Dầu tăng 5-6% do tin tức tốt về sức khỏe của ông Trump và gián đoạn một số mỏ dầu ở Nauy
Giá dầu tăng mạnh, hơn 5%, trong phiên giao dịch vừa qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ xuất viện trong ngày 5/10, và cũng bởi 6 mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi của Nauy buộc phải tạm dừng hoạt động do nhiều công nhân bãi công.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 2,2 USD (5,1%) lên 41,29 USD/thùng, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,17 USD (5,9%) lên 39,22 USD/thùng.
Nhiều người cảm thấy việc bán tháo dầu trong tuần vừa qua đã nhiều quá mức. Thị trường dầu đang "lên xuống" theo thông tin về sức khỏe của ông Trump. Phiên liền trước (2/10), giá dầu giảm 4% do tin ông Trump xét nghiệm có kết quả dương tính với Covid-19 và lo ngại rằng "làn sóng lây nhiễm Covid-10" đã lan tới Nhà Trắng. Còn phiên này, giá tăng chủ yếu cũng bởi thông tin tích cực về sức khỏe của ông.
Ngoài ra, một số thông tin khác cũng đang góp phần đẩy giá đi lên, đó là: Hy vọng về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ để chống lại đại dịch Covid-19, công nhân ngành dầu khí Nauy mở rộng đình công đòi tăng lương, khiến cho 6 mỏ dầu khí ngoài khơi nước này phải đóng cửa, các công ty năng lượng ngoài khơi của Mỹ bắt đầu sơ tán các giàn khoan khi có thông tin cơn bão số 25 đang hình thành và mạnh lên ở Caribe và dự báo sẽ di chuyển vào Vịnh Mexico trong tuần này…
Theo Theo Hiệp hội Dầu khí Na Uy (NOG), cuộc đình công này sẽ làm giảm công suất của Nauy khoảng trên 330.000 thùng/ngày, tương đương 8% tổng sản lượng. Tuy nhiên, thông tin về Nauy chỉ có tác động về tâm lý. Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết, sản lượng của Nauy giảm như vậy sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nào tới nguồn cung dầu toàn cầu vì thị trường dầu đang trong tình trạng dư thừa. Sản lượng của Libya tăng được bù đắp cho sản lượng của Nauy giảm. Theo một nguồn tin, sản lượng dầu của Libya đã tăng lên 290.000 thùng/ngày, gấp gần 3 lần so với sản lượng trong giai đoạn bị phong tỏa (tháng 3-9/2020).
Vàng tăng vì kỳ vọng vào gói kích thích của Mỹ và đồng USD yếu đi
Giá vàng tăng 1% trong phiên vừa qua do thị trường lạc quan về chương trình kích thích kiinh tế mới của Mỹ giữa bối cảnh đồng USD yếu đi và chứng khoán Mỹ mạnh lên sau thông tin ông Trump sẽ sớm xuất viện.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.912,80 USD/ounce, trước đó có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ 22/9 là 1.918,36 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 0,7% lên 1.920,10 USD/ounce.
Sự lạc quan của thị trường về gói kích thích tài chính đã tăng lên sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cuối tuần qua phát biểu rằng cuộc đàm phán về gói kích thích đang có tiến triển tốt.
Đồng USD giảm 0,4% trong phiên này so với rổ các đồng tiền chủ chốt, còn chứng khoán tăng điểm mạnh, mặc dù một số chuyên gia nước ngoài cảnh báo rằng trường hợp nhiễm virus Covid-19 của ông Trump có thể nghiêm trọng.
Đồng giảm
Giá đồng giảm trong phiên 5/10 do có dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm nhiều, mặc dù thông tin tích cực về sức khỏe của ông Trump.
Kết thúc phiên, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,5% xuống 6.521 USD/tấn, trước đó có thời điểm giá chạm mức thấp nhất 7 tuần, là 6.269 USD/tấn.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết: "Kim loại - và không chỉ kim loại – đang phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của ông Trump". Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang chậm lại ở Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – có nghĩa là xu hướng giá tăng trong 6 tháng vừa qua có thể không còn tiếp diễn.
Bên ngoài Trung Quốc, sự hồi phục kinh tế khu vực đồng euro đã chững lại trong tháng 9, trong khi hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đang hồi phục khá nhanh. Sản lượng đồng của Chile tháng 8/2020 giảm 6,2% so với cùng kỳ, xuống 481.700 tấn. Tuy nhiên, những thông tin này không có tác động đáng kể tới thị trường đồng phiên vừa qua.
