kg.
Đường trái chiều
Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2020 tăng 0,2% lên 406,1 USD/tấn sau khi tăng lên mức cao nhất 2,5 năm tại 416,3 USD trong đầu phiên giao dịch.
Các đại lý cho biết thị trường được hỗ trợ bởi nguồn cung đường thắt chặt. Tốc độ xuất khẩu của Ấn Độ chậm lại cũng hỗ trợ giá đường trắng.
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 0,48% đóng cửa tại 14,47 US cent/lb.
Lo ngại về ảnh hưởng của virus corona tới nền kinh tế toàn cầu đã khiến giá đường giảm gần đây mặc dù thị trường hiện nay có những dấu hiệu phục hồi.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 2,8% xuống 1,022 USD/lb.
Giá cà phê giảm mạnh trong tháng này bị áp lực một phần bởi dự trữ đang tăng. Triển vọng sản lượng kỷ lục tại Brazil trong năm nay cũng khiến thị trường ở thế phòng ngự.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 giảm 1,998% xuống 1.301 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2020 có thể giảm 30,6% so với một năm trước xuống 140.000 tấn.
Ngô, lúa mì, đậu tương của Mỹ đều giảm
Lúa mì của Mỹ giảm 1,4% trong phiên, sự yếu kém của lúa mì đã lan sang thị trường ngô, nơi đối mặt với việc chốt lời. Đậu tương giảm phiên thứ 7 liên tiếp, với nhu cầu xuất khẩu yếu.
Lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 3/2020 đóng cửa giảm 7-1/2 US cent xuống 3,62-1/4 USD/bushel. Hợp đồng này có mức giảm tính theo phần trăm lớn nhất trong 6 tuần.
Ngô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn CBOT giảm 2-1/4 US cent xuống 3,84-1/4 USD/bushel và đậu tương cùng kỳ hạn giảm 2 US cent xuống 8,93 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 30/01