Dầu giảm do Nga phát tín hiệu sản lượng sẽ duy trì ở mức cao
Giá dầu kết thúc phiên vừa qua giảm nhẹ sau khi Nga cho biết sản lượng sẽ vẫn duy trì ở mức cao và lo ngại về nền kinh tế toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu dầu thô.
Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau giảm 28 US cent xuống 77,34 USD/thùng, và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giao sau giảm 55 US cent xuống 67,04 USD/thùng. Tính chung cả tháng dầu Brent giảm khoảng 6,6% và dầu thô Mỹ giảm khoảng 8,5%. Cả hai loại dầu đều thiết lập tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016. Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu Iran có hiệu lực từ ngày 4/11/2018, giá dầu giảm khoảng 10 USD/thùng kể từ mức cao nhất 4 năm đạt được hồi đầu tháng 10/2018.
Giá dầu giảm mạnh sau khi Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak cho biết, Nga không cắt giảm sản lượng dầu.
Trang web của Bộ Dầu mỏ Iran cho biết, nước này đã bắt đầu bán dầu thô cho các công ty tư nhân thông qua một cuộc trao đổi trong nước lần đầu tiên. Trong khi đó, chỉ vài ngày trước lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực, 3 trong số 5 khách hàng hàng đầu của Iran bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối lời kêu gọi của Washington về việc chấm dứt hoàn toàn mua dầu, và cho rằng nguồn cung toàn cầu không đủ để thay thế. Áp lực này cùng với lo ngại về giá dầu có thể tăng đột biến, làm gia tăng giao dịch song phương.
Vàng giảm do đồng USD tăng
Giá vàng kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10 giảm, rời bỏ mức cao đỉnh điểm hơn 3 tháng đạt được trong phiên trước đó, do đồng USD tăng mạnh và chứng khoán Châu Âu hồi phục.
Vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.225,71 USD/ounce và vàng kỳ hạn giao sau tại Mỹ giảm 8,2 USD tương đương 0,7% xuống 1.227,6 USD/ounce. Triển vọng tăng lãi suất tại Mỹ ảnh hưởng đến giá vàng khi tính bằng đồng USD, do chi phí mua vàng tăng. Đồng USD tăng lên mức cao nhất 10 tuần so với giỏ tiền tệ chủ chốt, khiến vàng mua bằng USD trở nên đắt hơn so với mua bằng tiền tệ khác. Đồng USD cũng tăng so với đồng euro sau khi Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho biết, sẽ không tìm cách tái cử làm chủ tịch đảng CDU.
Các ngân hàng và nhà môi giới đã giảm dự báo giá vàng trung bình trong năm nay và năm 2019 sau khi kim loại này giảm xuống thấp nhất 19 tháng trong tháng 8/2018, song vẫn kỳ vọng giá sẽ hồi phục nhẹ.
Đồng duy trì ổn định
Giá đồng duy trì vững, do nguồn cung thiếu hụt được bù đắp bởi lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Giá đồng kỳ hạn giao sau trên sàn London không thay đổi ở mức 6.160 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao 6.240 USD/tấn, do dự trữ đồng tại LME giảm hơn 60% kể từ mức cao đỉnh điểm năm 2018 (gần 390.000 tấn) xuống 143.125 tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc trong tháng 9/2018 chậm lại tháng thứ 5 liên tiếp, do doanh số bán nguyên vật liệu và hàng hóa giảm, điều này cho thấy nhu cầu nội địa suy giảm. Đồng thời, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc giảm mạnh trong phiên giao dịch vừa qua, do báo cáo thu nhập của các công ty công nghiệp và tiêu dùng giảm, gia tăng lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc có thể giảm hơn nữa trong tháng 10/2018, do nhu cầu nội địa chậm lại và các nhà xuất khẩu đã nhận thấy tác động lớn hơn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Quặng sắt cao nhất gần 8 tháng
Giá quặng sắt đạt mức cao nhất gần 8 tháng, được hỗ trợ bởi nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc - tăng, do dự trữ tại các cảng của nước này trong tuần trước giảm. Công ty tư vấn SteelHome cho biết, dự trữ quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc trong tuần tính đến ngày 26/10/2018 giảm 150.000 tấn so với tuần trước đó xuống 143,85 triệu tấn. Như vậy, dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc đã giảm 11% từ mức cao kỷ lục 161,98 triệu tấn trong tháng 6/2018.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên tăng 0,7% lên 538 CNY/tấn, trong phiên có lúc đạt 546,5 CNY (78,57 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 5/3/2018.
Cao su thấp nhất 25 tháng
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm xuống mức thấp nhất 25 tháng, do lo ngại về nền kinh tế tại nước nhập khẩu hàng đầu thế giới – Trung Quốc – chậm lại đã thúc đẩy hoạt động bán ra tại Thượng Hải, trong khi đồng JPY tăng mạnh so với USD cũng gây áp lực giá.
