Dầu tăng giá mạnh
Giá dầu tăng khoảng 3% trong phiên cuối tuần, đạt mức cao nhất trong hơn một năm, sau khi số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến và quyết định không tăng sản lượng trong tháng 4 của OPEC và các đồng minh.
Chốt phiên 5/3, dầu thô Brent tăng 2,62 USD hay 3,9% lên 69,36 USD/thùng, trong phiên giá dầu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Dầu thô WTI tăng 2,26 USD hay 3,5% lên 66,09 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu Brent tăng 5,2%, tăng tuần thứ 7 liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020, và dầu WTI tăng 7,4%.
Cả hai loại dầu này đã tăng hơn 4% trong phiên trước sau khi OPEC và các đồng minh tiếp tục hạn chế sản lượng trong tháng 4, ngoại trừ Nga và Kazakhstan được tăng nhẹ.
Các nhà đầu tư đã rất ngạc nhiên khi Saudi Arabia quyết định duy trì mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 4 ngay cả sau đợt tăng giá dầu trong hai tháng qua nhờ các chương trình tiêm chủng COVID-19 trên toàn cầu.
Một số nhà phân tích đã điều chỉnh tăng dự đoán giá của họ sau quyết định của OPEC +. Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô Brent thêm 5 USD lên 75 USD/thùng trong quý 2 và 80 USD/thùng trong quý 3 năm nay. UBS nâng dự báo giá dầu Brent lên 75 USD/thùng và WTI lên 72 USD/thùng trong nửa cuối năm 2021.
Ngoài ra thị trường có được hỗ trợ sau một báo cáo cho thấy số việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến trong tháng 2. Các thương gia cũng lưu ý USD đang tăng làm hạn chế đà tăng của giá dầu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và thương nhân cho rằng doanh số bán dầu thô giao ngay chậm và nhu cầu không được phục hồi cho đến khoảng quý 3 cho thấy đà tăng giá là không có cơ sở.
Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, cho rằng quyết định gia hạn cắt giảm của OPEC + khi giá tăng cao có thể đe dọa đến sự phục hồi tiêu thụ ở một số quốc gia.
Giá dầu đã phục hồi về mức trước đại dịch cũng thúc đẩy các nhà khoan dầu Mỹ trở lại thị trường. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes số giàn khoan dầu tăng 1 trong tuần này sau khi tăng 6 tuần liên tiếp.
Vàng xuống gần mức thấp nhất 9 tháng
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng sau khi số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến đã làm tăng giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến vàng có tuần thứ 3 giảm giá liên tiếp.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay thay đổi ít tại 1.699,3 USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8/6/2020 tại 1.686,4 USD/ounce trước đó. Giá vàng giảm gần 2% trong tuần này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa phiên giảm 0,1% xuống 1.698,5 USD/ounce.
Số việc làm của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 2, nâng hy vọng phục hồi kinh tế nhanh chóng được hỗ trợ bởi các gói kích thích tài chính khổng lồ và chương trình vaccine. Số liệu kinh tế mạnh mẽ nâng lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lên cao nhất kể từ tháng 2/2020, trong khi USD cũng tăng giá.
Nickel hồi phục trong phiên cuối tuần nhưng cả tuần vẫn giảm sâu nhất 1 thập kỷ
Giá nickel tăng do người mua săn giá hời sau 2 ngày giảm mạnh, mặc dù vẫn có tuần giảm giá mạnh nhất trong gần một thập kỷ sau khi một thỏa thuận nguồn cung làm suy yếu kỳ vọng thiếu hụt.
Kim loại này chủ yếu sử dụng làm thép không gỉ, nhưng nhu cầu về pin nickel cho xe điện dự kiến sẽ bùng nổ khi thế giới hướng tới nền kinh tế carbon thấp hơn.
Giá nickel giao sau 3 tháng tăng 1,5% lên 16.390 USD/tấn, nhưng vẫn có tuần giảm khoảng 11%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011.
Giá nickel giảm khi tổ chức Tsingshan Holding cho biết họ sẽ cung cấp pin nickel cho hai công ty của Trung Quốc, làm suy yếu kỳ vọng thiếu hụt nickel "loại 1".
Nickel đã đạt mức 20.110 USD/tấn cao nhất kể từ tháng 5/2014 vào ngày 22/1. Trên sàn giao dịch Thượng Hải nickel đóng cửa giảm 7,8% xuống 121.750 CNY (18.763,1 USD)/tấn.
Quặng sắt, thép Trung Quốc quay đầu giảm
Quặng sắt và thép của Trung Quốc giảm mạnh do các nhà đầu tư giảm lạc quan về triển vọng nhu cầu tại nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới này.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 3,3% xuống 1.127,5 CNY (174,07 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục 1.185 CNY/tấn trong phiên trước. Tuy nhiên giá quặng sắt Đại Liên đã giảm 0,1% trong tuần này, theo hướng giảm đầu tiên trong 5 tuần do đợt bán tháo trong phiên cuối tuần.
Hợp đồng quặng sắt cùng kỳ hạn tại Singapore giảm 2% xuống 168,3 USD/tấn.
Giá quặng sắt giao ngay nhập khẩu vào Trung Quốc đạt mức cao nhiều năm đạt đỉnh 179,5 USD/tấn trong ngày 4/3 do nhu cầu mạnh, theo công ty tư vấn số liệu SteelHome.
Quặng sắt nhập khẩu chứa tại các cảng của Trung Quốc đạt mức cao nhất 3 tháng tại 127,9 triệu tấn trong tuần này.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 3,1%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 2,9%. Thép không gỉ giảm 0,2% sau khi giá nickel giảm.
