Dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu diễn biến trái chiều, giảm mạnh trong đầu phiên do các nhà đầu tư tập trung vào dấu hiệu cho thấy rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể suy giảm trong tháng tới, sau đó bật tăng trở lại do dự kiến dự trữ các sản phẩm tinh chế của Mỹ trong tuần trước giảm.
Chốt phiên giao dịch đêm qua 29/10, dầu thô Brent tăng 2 US cent lên 61,59 USD/thùng sau khi giảm xuống mức thấp 60,66 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas WTI giảm 27 US cent xuống 55,54 USD/thùng, sau khi trước đó chạm mức thấp 54,61 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ do dự trữ sản phẩm tinh chế của Mỹ trong tuần trước giảm, khi hoạt động của các nhà máy lọc dầu vẫn ở mức tương đối thấp. Dự trữ xăng có khả năng giảm 2,2 triệu thùng và có tuần giảm thứ 5 liên tiếp, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sưởi sẽ giảm 2,4 triệu thùng, giảm tuần thứ 6 liên tiếp. Hoạt động của các nhà máy lọc dầu Mỹ trong tháng 9/2019 giảm chậm lại để bảo dưỡng theo mùa vụ và vẫn ở mức thấp khoảng 85% tổng công suất trong tuần kết thúc ngày 18/10/2019, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết.
Mặt khác, giá dầu chịu áp lực giảm bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, dẫn tới nhu cầu dầu giảm.
Khí tự nhiên cao nhất 5 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp, tăng hơn 6% lên mức cao nhất 5 tuần do dự báo thời tiết lạnh bao trùm sẽ kéo dài ít nhất đến giữa tháng 11/2019.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn New York tăng 15,1 US cent tương đương 6,2% lên 2,597 USD/mmBTU, cao nhất kể từ ngày 18/9/2019. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 12/2019 tăng hơn 8 US cent lên 2,64 USD/mmBTU. Do vậy, chênh lệch giữa giá hợp đồng tháng 12 và tháng 11/2019 chạm mức thấp kỷ lục kể từ năm 2008 khi các hợp đồng bắt đầu giao dịch.
Vàng thấp nhất 1 tuần
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần do gia tăng kỳ vọng 1 thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, trong khi các nhà đầu tư chờ xem cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này, được dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.487,54 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York giảm 0,3% xuống 1.490,7 USD/ounce.
Chủ tịch thị trường thế giới Chris Gaffney thuộc TIAA Bank cho biết: "Vàng vẫn giảm do những thông tin tích cực trên thị trường liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Brexit. Dự kiến Fed có thể cắt giảm lãi suất sẽ nâng đỡ giá vàng tăng trở lại vượt ngưỡng 1.500 USD/ounce".
Nickel tăng
Giá nickel tăng do nước sản xuất hàng đầu – Indonesia – sẽ tạm ngừng xuất khẩu quặng trước lệnh cấm có hiệu lực vào năm tới.
Giá nickel trên sàn London tăng 1,1% lên 16.830 USD/tấn. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay giá nickel tăng hơn 50%. Tuy nhiên, nhu cầu từ ngành công nghiệp thép Trung Quốc suy yếu có thể khiến giá nickel giảm xuống khoảng 15.000 USD/tấn vào cuối năm tới, Kieran Clancy, nhà phân tích kinh tế thuộc Capital Economics cho biết.
Quặng sắt tiếp đà giảm, thép diễn biến trái chiều
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore giảm do lo ngại về nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép tại Trung Quốc, nước sản xuất và cung cấp thép hàng đầu thế giới, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 1,7% xuống 622 CNY (88,14 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất gần 2 tuần trong phiên trước đó. Nguyên nhân chính do dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc trong tuần trước tăng lên mức cao nhất 6 tháng (134,1 triệu tấn), gây áp lực tới giá, công ty tư vấn SteelHome cho biết. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 9/2019 tăng tháng thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất 20 tháng và không có dấu hiệu chậm lại, vượt 100 triệu tấn trong tháng 10/2019, do xuất khẩu từ các công ty khai thác quặng lớn duy trì ổn định.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Singapore ở mức thấp 78,7 USD/tấn, trong khi giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,5% xuống 81,32 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,2%, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,2%, trong khi giá thép không gỉ giảm 0,5% do giá nickel trên sàn Thượng Hải và London giảm. Sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 9/2019 giảm 0,3% so với tháng 9/2018, lần giảm đầu tiên trong 41 tháng, do nền kinh tế toàn cầu chậm lại, Yoshihisa Kitano, chủ tịch Liên đoàn Sắt và Thép Nhật Bản cho biết.
Cao su tiếp đà giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm theo xu hướng giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải.
Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2020 giảm 0,2 JPY (0,0018 USD) xuống 170,2 JPY/kg và giá cao su TSR20 giao cùng kỳ hạn ở mức 148,9 JPY/kg.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 giảm 20 CNY (2,83 USD) xuống 11.790 CNY/tấn và giá cao su TSR20 giảm 15 CNY xuống 9.945 CNY/tấn.
