Giá dầu tăng
Giá dầu tăng, do mối lo ngại nguồn cung bởi sản lượng OPEC giảm, tình trạng bất ổn tại Libya và lệnh trừng phạt đối với Nga, làm lu mờ lo ngại về suy thoái nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/7, dầu thô Brent tăng 2,26 USD tương đương 2% lên 113,89 USD/thùng, sau khi giảm hơn 1 USD/thùng trong đầu phiên giao dịch và dầu thô Tây Texas WTI tăng 2,2 USD tương đương 2% lên 110,63 USD/thùng.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho biết, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bỏ lỡ mục tiêu tăng sản lượng trong tháng 6/2022. Tại Libya – thành viên OPEC, các nhà chức trách đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại cảng Es Sidr và Ras Lanuf, cũng như mỏ dầu El Feel, khiến sản lượng dầu giảm 865.000 thùng/ngày (bpd). Trong khi đó, sản lượng dầu tại Ecuador bị ảnh hưởng do tình trạng bất ổn kéo dài hơn 2 tuần, khiến nước này mất gần 2 triệu thùng sản lượng. Thêm vào những khó khăn về nguồn cung là một cuộc đình công tại Na Uy, có thể cắt giảm nguồn cung từ nước sản xuất dầu lớn nhất Tây Âu và sản lượng dầu giảm khoảng 8%.
Giá vàng giảm
Giá vàng giảm, do triển vọng lãi suất tăng cao làm giảm sức hấp dẫn đối với tài sản không sinh lời, song đồng USD giảm đã giúp vàng ở mức hỗ trợ trên 1.800 USD/ounce.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,2% xuống 1.807,4 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất 5 tháng (1.783,5 USD/ounce) trong phiên trước đó, trong khi đó vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York tăng 0,4% lên 1.809 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,2% song vẫn gần mức cao nhất 2 thập kỷ trong tháng trước đó. Đồng USD suy yếu khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá đồng thấp nhất 17 tháng
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng, do các hạn chế mới về Covid -19 tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc, hoạt động sản xuất toàn cầu chậm lại và tồn trữ tăng, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu và hoạt động bán tháo.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,8% xuống 7.982 USD/tấn, trước đó trong phiên giá đồng giảm xuống 7.918 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Ngành sản xuất toàn cầu trong tháng 6/2022 suy giảm do giá tăng cao và triển vọng kinh tế ảm đạm, khiến người tiêu dùng thận trọng khi mua hàng, trong khi xung đột Nga – Ukraine đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Ngoài ra, giá đồng giảm do tồn trữ tại London tăng 10.100 tấn lên 136.950 tấn.
Giá quặng sắt và thép đều giảm
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore đều giảm, chịu áp lực bởi triển vọng nhu cầu quặng sắt tại Trung Quốc giảm, nơi mà nhiều nhà máy thép bị thua lỗ và cắt giảm sản lượng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/202 trên sàn Đại Liên giảm 5,8% xuống 719,5 CNY (107,49 USD)/tấn, giảm phiên thứ 3 liên tiếp và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 23/6/2022.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Singapore giảm 4,8% xuống 109,15 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 3,4%, thép cuộn cán nóng giảm 3,8% và thép không gỉ giảm 1,1%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải tăng đã thúc đẩy hoạt động mua vào, cùng với đó là thị trường chứng khoán Tokyo hồi phục, làm lu mờ mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Osaka tăng 2,7 JPY tương đương 1,1% lên 258,2 JPY (1,9 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 160 CNY lên 13.080 CNY (1.955 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/6/2022 (13.175 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch.
Giá cà phê robusta chạm mức thấp nhất 10 tháng
Giá cà phê robusta trên sàn London chạm mức thấp nhất 10 tháng, trong bối cảnh nguồn cung từ những nước sản xuất hàng đầu - Việt Nam và Indonesia – tăng.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London giảm 0,2% xuống 2.002 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021 (1.998 USD/tấn).
Giá đường tăng
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 0,8% lên 553,8 USD/tấn.
Giá dầu cọ thấp nhất 9 tháng
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm sau khi nước sản xuất dầu cọ hàng đầu – Indonesia – cho biết, sẽ xem xét hạn ngạch xuất khẩu nhiều hơn để giảm tồn trữ trong nước đang ở mức cao, cùng với đó là mối lo ngại tồn trữ tại Malaysia tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 7,65% xuống 4.348 ringgit (985,72 USD)/tấn, trong phiên có lúc giảm mạnh 9,98% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/9/2022.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 5/7