Dầu giảm do tồn trữ ở Mỹ tăng
Giá dầu giảm trong phiên vừa qua, trong đó dầu Tây Texas (WTI) chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019 sau khi số liệu về tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng ngoài dự kiến, gây lo ngai kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại.
Kết thúc phiên vừa qua, dầu Brent giảm 1,34 USD tương đương 2,2% xuống 60,63 USD/thùng, dầu WTI giảm 1,8 USD tương đương 3,4% xuống 51,68 USD/thùng, trong phiên có lúc WTI chạm 50,60 USD, thấp nhất kể từ 14/1/2019.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết tồn trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của nước này tuần qua đều tăng do cả nhập khẩu và sản lượng trong nước tăng, trong đó tồn trữ dầu thô tăng 6,8 triệu thùng (trong khi dự đoán của các nhà phân tích là giảm 489.000 thùng) lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2017 và là lần đầu tiên cao hơn khoảng 6% so với mức trung bình 5 năm.
Vàng sát mức cao nhất 15 tuần
Đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất đã đẩy giá vàng đi lên, đầu phiên vừa qua có lúc đạt mức cao nhất 15 tuần. Kết thúc phiên, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.329,57 USD/ounce sau khi trước đó cùng phiên có lúc tăng 1,4% lên 1.343,86 USD/ounce, không xa mấy so với mức cao nhất 10 tháng là 1.346,73 USD đạt được hôm 20/2/2019. Vàng kỳ hạn giao tháng 8/2018 tăng 0,4% lên 1.333,6 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất gần 8 tuần sau khi số liệu từ Mỹ cho thấy các nhà sử dụng lao động tư nhân trong tháng 5 vừa qua đã bổ sung số việc làm ít nhất kể từ năm 2010, gây nghi ngờ kinh tế Mỹ có thể đang sa sút do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nỗi lo càng tăng khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo cuộc chiến này có thể khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 0,5% trong năm 2020.
Thép tăng
Giá thép tại Trung Quốc tăng do dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung có thể sẽ giảm dần trong bối cảnh lợi nhuận của các nhà sản xuất thép sụt giảm và chính sách hạn chế sản lượng ở thành phố sản xuất thép lớn nhất nước này.
Thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 0,7% lên 3.747 CNY (542,6 USD)/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 3.608 CNY/tấn. Quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,2% lên 1.378 CNY/tấn, trong khi than cốc tăng 0,1% lên 2.114,5 CNY/tấn. Hai nguyên liệu này đi lên theo xu hướng giá thép.
Lithium: Phát hiện mỏ khoảng 5 triệu tấn có thể giúp Trung Quốc giảm nhập khẩu
Trung Quốc vừa phát hiện mỏ lithium trữ lượng khoảng 5 triệu tấn ở tỉnh Vân Nam. Điều này có thể giúp họ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu loại nguyên liệu sử dụng trong sản xuất pin chạy xe điện. Trên thế giới, trữ lượng lithium lớn được phát hiện ở một số nước trong đó có Bolivia.
Nhu cầu lithium ở Trung Quốc đang tăng nhanh khi nhiều người từ bỏ các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lithium vì khoảng 80% lithium sử dụng ở Trung Quốc giai đoạn 2011 – 2015 đến từ nước ngoài, điều này khiến Chính phủ lo ngại ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mới chủ chốt như sản xuất pin sạc điện.
Đất hiếm: Mỹ hướng sang Châu Phi để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã có cuộc hội đàm với công ty Mkango Resources Ltd MKA.V của Malawi và một số công ty khai thác đất hiếm khác trên toàn cầu về nội dung cung cấp đất hiếm. Đây là một phần của kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung cấp đất hiếm giữa bối cảnh Trung Quốc dọa sẽ hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Mặc dù trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 toàn cầu, nhưng lại chiếm tới 80% lượng nhập khẩu vào Mỹ. Đó là động lực thúc đẩy Washington đa dạng hóa nguồn cung cấp sang các nước khác.
Đồng thấp nhất 5 tháng, nickel thấp nhất 4 tháng
Giá đồng giảm trong phiên vừa qua, chạm mức thấp nhất 5 tháng do USD mạnh lên bởi lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trên bảng điện tử sau khi phiên giao dịch kết thúc, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,5% xuống 5.792 USD/tấn, thấp nhất kể từ 4/1/2019. Lúc đóng cửa giao dịch giá giảm 0,6% xuống 5.807 USD/tấn. Thị trường dấy lên lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 1/2 tiêu thụ đồng toàn cầu.