Đường và cà phê giảm
Giá đường giảm trở lại từ mức cao nhất 2 tuần trong phiên trước đó, do đồng real Brazil suy yếu, trong khi giá cà phê cũng giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,2 US cent tương đương 1,6% xuống 12,34 US cent/lb, 1 ngày sau khi đạt mức cao nhất 2 tuần (12,59 US cent/lb). Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn London giảm 2,3 USD tương đương 0,7% xuống 338,5 USD/tấn.
Đồng thời, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn ICE giảm 1,55 US cent tương đương 1,54% xuống 98,95 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 1,018 USD/lb, cao nhất kể từ ngày 4/10/2019. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn London giảm 1 USD tương đương 0,1% xuống 1.276 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2019 có khả năng giảm 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,365 triệu tấn.
Dầu cọ tăng hơn 1%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 1% do các loại dầu khác trên sàn Đại Liên tăng, song số liệu nhập khẩu của EU suy yếu và đồng ringgit tăng mạnh đã hạn chế đà tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 1,3% lên 2.430 ringgit (581,34 USD)/tấn. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp.
Giá trứng tại Trung Quốc chạm đỉnh 3 năm
Giá trứng giao sau trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng lên mức cao nhất trong 3 năm vào thứ Hai (28/10), do giá thịt lợn tăng vọt sau khi dịch tả lợn châu Phi tàn phá đàn lợn của Trung Quốc.
Cụ thể, giá hợp đồng trứng được giao dịch nhiều nhất trên sàn Đại Liên đã tăng vọt gần 4% vào đầu phiên lên 4.925 CNY/tấn (tương đương 697,44 USD/tấn), đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 7/2016.
Theo Reuters, giá trứng cũng đã tăng 5,4% trong tuần trước, mức tăng lớn nhất theo tuần trong 2,5 tháng qua.
Các chuyên nhận định giá lợn hơi tăng vọt, sau khi dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn của Trung Quốc giảm ít nhất 40%, là nguyên nhân kéo giá trứng lên cao.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc đã lên tới 8 USD/kg vào tuần trước, vì thời tiết trở lạnh thúc đẩy nhu cầu, với giá thịt lợn bán lẻ vào giữa tháng 10/2019 ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ ít nhất năm 2016.
Các nhà giao dịch lạc quan cũng kéo giá cổ phiếu của những công ty sản xuất gia cầm như Shandong Yisheng Livestock and Poultry và Muyuan Foods lên kịch trần, với các khoản vốn đổ vào thị trường kỳ hạn.
Hành tây tại Ấn Độ tăng cao kỉ lục
Ấn Độ chiếm hơn 50% tổng lượng hành tây nhập khẩu của các nước châu Á, giá xuất khẩu mặt hàng này cũng đang tăng tại nhiều nước. Tuy nhiên, quốc gia này buộc phải ngừng xuất khẩu do nguồn cung khan hiếm.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu hành tây kể từ ngày 30/9/2019, sau khi giá hành tây trong nước tăng lên 63,3 USD/100 kg, mức cao nhất trong gần 6 năm qua.
Lệnh cấm này có thể được duy trì đến giữa tháng 11/2019. Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu hành tây buộc nhiều nước như Bangladesh phải tìm kiếm các nguồn cung khác từ Myanmar, Ai Cập, Thổ Nhĩ kì và Trung Quốc.
Theo thống kê của Cơ quan Phát triển xuất khẩu thực phẩm chế biến sẵn và nông nghiệp Ấn Độ, trong năm tài khóa 2018/2019 kết thúc vào ngày 31/3/2019, Ấn Độ đã xuất khẩu 2,2 triệu tấn hành tây tươi, chiếm hơn 50% tổng lượng hành nhập khẩu của các nước châu Á.
Giá hành tây các nước châu Á và châu Âu tăng do nguồn cung giảm. Tại Bangladesh, trong tuần đầu tháng 10/2019, giá hành tây đã tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó, lên 1,42 USD/kg, mức cao nhất kể từ cuối năm 2013.
Trước tình trạng này, Chính phủ Bangladesh đã áp dụng chính sách trợ giá mặt hàng hành tây thông qua Tập đoàn Thương mại nhà nước Bangladesh (TCB), đồng thời nỗ lực nhập khẩu hành tây trong thời gian ngắn nhất có thể.
Theo TCB, nhập khẩu hành tây từ Iran và Thổ Nhĩ kì cũng rất nhiều tiềm năng, nhưng mất nhiều thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó, việc vận chuyển từ Ai Cập phải mất 1 tháng, từ Trung Quốc mất 25 ngày, trong khi từ Ấn Độ chỉ mất có vài ngày.
Theo chủ tịch Hiệp hội Thương mại, nhập khẩu hàng hóa thực phẩm thiết yếu của Sri Lanka, nhu cầu nhập khẩu hành tây của Sri Lanka cũng đang rất cấp thiết, do giá hành tại Sri Lanka cũng tăng 50% trong vòng 1 tuần, lên 1,7 USD/kg. Vì vậy, Sri Lanka đã đặt hàng hành tây từ Ai Cập và Trung Quốc.
Trước đó do mưa lớn kéo dài bất thường đã khiến các hộ trồng hành tây không thể gieo trồng vào mùa hè. Trước tình hình khan hiếm hành tây trong nước, Ấn Độ buộc phải nhập khẩu hành từ Ai Cập nhằm bình ổn giá hành tây trong nước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 30/10