Số liệu cuối tuần qua của Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế nước này suy yếu khi tăng trưởng lợi nhuận của các công ty công nghiệp trong tháng 9/2018 chậm lại tháng thứ 5 liên tiếp, do doanh số bán nguyên liệu và hàng hóa suy giảm. Satoru Yoshida, nhà phân tích hàng hóa thuộc Rakuten Securities cho biết: "Dường như mối lo ngại về tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới nền kinh tế Trung Quốc đang dần trở thành hiện thực".
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn TOCOM giảm 4,3 JPY tương đương 2,6% xuống 162 JPY (1,45 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch có lúc chạm 161,5 JPY/kg, thấp nhất kể từ ngày 20/9/2016. Giá cao su TSR20 giao cùng kỳ hạn trên sàn TOCOM giảm 3,2% xuống 145,2 JPY/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 480 CNY xuống 11.340 CNY (1.631 USD)/tấn, trong phiên có lúc chạm 11.280 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 3/8/2018.
Đường và cà phê giảm, ca cao giảm hơn 3%
Giá đường quay đầu giảm do hoạt động mua đầu cơ yếu, sau khi tăng vào phiên sáng khi cuộc bầu cử tổng thống đẩy đồng real Brazil tăng mạnh, trong khi giá ca cao giảm hơn 3%.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,34 US cent tương đương 2,5% xuống 13,5 US cent/lb, trong đầu phiên giao dịch tăng lên 14,05 US cent/lb được thúc đẩy bởi đồng real tăng cao nhất 5,5 tháng, sau khi ứng viên cánh hữu Jair Bolsonaro giành ưu thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Brazil vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, giá đường đã giảm trở lại do đồng real Brazil giảm xuống và hoạt động mua đầu cơ suy giảm. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 8 USD tương đương 2,2% xuống 364,7 USD/tấn.
Đồng thời, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2018 cũng giảm 5,4 US cent tương đương 4,5% xuống 1,1425 USD/lb, trong đầu phiên giao dịch giảm khoảng 4,8% xuống 1,1395 USD/lb, thấp nhất kể từ ngày 12/10/2018. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2019 giảm 43 USD tương đương 2,5% xuống 1.687 USD/tấn, đầu phiên giao dịch giảm xuống 1.675 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 11/10/2018.
Tương tự, giá ca cao kỳ hạn tháng 12/2018 trên sàn London giảm 31 GBP, tương đương 1,8%, xuống 1.673 GBP/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.718 GBP/tấn, cao nhất kể từ ngày 20/7/2018. Giá ca cao giao cùng kỳ hạn trên sàn New York giảm 56 USD tương đương 2,5% xuống 2.195 USD/tấn, sau khi giảm hơn 3% vào đầu phiên còn 2.180 USD/tấn.
Đậu tương thấp nhất 1 tháng
Giá đậu tương giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng, do sản lượng vụ thu hoạch Mỹ đạt mức cao kỷ lục và triển vọng xuất khẩu suy giảm bởi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và nước nhập khẩu hàng đầu – Trung Quốc.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2018 trên sàn Chicago giảm 6 US cent xuống 8,39 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 8,37-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 25/9/2018.
Sản lượng rượu vang toàn cầu hồi phục từ mức thấp nhất 2 thập kỷ
Sản lượng rượu vang toàn cầu năm 2018 dự kiến sẽ tăng 12% so với năm 2017, do thời tiết xấu đẩy sản lượng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ, Tập đoàn rượu vang liên chính phủ cho biết.
Sản lượng rượu vang toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 282 triệu hl tương đương khoảng 4,1 tỉ chai trong năm 2018, Tổ chức quốc tế Vine & Wine có trụ sở tại Pari cho biết. Sản lượng rượu vang hồi phục do sản lượng tại các nước sản xuất hàng đầu Italia, Pháp và Tây Ban Nha tăng.
Triển vọng sản lượng tăng khiến giá rượu vang trung bình tại Pháp trong tháng 10/2018 giảm xuống 86 US cent/lít từ mức 1,03 euro/lít trong tháng 7/2018, FranceAgriMer cho biết. Italia là nước sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới năm 2018, tăng 14% lên 48,5 triệu hl, trong khi Pháp đứng thứ 2 với sản lượng tăng 27% lên 46,4 triệu hl. Sản lượng rượu vang tại Tây Ban Nha dự báo sẽ tăng 26% lên 40,9 triệu hl. Sản lượng tại Mỹ - nước sản xuất rượu vang lớn thứ 4 thế giới - dự kiến sẽ tăng 2% lên 23,9 triệu hl, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 30/10