Cao su Nhật Bản tăng
Giá cao su Nhật Bản tăng trong phiên qua sau khi Trung Quốc thiết lập mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay khi nước sử dụng cao su lớn nhất thế giới này tiếp tục phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3 JPY hay 1,2% lên 269,9 JPY/kg. Hợp đồng này đã tăng 0,9% trong tuần qua.
Cao su giao tháng 5 tại Thượng Hải tăng 0,1% lên 15.360 CNY/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 25 USD hay 1,8% xuống 1.381 USD/tấn, thấp nhất trong gần 2 tuần.
Nhà môi giới Marex Spectron dự báo sản lượng robusta của Brazil đạt 20,8 triệu bao, tăng 9,5% so với niên vụ trước. Báo cáo cũng dự báo thế giới dư thừa 1,4 triệu bao trong niên vụ 2021/22 nhưng cà phê arabica thiếu hụt 12,1 triệu bao. Marex Spectron dự báo sản lượng arabica của Brazil niên vụ này ở mức 32,8 triệu bao, giảm mạnh từ 50 triệu bao trong niên vụ trước.
Cà phê arabica cùng kỳ hạn giảm 3,3 US cent hay 2,5% xuống 1.2885 USD/lb.
Thời tiết ẩm ướt hơn ở các khu vực trồng cà phê của Brazil trong những ngày tới cũng là một yếu tố giảm giá.
Đường tăng giá
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,14 US cent lên 16,4 US cent/lb một phần bởi giá dầu thô tăng lên mức cao nhất trong gần 14 tháng.
Công ty buôn bán cà phê Sucden cho biết họ dự kiến đường toàn cầu thiếu hụt nhẹ trong niên vụ 2020/21, do sản lượng tăng tại bắc bán cầu sẽ bù cho sản lượng giảm tại Brazil. Công ty này ước tính tổng sản lượng tại trung nam Brazil giảm khoảng 10% trong niên vụ mới do sản lượng mía giảm ở mức 575 – 580 triệu tấn và hàm lượng đường trong mía cũng giảm.
Đường trắng cùng kỳ hạn tăng 1,5 USD lên 463,5 USD/tấn.
Đậu tương, ngô, lúa mì đồng loạt tăng
Đậu tương của Mỹ tăng trong phiên cuối tuần, tăng tuần thứ 4 liên tiếp do thời tiết khô hạn tại Argentina gây ra lo lắng về nguồn cung toàn cầu. Ngô phục hồi từ mức thấp nhất 3 tuần đã chạm tới trong phiên trước, trong khi lúa mì cũng tăng.
Đậu tương trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa tăng 19-1/2 US cent lên 14,3 USD/bushel. Hợp đồng này đã tăng lên mức cao nhất một tuần trong phiên trước.
Ngô CBOT tăng 13 US cent lên 5,45-1/2 USD/bushel, sau khi phiên trước giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/2 khi Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo lượng xuất khẩu hàng tuần của Mỹ thấp.
Lúa mì CBOT đóng cửa tăng 2 US cent lên 6,53 USD/bushel.
Mặt hàng | ĐVT | Hôm nay | So với hôm qua | So với 1 tuần trước | So với 1 tháng trước | So với đầu năm 2021 |
Dầu WTI | USD/thùng | 66,2600 | 3,81% | 7,74% | 14,30% | 36,56% |
Dầu Brent | USD/thùng | 69,5300 | 4,18% | 7,93% | 14,81% | 34,23% |
Xăng | USD/gallon | 2,0732 | 3,77% | 6,29% | 23,79% | 47,03% |
Vàng | USD/ounce | 1.700,91 | 0,22% | -1,88% | -7,06% | -10,31% |
Bạc | USD/ounce | 25,244 | -0,25% | -5,17% | -7,37% | -4,23% |
Bạch kim | USD/ounce | 1.129,75 | 0,33% | -4,96% | -2,34% | 5,99% |
Palađi | USD/ounce | 2.338,96 | -0,02% | 0,94% | 0,34% | -4,44% |
Đậu tương | US cent/bushel | 1.436,7500 | 1,27% | 2,79% | 3,55% | 9,13% |
Lúa mì | US cent/bushel | 654,0000 | 0,65% | -0,15% | -0,27% | 2,11% |
Ngô | US cent/bushel | 564,0000 | 3,25% | 1,53% | 0,04% | 16,53% |
Sữa | USD/cwt | 16,30 | 0,49% | 4,29% | 4,42% | 3,16% |
Cao su | JPY/kg | 269,00 | -0,37% | -0,88% | 8,12% | 0,07% |
Đường | US cent/lb | 16,38 | 0,74% | -6,56% | 0,68% | 5,75% |
Chè | USD/kg | 2,97 | 0,00% | 2,06% | -4,19% | 3,48% |
Cà phê | US cent/lb | 128,50 | -2,02% | -7,55% | 3,55% | 0,19% |
Đồng | USD/lb | 4,1010 | 4,03% | 0,09% | 11,26% | 16,57% |
Nickel | USD/tấn | 16.230,00 | 0,88% | -12,42% | -10,44% | -1,95 |
Nhôm | USD/tấn | 2.182,00 | 2,27% | 1,09% | 7,84% | 10,16% |
Thép | CNY/tấn | 4.813,00 | -0,74% | 4,13% | 15,23% | 14,05% |
Than đá | USD/tấn | 81,40 | -0,37% | 0,49% | -0,49% | 0,22% |
Quặng sắt | USD/tấn | 178,00 | 1,71% | 2,89% | 14,47% | 12,30% |