Dầu tiếp tục giảm 1%
Giá dầu kết thúc phiên cuối tuần (02/11) giảm 1%, do các nhà đầu tư lo ngại về dư cung sau khi Mỹ cho biết sẽ tạm thời miễn trừ 8 quốc gia khỏi lệnh trừng phạt của Iran.
Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau giảm 6 US cent xuống 72,83 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giao sau giảm 55 US cent tương đương 0,86% xuống 63,14 USD/thùng. Như vậy, cả 2 loại dầu đã giảm hơn 15% kể từ mức cao đỉnh điểm gần 4 năm đạt được hồi đầu tháng 10.
Mỹ đồng ý để 8 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Iraq và Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran sau khi nước này bị tái áp đặp lệnh trừng phạt ngày 5/11. Danh sách đầy đủ các nước được miễn áp dụng lệnh trừng phạt này sẽ được công bố chính thức vào ngày chính sách có hiệu lực. Tuy nhiên, EU sẽ không nhận được sự miễn trừ. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Fatih Donmez cho biết, nước này sẽ nhận được sự miễn trừ từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Giá dầu chịu áp lực giảm do sản lượng dầu toàn cầu tăng đáng kể trong 2 tháng qua. Số liệu của Bộ Năng lượng Nga cho biết, trong tháng 10/2018 nước này đã bơm 11,41 triệu thùng/ngày (bpd), cao nhất 30 năm. Mỹ cho rằng, cung dầu toàn cầu sẽ vượt cầu trong năm tới, khiến các nước dễ dàng cắt giảm nhập khẩu dầu Iran xuống bằng 0. Ngoài ra, trong tháng 10/2018, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ đã thúc đẩy sản lượng dầu lên 33,31 triệu bpd, tăng 390.000 bpd và là mức cao nhất kể từ năm 2016.
Vàng giảm trở lại, bạch kim cao nhất hơn 4 tháng
Giá vàng kết thúc phiên giao dịch giảm, khi đồng USD tăng trở lại do số liệu việc làm của Mỹ tăng mạnh và kim loại này ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần.
Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.231,22 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 0,1% và vàng kỳ hạn giao sau tại Mỹ giảm 5,3 USD tương đương 0,43% xuống 1.233,3 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng sau số liệu việc làm của Mỹ trong tháng 10/2018 tăng mạnh và mức lương hàng năm tăng mạnh nhất trong 9,5 năm.
Tai Wong, người đứng đầu giao dịch kim loại thuộc BMO cho biết: "Số liệu tăng mạnh đã hỗ trợ đồng USD, song gây áp lực đối với vàng. Nền kinh tế biến động mạnh và Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất".
Trong khi đó, bạch kim tăng 1,3% lên 868 USD/ounce, trong đầu phiên giao dịch đạt 870,8 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 25/6/2018. Tính chung cả tuần, kim loại này đã tăng hơn 4%.
Đồng cao nhất gần 2 tuần
Giá đồng đạt mức cao nhất gần 2 tuần, do dấu hiệu chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt, sau khi người đứng đầu 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bày tỏ lạc quan về cách giải quyết xung đột thương mại giữa hai nước.
Giá đồng kỳ hạn giao sau tăng 3,2% lên 6.283 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 6.304,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 22/10/2018 và ghi nhận ngày tăng mạnh nhất trong 6 tuần. Tính chung cả tuần giá đồng tăng gần 2%.
Giá đồng cũng được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào tăng mạnh, số liệu việc làm của Mỹ cũng tăng cao trong tháng 10/2018 và mức lương hàng năm tăng mạnh nhất trong 9,5 năm.
Quặng sắt giảm phiên thứ 4 liên tiếp
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm phiên thứ 4 liên tiếp, trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép trong mùa đông tới sẽ giảm và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc dịu bớt.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Đại Liên giảm 4,8% xuống thấp nhất 3 tuần ở mức 501,5 CNY (72,76 USD)/tấn, giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/6/2018.
Hợp đồng quặng sắt đóng cửa giảm 3,5% xuống 508,5 CNY/tấn, tính chung cả tuần giảm 4%, tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 25/5/2018. Trong tháng 8/2018, giá quặng sắt đã tăng vọt lên khoảng 5%, khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ có trị giá 60 tỉ USD, mặc dù quặng sắt của Mỹ chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, giá thép cây kỳ hạn giao sau trên sàn Thượng Hải giảm phiên thứ 5 liên tiếp, giảm 0,9% xuống 4.064 CNY/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 3 tuần (4.025 CNY/tấn). Giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn giao sau trên sàn Thượng Hải ngược lại tăng 0,1% lên 3.744 USD/tấn, chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp.
