Giá dầu tăng gần 5%
Giá dầu tăng gần 5%, do kỳ vọng biến thể virus corona Omicron sẽ gây ít tác động kinh tế hơn nếu các triệu chứng hầu như đều nhẹ và một số các nước thành viên OPEC đặt niềm tin vào thị trường.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, dầu thô Brent tăng 3,2 USD tương đương 4,6% lên 73,08 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 3,23 USD tương đương 4,9% lên 69,49 USD/thùng. Tuần trước, cả hai loại dầu đều giảm tuần thứ 6 liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent tăng 38% được hỗ trợ bởi các hạn chế sản lượng dẫn đầu bởi nhóm các nước sản xuất OPEC+, song giảm từ mức cao nhất 3 năm (86 USD/thùng) trong tháng 10/2021.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Abdul-Jabbar dự kiến giá dầu sẽ đạt trên 75 USD/thùng.
Nhóm OPEC+ bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, tuần trước đã quyết định tiếp tục tăng nguồn cung hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022, ngay cả khi giá giảm bởi lo ngại Omicron.
Giá dầu tăng được hỗ trợ bởi triển vọng về sự gia tăng xuất khẩu dầu Iran suy giảm, sau các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 bị phá vỡ vào tuần trước.
Giá khí tự nhiên thấp nhất 4,5 tháng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm hơn 11% xuống mức thấp nhất 4,5 tháng, do dự báo thời tiết giữa tháng 12/2021 ôn hòa khiến triển vọng nhu cầu suy giảm.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn New York giảm 47,5 US cent tương đương 11,5% xuống 3,657 USD/mmBtu – thấp nhất kể từ ngày 15/7/2021. Kể từ ngày 26/11/2021 đến nay, giá khí tự nhiên đã giảm hơn 30% trong 6 phiên liên tiếp và giảm khoảng 1,8 USD/mmBtu, giảm từ mức cao nhất 7 năm (6,5 USD/mmBtu) đạt được trong 2 tháng trước đó.
Giá vàng giảm
Giá vàng giảm do đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, song lạm phát gia tăng và sự không chắc chắn về biến thể virus corona Omicron đã hạn chế đà suy giảm, trong khi các nhà đầu tư tập trung vào số liệu giá tiêu dùng của Mỹ được đưa ra vào cuối tuần này.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,3% xuống 1.778,09 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn New York giảm 0,3% xuống 1.779,5 USD/ounce.
Đồng USD tăng khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác, cùng với đó là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng, khi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng, làm dấy lên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu kim loại công nghiệp.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1% lên 9.509 USD/tấn, sau khi giảm 0,8% trong phiên trước đó.
Đây là lần thứ 2 trong năm nay, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ, giải phóng thanh khoản dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Giá quặng sắt và thép cây đều tăng
Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore đều tăng, do kỳ vọng việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể hạn chế nguy cơ rủi ro mà nước này phải đối mặt, song đà tăng bị hạn chế bởi mối lo ngại về việc kiểm soát sản lượng thép.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 1,6% lên 615,5 CNY (96,58 USD)/tấn, sau khi tăng 4,2% trong đầu phiên giao dịch.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Singapore tăng 2,1% lên 103,7 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 104,6 USD/tấn.
Đồng thời, trên sàn Thượng Hải giá thép cây tăng 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,2% và thép không gỉ giảm 1,1%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nhu cầu chậm lại, bởi biến thể virus corona Omicron lây lan và các hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia.
Giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Osaka giảm 3,9 JPY tương đương 1,6% xuống 236,7 JPY (2,1 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch, giá cao su chạm 236,1 JPY/kg – thấp nhất kể từ ngày 22/11/2021.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 75 CNY xuống 14.630 CNY (2.296 USD)/tấn.
Giá cà phê cao nhất 10 năm
Giá cà phê arabica và robusta tăng lên mức cao nhất 10 năm, được hỗ trợ bởi triển vọng sản lượng giảm.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 2,6% lên 2,4985 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 2,5085 USD/lb – cao nhất kể từ tháng 10/2011.
Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London tăng 1,4% lên 2.437 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 8/2011.
Giá đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 2,1% lên 19,16 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 2% lên 496,6 USD/tấn.
Giá ngô và đậu tương giảm, lúa mì tăng
Giá ngô và đậu tương tại Mỹ giảm, do lo ngại về sự lây lan của biến thể virus corona Omicron, khiến các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 5-3/4 US cent xuống 12,61-1/2 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 1/2 US cent xuống 5,83-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 2-1/2 US cent lên 8,06-1/4 USD/bushel, sau khi giảm xuống mức thấp 7,89-1/2 USD/bushel.
Giá dầu cọ tăng hơn 2%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 2%, do tồn trữ trong tháng 11/2021 suy giảm.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 101 ringgit tương đương 2,17% lên 4.751 ringgit (1.123,17 USD)/tấn, sau khi tăng 3,9% trong phiên.
Tồn trữ dầu cọ của Malaysia trong tháng 11/2021 giảm 3,5% so với tháng trước đó, xuống mức thấp nhất 4 tháng (1,77 triệu tấn).
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 7/12