Giá dầu tăng hơn 2% sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty dầu thuộc sở hữu nhà nước PDVSA, Venezuela, một động thái sẽ khiến xuất khẩu dầu thô của thành viên OPEC suy giảm và giảm bớt lo ngại dư cung toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch vừa qua, giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 1,39 USD tương đương 2,32% lên 61,32 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 1,32 USD tương đương 2,54% lên 53,31 USD/thùng.
Venezuela là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới và Mỹ là khách hàng lớn nhất, chiếm khoảng 1/2 khối lượng dầu xuất khẩu của nước này.
Xuất khẩu dầu thô của Venezuela giảm xuống còn hơn 1 triệu thùng/ngày (bpd) năm 2018, từ mức 1,6 triệu bpd năm 2017, trong khi Petromatrix ước tính xuất khẩu của nước này sẽ giảm khoảng 500.000 bpd trong điều kiện hiện tại. Đồng thời, Venezuela cũng là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), thực hiện thỏa thuận cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ giá.
Khí gas tự nhiên tăng
Giá khí gas tự nhiên tại Mỹ tăng từ mức thấp nhất 4 tháng trong phiên trước đó, do triển vọng thời tiết trong 2 tuần tới lạnh hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí gas kỳ hạn tháng 2/2019 trên sàn New York tăng 3,9 US cent tương đương 1,3% lên 2,950 USD/mBTU, sau khi giảm hơn 8% trong phiên trước đó xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/9/2018.
Vàng cao nhất hơn 8 tháng, bạc cao nhất 6 tháng
Giá vàng kết thúc phiên đạt mức cao nhất hơn 8 tháng, do nghi ngờ xung quanh quan hệ thương mại Mỹ - Trung và trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, làm gia tăng kỳ vọng Ngân hàng trung ương sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất.
Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.310,49 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.311,67 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 15/5/2018 và vàng kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,4% lên 1.308,9 USD/ounce. Tính đến nay, vàng đã tăng hơn 13% kể từ mức thấp nhất hơn 1,5 năm trong tháng 8/2018, hầu hết do thị trường chứng khoán biến động và đồng USD suy yếu.
Chỉ số đồng USD, thước đo trị giá đồng bạc xanh so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt chạm mức thấp nhất 2 tuần. Trong khi đó, cuộc họp chính sách 2 ngày của Fed bắt đầu vào cuối ngày và dự kiến sẽ giữ lãi suất không thay đổi.
Nhà sáng lập Jeffrey Sica thuộc Circle Squared Alternative Investments cho biết: "Yếu tố chủ yếu thúc đẩy giá vàng tăng là nghi ngờ xung quanh quan hệ thương mại Mỹ - Trung".
Đồng thời, bạc tăng 0,6% lên 15,84 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 7/2018 (15,92 USD/ounce).
Nhôm tăng
Giá nhôm tăng, do đồng USD giảm, dự trữ giảm và nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – nỗ lực kích thích tăng trưởng.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,5% lên 1.894 USD/tấn, đưa mức tăng trong tháng 1/2019 lên khoảng 2,5%, do dự trữ nhôm tại LME chạm 1,3 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 5/2018, cùng với đó là dự trữ tại Thượng Hải chạm 690.000 tấn, giảm 30% kể từ tháng 5/2018.
Trung Quốc công bố các biện pháp nhằm mục đích thúc đẩy doanh số bán các mặt hàng từ xe ô tô, thiết bị gia dụng đến các dịch vụ thông tin, khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm nhất trong gần 30 năm.
Quặng sắt cao nhất gần 16 tháng, thép giảm
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng, do lo ngại gián đoạn nguồn cung sau thảm họa khai thác quặng gây chết người tại Brazil, song giá thép giảm trước cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vào cuối tuần này.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 1,6% lên 562,5 CNY (83,47 USD)/tấn, gần mức cao nhất 16 tháng (567,5 CNY/tấn) trong ngày thứ hai (28/1/2019). Trong khi đó, giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm gần 1% xuống 3.675 CNY/tấn và giá thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 3.589 CNY/tấn.
Cao su giảm
Giá cao su tại Tokyo giảm, hướng theo giá cao su tại Thượng Hải suy giảm và lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Giá cao su kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn TOCOM giảm 3,8 JPY (0,0348 USD) xuống 176,9 JPY/kg và giá cao su TSR20 giao cùng kỳ hạn trên sàn TOCOM giảm 3,8 JPY xuống 150,2 JPY/kg. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 210 CNY (31,21 USD) xuống 11.460 CNY/tấn.
Dầu cọ giảm hơn 1%
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm hơn 1%, thoái lui từ mức tăng mạnh phiên trước đó, do giá dầu đậu tương tại Chicago và giá dầu thô suy yếu. Giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn Bursa giảm 1,2% xuống 2.300 ringgit (559,47 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.327 ringgit/tấn. Giá dầu đậu tương kỳ hạn trên sàn Chicago giảm phiên thứ 2 liên tiếp, do lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng và thời tiết tại Brazil cải thiện gây áp lực thị trường.
Ca cao thấp nhất hơn 1 tháng, đường giảm, cà phê diễn biến trái chiều
Giá ca cao giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 tháng, do lo ngại nguồn cung tại khu vực sản xuất hàng đầu – Tây Phi - giảm bớt, bởi điều kiện thời tiết cải thiện, trong khi giá đường thô giảm. Giá ca cao kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn New York giảm 33 USD tương đương 1,4% xuống 2.251 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 2.245 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 21/12/2018. Giá ca cao giao củng kỳ hạn trên sàn London giảm 16 GBP tương đương 1% xuống 1.607 GBP/tấn, thấp nhất kể từ ngày 12/12/2018 (1.602 GBP/tấn).
Đồng thời, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,1 US cent tương đương 0,8% xuống 12,69 US cent/lb và giá đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 3,2 USD tương đương 0,9% xuống 342,6 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 0,05 US cent tương đương 0,1% xuống 1,026 USD/lb, trong khi đó giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn tăng 29 USD tương đương 1,9% lên 1.5237 USD/tấn. Lúa mì thấp nhất gần 2 tuần
Giá lúa mì giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất gần 2 tuần, do lo ngại tiến triển xuất khẩu tại Mỹ chậm lại.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2019 trên sàn Chicago giảm 5-1/2 US cent xuống 5,13-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 5,1-3/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 17/1/2019.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 30/01