Lúa mì tăng do lo ngại về thời tiết
Giá lú mì trên các thị trường đều tăng. Tại sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, cứng vụ Đông đạt mức cao nhất 2 năm vì lo ngại thời tiết khô hạn sẽ làm giảm năng suất ở những khu vực sản xuất chính trên thế giới, nhất là Mỹ, Nga và Ukraina.
Phiên vừa qua, giá lúa mì đỏ, mềm vụ Đông kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 11 US cent lên 5,84-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ 22/1/2020; lúa mì đỏ, cứng vụ đông giao cùng kỳ hạn tăng 15 US cent lên 5,24-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 17/10/2018.
Giá lúa mì Nga cũng theo đà đi lên, với hợp đồng kỳ hạn tháng 10 của lúa mì 12,5% protein giá 237 USD/tấn (FOB), tăng 4% so với cách đây một tuần.
Đường tăng giá
Giá đường thô tăng trong phiên vừa qua do dự báo nguồn cung sẽ sụt giảm và thị trường tài chính diễn biến tích cực tạo tâm lý lạc quan.
Kết thúc phiên, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 0,06 US cent (0,4%) lên 13,61 US cent/lb, sau khi đã tăng 4% trong tuần trước – tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, giá đường trắng phiên vừa qua giảm, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,5 USD (0,1%) xuống 373,2 USD/tấn.
Niên vụ 2019/20 đã kết thúc và chắc chắn Brazil không dư thừa nhiều, cho thấy nguồn cung ở vụ 2020/21 cũng không thừa với khối lượng lớn như những dự đoán trước.
Trong khi đó, thời tiết ở Nga và Thái Lan cũng không thuận lợi cho các cây nguyên liệu đường, còn Chính phủ Ấn Độ thì đã hoãn chính sách trợ cấp xuất khẩu.
Cà phê arabica thấp nhất 2 tháng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đã giảm 1,75 US cent (1,6%) trong phiên vừa qua, xuống 1,072 USD/lb vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất hơn 2 tháng, là 1,0490 USD/ounce; robusta kỳ hạn tháng 11 cũng giảm 22 USD (1,7%) xuống 1.268 USD/tấn.
Thị trường arabica đang chịu áp lực giảm khi Brazil đẩy mạnh bán ra sau khi kết thúc vụ mùa bội thu. Trong khi đó, các nhà đầu cơ giảm vị thế mua ròng trong tuần cuối tháng 9, xuống còn 25.645 hợp đồng.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cà phê Colombia đang chuẩn bị ứng phó với hiện tượng thời tiết La Nina, có thể gây mưa nhiều hơn mức bình thường, và sẽ tác động tiêu cực tới cây trồng, nhất là cây cà phê, vì làm cho bệnh gỉ sắt trên lá diễn biến phức tạp.
Bông cao nhất 7 tháng
Giá bông trên sàn New York đạt mức cao nhất 7 tháng do nhà đầu tư lạc quan về sức khỏe của ông Trump và lo ngại bão lớn có thể gây thiệt hại tới các cánh đồng bông.
Kết thúc phiên, bông kỳ hạn tháng 12 tăng 0,54 cent, tương đương 0,8%, lên 66,36 UScent/lb, trước đó trong cùng phiên, có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ 25/2, là 67,14 US cent.
Thịt lợn xuất khẩu từ EU tăng chậm lại do dịch tả lợn ở Đức
Mức tăng trưởng xuất khẩu thịt lợn của Liên minh Châu Âu dự báo sẽ chậm lại đáng kể do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Đức khiến nhiều nước hạn chế nhập khẩu thịt lợn của nước này, trong đó có những thị trường lớn nhất như Trung Quốc, Hàn Quốc…
Mặc dù tăng 15% trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó sang Trung Quốc tăng gấp đôi, xuất khẩu thịt lợn của EU năm 2020 dự báo sẽ chỉ tăng 2% trong năm 2020. Dự báo mới nhất này kém lạc quan hơn nhiều so với dự báo liền trước (đưa ra vào tháng 7), khi đó EU cho rằng năm 2020 xuất khẩu thịt lợn sẽ tăng 10%.
Cao su lập đỉnh 1 tuần
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 1 tuần do tác động tích cực từ thị trường dầu mỏ và chứng khoán, sau tin ông Trump có thể xuất viện trong ngày 5/10.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Osaka tăng 3,1 JPY (1,7%) lên 187 JPY (1,8 USD)/kg, trước đó có lúc giá chạm mức cao nhất kể từ 29/9, là 188,1 JPY. Trên sàn Singapore, cao su kỳ hạn tháng 11 cũng tăng 1,2% lên 137 US cent/kg.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 6/10