Dầu thấp nhất 1 tháng
Giá dầu thô Mỹ giảm 2%, sau các số liệu sản xuất của Mỹ và Eu giảm mạnh làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế toàn cầu suy yếu, trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhu cầu dầu giảm.
Chốt phiên giao dịch đêm qua 3/9, dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,16 USD tương đương 2,1% xuống 53,94 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 52,84 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 9/8/2019. Dầu thô Brent giảm 40 US cent tương đương 0,7% xuống 58,26 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 57,23 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 9/8/2019. Tính đến nay, giá dầu giảm khoảng 20% kể từ mức cao đỉnh điểm năm 2019 trong tháng 4/2019, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại khiến nhu cầu dầu giảm.
Hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 8/2019 giảm lần đầu tiên trong 3 năm. Trước đó, số liệu cho thấy hoạt động sản xuất khu vực Euro Zone trong tháng 8/2019 giảm tháng thứ 7 liên tiếp.
Ngoài ra giá dầu chịu áp lực giảm do sản lượng dầu Nga trong tháng 8/2019 tăng lên 11,294 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 3/2019.
Khí tự nhiên cao nhất 7 tuần
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 3% lên cao nhất 7 tuần do dự báo thời tiết ấm hơn và nhu cầu làm mát trong tuần tới cao hơn so với dự báo trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn New York tăng 7,3 US cent tương đương 3,2% lên 2,358 USD/mmBTU, cao nhất kể từ ngày 15/7/2019.
Vàng cao nhất 6 năm, bạc cao nhất gần 3 năm, bạch kim cao nhất 1,5 năm
Vàng tăng hơn 1% sau số liệu sản xuất từ Mỹ làm gia tăng mối lo ngại về suy thoái kinh tế, trong khi những bất ổn về thương mại Mỹ - Trung và Brexit đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn vàng thỏi.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1% lên 1.546,3 USD/ounce, không xa so với mức cao nhất hơn 6 năm (1.554,56 USD/ounce). Vàng kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York tăng 1,7% lên 1.555,9 USD/ounce.
Đồng thời, bạc tăng 3,7% lên 19,14 USD/ounce, vượt ngưỡng 19 USD/ounce – lần đầu tiên – kể từ tháng 10/2016.
Bạch kim tăng 2,3% lên 951,35 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 956,99 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 3/2018.
Nickel cao nhất 5 năm, kẽm thấp nhất 3 năm
Giá nickel tăng lên mức cao nhất 5 năm sau khi Indonesia dấy lên mối lo ngại về thiếu hụt nguồn cung bằng cách cấm xuất khẩu quặng từ tháng 1/2020.
Giá nickel kỳ hạn trên sàn London giảm 0,4% xuống 17.985 USD/tấn, song vẫn cao nhất kể từ tháng 9/2014. Tuy nhiên, kể từ tháng 7/2019 đến nay giá nickel đã tăng 10% và tăng gần 70% trong năm nay.
Indonesia – nước sản xuất quặng nickel lớn nhất thế giới – đã đưa ra kế hoạch cấm xuất khẩu trong 2 năm, để khuyến khích các công ty khai thác quặng chế biến kim loại địa phương.
BMO dự báo sẽ thiếu hụt 51.000 tấn nickel vào năm 2020 và và 127.000 tấn năm 2021, trong khi công suất trên thị trường nickel đạt khoảng 14 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, kẽm giảm 1,7% xuống 2.205 USD/tấn, thấp nhất 3 năm.
Quặng sắt, thép tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng hơn 4%, phiên tăng thứ 4 liên tiếp do các nhà máy thép bổ sung dự trữ nguyên liệu ngay cả khi các thành phố sản xuất thép hàng đầu thực hiện các hạn chế chống ô nhiễm môi trường.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên tăng 4,2% lên 644 CNY (90,8 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung trong tháng 8/2019, giá quặng sắt giảm hơn 21%, tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018.
Đồng thời, giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải tăng 1% lên 3.403 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải tăng 1,2% lên 3.454 CNY/tấn.
Trong khi đó, Fitch Solutions điều chỉnh giảm dự báo giá thép toàn cầu trong năm 2019 xuống 600 USD/tấn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài và rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu gia tăng gây áp lực giá.
Cao su giảm tiếp
Giá cao su tại Tokyo giảm do lo ngại nền kinh tế toàn cầu chậm lại trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Trên sàn TOCOM, giá cao su kỳ hạn tháng 2/2020 giảm 0,8 JPY (0,0076 USD) xuống 162,1 JPY/kg. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 3/2020 ở mức 141 JPY/kg.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 140 CNY (19,74 USD) lên 11.935 CNY/tấn. Giá cao su TSR20 tăng 60 CNY lên 10.135 CNY/tấn.
Đường tăng trở lại, cà phê thấp nhất 2 tuần
Giá đường tăng do hoạt động mua vào đã giúp thị trường hồi phục trở lại từ mức giảm gần 10% trong tháng trước đó, trong khi giá cà phê Arabica chạm thấp nhất 2 tuần.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn ICE tăng 0,05 US cent tương đương 0,45% lên 11,19 US cent/lb. Trong tháng 8/2019, giá đường giảm 8,8%, tháng giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm. Trong khi đó, giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE giảm 0,5 USD tương đương 0,12% xuống 304,4 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn ICE giảm 1,3 US cent tương đương 1,34% xuống 95,55 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm 94,2 US cent/lb, thấp nhất kể từ ngày 20/8/2019. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn ICE giảm 25 USD tương đương 1,88% xuống 1.304 USD/tấn.
Lúa mì, ngô và đậu tương đồng loạt giảm
Giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông tại Chicago giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng, trong khi giá lúa mì cứng chạm thấp nhất 1 thập kỷ, do nguồn cung toàn cầu dồi dào và cạnh tranh xuất khẩu mạnh.
Giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn Chicago giảm 9 US cent xuống 4,53-1/2 USD/bushel.
Giá lúa mì cứng đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn Chicago giảm xuống 3,61-3/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ tháng 12/2005.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn Chicago giảm 8-3/4 US cent xuống 3,61 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 3,6-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn Chicago giảm 1/2 US cent xuống 8,68-1/2 USD/bushel.
Dầu cọ đảo chiều giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia đảo chiều giảm do giá dầu đậu tương trên sàn Chicago suy giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn Bursa Malaysia giảm 1% xuống 2.212 ringgit (527,92 USD)/tấn, giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong 5 phiên.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 4/9