Cao su tăng trở lại Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải, do lạc quan về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2019 trên sàn TOCOM tăng 1,1 JPY (0,0097 USD) lên 162,4 JPY/kg, song tính chung cả tuần giá cao su giảm 3,9 JPY. Đồng thời, giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn TOCOM tăng 1,1 JPY lên 147 JPY/kg. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 115 CNY (16,69 USD) lên 11.370 CNY/tấn. Nhà phân tích Hu Ding thuộc China Futures Research cho biết: "Giá cao su tăng do dấu hiệu chiến tranh thương mại dịu xuống. Nếu Bắc Kinh và Washington có thể đạt được 1 thỏa thuận, điều này sẽ trở nên thuận lợi hơn đối với xuất khẩu cao su sản xuất lốp xe Trung Quốc". Đường và cà phê tăng Giá đường và cà phê tăng, do lạc quan về thị trường hàng hóa thúc đẩy hoạt động mua vào và đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2018 tăng 5,8 USD tương đương 1,6% lên 357,7 USD/tấn, song tính chung cả tuần giảm 3,5%. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 0,25 US cent tương đương 1,9% lên 13,44 US cent/lb, song tính chung cả tuần giảm 3%. Sản lượng tại 2 thị trường EU và Ấn Độ niên vụ 2018/19 giảm do thời tiết bất lợi, cũng hỗ trợ giá đường và có thể giúp cân bằng thị trường sau thặng dư lớn trong niên vụ trước.
Đồng thời, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2018 tăng 2,25 US cent tương đương 1,9% lên 1,2005 USD/lb, tính chung cả tuần thay đổi nhẹ và giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2019 tăng 17 USD tương đương 1% lên 1.729 USD/tấn, tính chung cả tuần cũng thay đổi nhẹ.
Đậu tương cao nhất 2 tuần
Giá đậu tương tăng lên mức cao nhất 2 tuần, do dấu hiệu chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh hạ nhiệt, song mức tăng bị hạn chế khi một quan chức Nhà Trắng cho biết, ông không lạc quan về thỏa thuận có thể đạt được.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Chicago tăng 5-3/4 US cent lên 8,87-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 9-3/4 USD/bushel, cao nhất 2 tuần. Tính chung cả tuần giá đậu tương tăng 3,5%, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2017.
Dầu cọ sẽ được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc
Dầu cọ sẽ được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, do Trung Quốc sẽ giảm nguồn cung đậu tương cho ngành công nghiệp chế biến dầu thực vật, nhà phân tích công nghiệp James Fry cho biết.
Đậu tương nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc chịu mức thuế bổ sung 25% kể từ tháng 7/2018, khi Bắc Kinh trả đũa thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới – đã chuyển mua đậu tương từ Mỹ sang Brazil, song điều này vẫn không đủ thay thế hoàn toàn nguồn cung từ Mỹ.
Dầu cọ là một trong số những lựa chọn mà Trung Quốc thay thế để đáp ứng cho nhu cầu dầu thực vật, Fry cho biết.
Bất kỳ bổ sung nào về nhu cầu dầu thực vật cũng sẽ giúp hỗ trợ giá dầu cọ chạm mức thấp nhất kể từ năm 2015, trong bối cảnh dư cung và nhu cầu thấp.
Dầu cọ thường đông cứng trong thời tiết lạnh, điều này sẽ khiến cho việc chế biến khó khăn khi Trung Quốc bước vào mùa đông Bắc Bán cầu.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu cọ tăng thêm hàng trăm nghìn tấn.
Giá chip nhớ DRAM toàn cầu giảm 10%
Trong tháng 10/2018, giá trung bình của chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) trên toàn cầu đã giảm 10% so với tháng trước đó, sau khi các nhà sản xuất gia tăng nguồn cung.
Theo báo cáo từ DRAMeXchange, giá trung bình của chip nhớ DDR4 8 Gb, chủ yếu sử dụng trên máy tính cá nhân (PC), đạt 7,31 USD/chiếc tính tới cuối tháng 10/2018, giảm 10,7% so với mức giá 8,19 USD/chiếc trong tháng trước đó.
Giá DRAM này, biến động khá "phẳng lặng" trong 5 tháng trước đó, giảm xuống mức tương đương của năm 2017. Giá mặt hàng này bật tăng mạnh 35,8% trong tháng 1/2018. Tuy nhiên, giá DRAM có xu hướng giảm khi các nhà sản xuất toàn cầu gia tăng sản lượng. Dự kiến, giá DRAM tiếp tục giảm trong quý IV/2018.
Giá các sản phẩm chip nhớ sử dụng công nghệ MLC dung lượng 128 Gb, thường dùng cho thẻ nhớ và ổ đĩa USB flash, giảm 6,51% trong tháng 10/2018, chỉ còn 4,74 USD/chiếc. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2017 giá mặt hàng này chạm mức 4 USD/chiếc.
Các chuyên gia cho biết, mặc dù giá chip nhớ toàn cầu có khả năng suy giảm sâu hơn trong quý IV/2018 và đầu năm 2019, nhu cầu tiêu thụ ổn định vẫn giúp duy trì doanh thu của Samsung Electronics Co. và SK hynix Inc., hai nhà sản xuất chip lớn của Hàn Quốc.
Trong quý III/2018, lợi nhuận hoạt động của mảng bán chip nhớ của Samsung đạt 13.650 won (11,9 tỷ USD), tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao kỷ lục mới.
Trong khi đó, lợi nhuận hoạt động của SK hynix trong quý III/2018 tăng 73,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.470 tỷ won, cũng là mức cao kỷ lục. Sau khi công bố báo cáo lợi nhuận của mình, SK hynix thừa nhận hãng sẽ phải đối mặt với những bất ổn trong thời gian tới do sự gia tăng căng thẳng thương mại trên toàn cầu và tình trạng thiếu nguồn cung giảm bớt.
Tuy nhiên, nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lợi nhuận vững chắc khi nhu cầu về các sản phẩm chip dung lượng cao sẽ tiếp tục tăng nhờ xu hướng phát triển các công nghệ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 3/11