Nickel cũng giảm 0,8% xuống 11.720 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 24/1/2019 bởi lo ngại nhu cầu suy giảm trong lĩnh vực thép không gỉ - ngành sử dụng 2/3 tổng nhu cầu nickel toàn cầu – khoảng 2,4 triệu tấn. Lượng nickel lưu kho trên sàn London tăng cũng góp phần gây áp lực giảm giá, cụ thể đã tăng 5.136 tấn lên 164.052 tấn.
Cà phê arabica có phiên giảm mạnh nhất 4 năm
Giá cà phê arabica đã giảm mạnh nhất trong vòng hơn 4 năm trong phiên vừa qua do sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật, robusta cũng theo xu hướng giảm. Cụ thể, arabica giao tháng 7/2019 giảm 6,55 UScent tương đương 6,2% xuống 99,1 UScent/lb, mức thấp nhất trong vòng 1 tuần. Robusta cùng kỳ hạn giao giảm 71 USD tương đương 4,8% xuống 1.413 USD/tấn, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Nỗi lo rằng thời tiết lạnh ở Brazil ảnh hưởng tới sản lượng cà phê đã dịu lại kéo giá arabica lùi xa mức cao nhất 4 tháng của phiên trước. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê tháng 5/2019 của Honduras tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cao su đi lên
Giá cao su trên sàn Tokyo tăng sau khi giá cao su ở Thượng Hải cũng tăng và thị trường chứng khoán hồi phục trở lại bởi Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ phát tín hiệu có thể hạ lãi suất.
Cao su kỳ hạn tháng 112019 trên sàn TOCOM tăng 2,8 JPY tương đương 1,5% lên 195 JPY (1,81 USD)/kg. Hợp đồng giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải cũng tăng 245 CNY lên 12.125 CNY/tấn.
Rau gia vị: Gừng và tỏi tăng, giá ớt giảm
Gừng tươi tiếp tục tăng giá trong mấy tuần gần đây do sản lượng của Trung Quốc năm nay giảm so với năm ngoái vì lý do thời tiết. Nguồn cung gừng loại 1 năm nay cũng ít. Dự đoán sắp tới giá sẽ vẫn tăng đều bởi các nhà kinh doanh bắt đầu mua gừng để đưa vào kho lạnh tích trữ.
Ớt hồi đầu mùa đã tăng giá gấp đôi so với năm ngoái do thời tiết khắc nghiệt khiến sản lượng giảm khoảng 30%, nhưng gần đây khi thời tiết nóng lên thì giá ớt bắt đầu giảm và dự báo sẽ còn giảm hơn nữa khi nguồn cung tăng dần lên.
Tỏi hiện đang được bán ở chợ đầu mối Xinfadi (Bắc Kinh) với giá 8 CNY (1,16 USD)/kg, cao hơn 77,8% so với mức 4,5 CNY (0,65 USD) ngày 1/1/2019 do thời tiết không thuận lợi vào đầu năm 2019 và diện tích trồng tỏi của Trung Quốc cũng giảm 25% so với năm ngoái.
Dịch sâu ăn lá armyworm lan tới Trung Quốc đe dọa an ninh lương thực
Trung Quốc phát hiện sâu có armyworm ở 18 tỉnh thành, trên diện tích ít nhất 92.000ha đất nông nghiệp, chủ yếu là ngô và mía. Loại sâu ăn lá này cực kỳ nguy hiểm, có nguồn gốc ở Châu Mỹ, cách đây hơn 2 năm đã lan sang Châu Phi, ảnh hưởng tới hàng triệu ha cây trồng, nhất là ngô, lúa gạo và lúa mì. Ở Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện tại tỉnh Vân Nam hồi tháng 1/2019.
Phát đi thông báo: sâu armyworm "đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nông nghiệp và sản xuất ngũ cốc quốc gia", Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã khuyến nghị khẩn cấp sử dụng 25 loại thuốc trừ sâu trên diện rộng để tiêu diệt loại sâu, bao gồm chlorfenaccor và acephate, thời gian chiến dịch kéo dài tới cuối năm 2020.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay ngày 6/6
Theo Trí thức trẻ