Dầu cao nhất 5 tháng do tồn trữ dầu thô Mỹ và tỷ giá USD đều giảm
Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 do lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh và đồng USD yếu đi. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục khiến nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu trong tương lai.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 74 US cent (1,7%) lên 45,17 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 49 US cent (1,2%) lên 42,19 USD/thùng. Trước đó, lúc đầu phiên, cả 2 loại dầu có thời điểm tăng mạnh trên 4%.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn trữ dầu thô của nước này đã giảm 7,4 triệu thùng trong tuần trước, cao gấp hơn 2 lần mức 3 triệu thùng do các nhà phân tích dự đoán.
Bên cạnh việc USD yếu đi khiến dầu trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại ngoại tệ khác khi mua vào, giá dầu còn hưởng lợi bởi tiến triển tích cực trong đàm phán giữa Nhà Trắng và Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ về gói cứu trợ mới chống Covid-19, mặc dù khoảng cách quan điểm giữa 2 bên vẫn còn xa nhau.
Về môi trường kinh tế, dữ liệu mới cho thấy sản xuất của Mỹ được cải thiện khi số đơn đặt hàng tăng lên – một số nhà phân tích coi đây là tín hiệu hồi phục kinh tế, và hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng euro tháng 7/2020 tăng nhẹ.
Tuy nhiên, số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 ngày 5/8 đã vượt 700.000 người trên toàn cầu, gia tăng nhanh nhất tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico.
Tập đoàn JBC Energy cho biết, nhu cầu xăng trong quý 3/2020 trong 3 quý đầu năm nay sẽ giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu dầu khí giảm 4%. Tập đoàn này tỏ ý nghi ngờ về khả năng nhu cầu dầu sẽ sớm hồi phục trở lại bằng mức của năm 2019. Trên thực tế, tồn trữ các sản phẩm chưng cất trong 3 tuần liền đều duy trì ở mức cao nhất 38 năm, trong đó tồn trữ xăng tăng 2 tuần liên tiếp.
Vàng lập ‘đỉnh’ mới sau khi vượt 2.000 USD
Giá vàng tiếp tục vọt lên mức cao kỷ lục mới do đồng USD và lợi nhuận từ trái phiếu Mỹ đều giảm khiến các nhà đầu tư tập trung tích trữ vàng để giữ an toàn cho tài sản của mình.
Sau khi vượt mốc 2.000 USD/ounce lần đầu tiên trong lịch sử (vào ngày 4/8), giá vàng giao ngay trong phiên 5/8 vươn lên mốc cao mới, có lúc đạt 2.055,1 USD/ounce, kết thúc ở mức tăng 0,9% lên 2.035,79 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2020 tăng 1,4% lên 2.049,3 USD/ounce, sau khi có lúc đạt 2.070,3 USD. So với đầu năm, giá đã tăng 34%.
Các nhà đầu tư lo ngại những gói kích thích khổng lồ sắp tới để chống Covid-19 sẽ làm gia tăng lạm phát. Lợi nhuận thực tế từ trái phiếu Mỹ đã giảm mạnh, khiến vàng trở nên đặc biệt hấp dẫn.
"Chúng ta đang chứng kiến đồng USD liên tục giảm giá, đường cong lợi suất của Mỹ giảm hơn nữa và lạm phát gia tăng", Bart Melek, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities cho biết.
Trong bối cảnh giá vàng tăng dựng đứng, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (Trung Quốc) hôm qua đã đưa ra cảnh báo rằng các nhà đầu tư nên ý thức được yếu tố rủi ro lớn đối với mặt hàng vàng và bạc, và cần "quản lý đầu tư một cách hợp lý", đồng thời cho biết sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro khi giá biến động.
Đồng tăng bởi kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế trong khi nguồn cung hạn hẹp
Giá đồng tăng do giới đầu tư hy vọng kinh tế thế giới sẽ hồi phục tích cực và nhu cầu đồng sẽ tho đó tăng lên. Đồng USD yếu đi cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua các hàng hóa tính theo USD.
Trên sàn London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng tăng 0,6% lên 6.490 USD/tấn.
