Giá dầu thô Mỹ tăng mạnh 22%
Giá dầu thô Mỹ tăng mạnh 22% sau khi tồn trữ dầu thô của nước này tăng ít hơn so với dự kiến và tồn trữ xăng giảm, làm gia tăng lạc quan tiêu thụ nhiên liệu sẽ hồi phục khi một số nước châu Âu và tiểu bang Mỹ nới lỏng các hạn chế do virus corona.
Chốt phiên giao dịch ngày 29/4, dầu thô Brent tăng 2,08 USD tương đương 10,2% lên 22,54 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 2,72 USD tương đương 22% lên 15,06 USD/thùng.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 9 triệu thùng lên 527,6 triệu thùng, thấp hơn 7 triệu thùng so với mức cao kỷ lục và thấp hơn so với dự kiến tăng 10,6 triệu thùng của các nhà phân tích, Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết. Đồng thời, tồn trữ xăng của Mỹ giảm xuống 3,7 triệu thùng so với mức cao kỷ lục tuần trước đó, do nhu cầu nhiên liệu tăng làm lu mờ sản lượng lọc dầu hồi phục.
Giá khí tự nhiên tiếp đà giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm do dự báo thời tiết ôn hòa hơn và nhu cầu giảm, đặc biệt là nhu cầu xuất khẩu trong 2 tuần tới thấp hơn so với dự kiến.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 7,9 US cent tương đương 4,1% xuống 1,869 USD/mmBTU. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 7% so với giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2020 đã hết hiệu lực.
Giá vàng giảm tiếp
Giá vàng giảm do lạc quan xung quanh việc nới lỏng các hạn chế do virus corona và kỳ vọng một loại thuốc điều trị tiềm năng thúc đẩy nhu cầu tài sản rủi ro, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi tuyên bố chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào cuối ngày.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,4% xuống 1.701,36 USD/ounce, sau khi giảm trong 3 phiên liên tiếp trước đó và vàng kỳ hạn tháng 6/2020 trên sàn New York giảm 0,5% xuống 1.713,4 USD/ounce.
Giá đồng cao nhất 6 tuần, kẽm cao nhất hơn 1 tuần
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 6 tuần do triển vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – tăng mạnh và sản xuất bị gián đoạn vượt xa kỳ vọng nguồn cung từ các nước sản xuất bị đóng cửa bởi virus corona tăng.
Giá đồng trên sàn London tăng 0,7% lên 5.261 USD/tấn, trước đó trong phiên giá đồng đạt 5.280 USD/tấn, tăng 20% kể từ mức thấp nhất 4 năm (4.371 USD/tấn) trong ngày 19/3/2020.
Hoạt động nhà máy Trung Quốc tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 4/2020 do nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại từ việc đóng cửa nhằm ngăn chặn virus corona bùng phát, làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.
Đồng thời, giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,7% lên 1.945 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.949 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 20/4/2020, do lo ngại nguồn cung một số nước sản xuất lớn đóng cửa bởi virus corona.
Giá thép biến động nhẹ, quặng sắt giảm
Giá thép biến động trong phạm vi hẹp, khi các nhà đầu tư chờ xem những diễn biến tác động đến nhu cầu từ các biện pháp kích thích cơ sở hạ tầng của chính phủ Trung Quốc.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 giảm 0,03% xuống 3.302 CNY (466,74 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,2% lên 3.159 CNY/tấn, trong khi giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2020 giảm 0,1% xuống 12.820 CNY/tấn.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 0,6% xuống 596 CNY/tấn.
Giá đường tiếp đà tăng, cà phê diễn biến trái chiều
Giá đường tăng do giá dầu thô tăng thúc đẩy hoạt động mua vào và đồng real Brazil tăng phiên thứ 2 liên tiếp.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE tăng 0,42 US cent tương đương 4,5% lên 9,76 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London tăng 9,5 USD tương đương 3% lên 321,2 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE giảm 2,3 US cent tương đương 2,1% xuống 1,053 USD/lb, thấp nhất 1 tháng (1,059 USD/lb) trong 2 phiên liên tiếp trước đó. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London tăng 6 USD tương đương 0,5% lên 1.186 USD/tấn.
Giá đậu tương và ngô tăng, lúa mì giảm
Giá đậu tương tại Mỹ tăng trong khi giá ngô duy trì vững do kế hoạch nới lỏng các biện pháp đóng cửa và động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ duy trì việc mở cửa các nhà máy thịt, làm giảm bớt lo ngại về nhu cầu suy giảm bởi đại dịch virus corona. Trong khi, giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng do đồng USD tăng mạnh khiến triển vọng xuất khẩu suy giảm và mưa tại châu Âu và khu vực Biển Đen đã thúc đẩy triển vọng năng suất cây trồng.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 1 US cent lên 3,13 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 7 US cent lên 8,39 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 11-1/4 US cent xuống 5,14-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ tăng
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng theo xu hướng giá dầu thô và dầu đậu tương tăng mạnh và được hậu thuẫn bởi hoạt động mua vào kiếm lời, song mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu do virus corona.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Bursa Malaysia tăng 16 ringgit tương đương 0,79% lên 2.036 ringgit (467,51 USD)/tấn và tăng phiên thứ 2 liên tiếp.
Ngoài ra, giá dầu cọ còn được hỗ trợ bởi sản lượng tại các đồn điền giảm khi những người lao động trở về nhà cho lễ hội Ramada, giám đốc bán hàng Marcello Cultrera thuộc Phillip Futures, Kuala Lumpur cho biết.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 30/4