Trong khi nhu cầu ở Trung Quốc tiếp tục mạnh, các nơi khác trên thế giới bắt đầu có dấu hiệu cải thiện sau khi các ngân hàng trung ương tích cực bơm tiền vào hệ thống tài chính.
Hoạt động của các nhà máy Trung Quốc tháng 7/2020 tăng nhanh nhất trong vòng một thập kỷ. Sản xuất ở Eurozone và Mỹ cũng mạnh lên.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là yếu tố rủi ro lớn đối với đồng và các tài sản tương tự.
Cà phê biến động mạnh
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 lúc đầu phiên giao dịch vừa qua chạm mức cao nhất kể từ ngày 26/3, là 1,2725 USD/lb, nhưng sau đó giảm trở lại để kết thúc phiên chỉ còn tăng tăng 0,5 US cent (0,4%). Cà phê robusta kết thúc phiên giảm 25 USD (1,8%) xuống 1.379 USD/tấn.
Tổ chức Cà phê Quốc tế đã điều chỉnh dự báo về cung – cầu mặt hàng này trên toàn cầu trong mùa vụ 2019/20, theo đó dự báo sẽ thiếu hụt 486.000 bao (1 bao = 60 kg).
Đường giảm
Giá đường tăng vào lúc đầu phiên nhưng giảm trở lại vào cuối phiên. Cụ thể, đường thô kỳ hạn tháng 10 đầu phiên đạt mức cao nhất 4,5 tháng (12,96 US cent/lb), nhưng sau đó giảm dần, kết thúc phiên giảm 0,24 US cent (1,9%) xuống 12,54 US cent/lb. Đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 5,4 USD (1,4%) xuống 369,2 USD/tấn.
Đồng real Brazil vững so với USD (khác với xu hướng chung là các đồng tiền khác tăng so với USD). Điều này có thể dẫn tới việc các nhà máy đường Brazil tăng cường bán đường ra trong phiên vừa qua.
Thị trường đường đang được hưởng những thông tin tích cực về nhu cầu và triển vọng không chắc chắn về nguồn cung của Ấn Độ, Thái Lan và Châu Âu trong thời gian tới.
Cobalt tăng mạnh
Giá cobalt – nguyên liệu sản xuất hóa chất dùng trong ắc quy xe chạy điện - trên thị trường thế giới đang tăng mạnh do việc vận chuyển hàng từ Nam Phi bị chậm trễ trong khi nhu cầu từ Trung Quốc tiếp tục mạnh. Các nhà tinh luyện cobalt ở Trung Quốc lo ngại các biện pháp cách ly xã hội có thể gây cản trở thương mại cobalt nên đang ráo riết mua tích trữ.
Trên sàn London, cobalt hiện đạt 33.000 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020 và cao hơn trên 15% so với cuối tháng 7/2020. Trong khi đó, trên Sàn giao dịch thép không gỉ điện tử Wuxi (Trung Quốc), giá cobalt giao ngay đã tăng 20,6% kể từ cuối tháng 6/2020, hiện đạt 286 CNY (40,95 USD)/kg.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) và Singapore đều tăng trong phiên vừa qua do nhu cầu từ Trung Quốc mạnh và lo ngại về nguồn cung.
Quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,4% lên 888 CNY (127,72 USD)/tấn vào cuối phiên 5/8, trông khi trên sàn Singapore tăng 0,1% lên 111,75 USD/tấn vào buổi chiều cùng ngày.
Giá thép tại Trung Quốc tăng đang khích lệ các nhà máy thép nước này gia tăng công suất sản xuất thép, khiến nhu cầu nguyên liệu – quặng sắt – tăng theo.
Cao su lập ‘đỉnh" 5 tháng
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản đạt mức cao nhất 5 tháng trong phiên vừa qua, là phiên thứ 3 liên tiếp tăng, do kỳ vọng các chính phủ sẽ tăng cường kích thích kinh tế để giảm thiểu tác động bởi Covid-19.
Trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 1 năm tới tăng 1,8 JPY (1,1%) lên 170,3 JPY/kg, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3. Cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 35 CNY lên 12.190 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 6/8